Cảnh báo tình trạng béo phì trong thời gian giãn cách
Bác sĩ cảnh báo về tình trạng béo phì trong thời gian giãn cách
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 22/09/2021 12:43 PM (GMT+7)
Béo phì là một bệnh lý có thể gây ra những tác động có hại đến sức khỏe. Việc tăng cân quá mức khiến nguy cơ rối loạn đường huyết tăng cao và dẫn đến bệnh đái tháo đường ở người bệnh béo phì.
Theo TS. BS. Trần Quang Nam - Trưởng khoa nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23 kg/m2 tới dưới 25 kg/m2 được xếp vào nhóm thừa cân, từ 25 kg/m2 trở lên sẽ được xem là béo phì.
Bệnh lý béo phì gây ra các rối loạn về chuyển hóa, cũng như rối loạn chức năng của cơ thể và ảnh hưởng nặng nề đến những cơ quan khác như hô hấp, khớp, tim mạch... Cân nặng càng tăng, các ảnh hưởng càng nghiêm trọng, nên cần được đánh giá và kiểm soát từ sớm.
Điều đáng lo ngại chính là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu. Người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu…
Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho vợ chồng anh Nguyễn Minh K. và chị Trần Nhật L. (40 tuổi, cùng ngụ tại TP.HCM, đều có chỉ số BMI ở mức cao và được cảnh báo về tình trạng béo phì.
Thông qua kết quả khám sức khỏe tổng quát, các bác sĩ nhận thấy anh K. có tiền căn tăng huyết áp, còn chị L. đang trong giai đoạn tiền đái tháo đường và rối loạn lipid máu.
Anh K. chia sẻ, cả hai đều là nhân viên văn phòng, có thói quen ăn uống thất thường, ít có thời gian vận động và hay căng thẳng do công việc.
Dù vợ chồng anh K. nhận biết được tình trạng cân nặng mất kiểm soát nhưng chủ quan không đi kiểm tra và cũng không nghĩ bản thân có những dấu hiệu rối loạn đường huyết.
Theo BS CKI. Ngô Cao Ngọc Điệp - khoa dinh dưỡng tiết chế - chế độ ăn được đề nghị cho người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết, thường từ 1.500-1.800 kcal/ngày đối với nam và 1.200-1.500 kcal/ngày đối với nữ.
Trong đó, tỷ lệ các nhóm đại dưỡng chất như chất bột đường, chất đạm và chất béo có trong khẩu phần phải được cá thể hóa, như phù hợp với mô hình ăn uống hiện tại, phù hợp thực phẩm địa phương, với sở thích...
Chế độ ăn uống phải tạo một cán cân âm tính giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao do vận động, để có thể làm giảm cân và ngăn chặn rối loạn đường huyết tiến triển.
Các nguyên tắc chính của chế độ ăn bao gồm ăn uống điều độ, chọn lựa thực phẩm lành mạnh, kiêng ăn các thực phẩm ngọt và giàu chất béo, ăn vừa đủ chất đạm và tinh bột, ưu tiên chọn thực phẩm giàu chất xơ.
Song song với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết cũng cần lên kế hoạch tập luyện thể chất phù hợp.
Trong quá trình giảm cân, tập luyện giúp bảo toàn khối cơ xương, giúp tăng cường sự trao đổi chất, từ đó duy trì số cân đã giảm được thông qua việc giảm calo hấp thụ ở khẩu phần ăn. Quá trình giảm cân được khuyến cáo nên thực hiện khoa học, an toàn và hợp lý để đảm bảo sức khỏe.
TS.BS Trần Quang Nam lưu ý, trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19 như hiện nay, người bị thừa cân, béo phì rất dễ tăng cân do hạn chế vận động, không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể. Mặt khác, khi người bệnh đái tháo đường nhiễm Covid-19, rất dễ có biến chứng nặng.
Đặc biệt với người đái tháo đường kèm béo phì thì nguy cơ phải nhập viện do Covid-19 càng cao và có thể tăng khả năng tử vong. Chính vì vậy, người bệnh béo phì càng cần phải thực hiện chế độ ăn khoa học, duy trì tập luyện thể chất để kiểm soát cân nặng cũng như duy trì đường huyết ở mức ổn định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.