Bác sĩ Trần Duy Hưng từ góc nhìn của người con út

Đức Hiếu Thứ sáu, ngày 10/10/2014 07:21 AM (GMT+7)
Gia tài mà bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và lâu nhất của Hà Nội để lại cho con cháu chính là nền nếp gia phong. Ông luôn quan niệm, đã sống phải đàng hoàng và cống hiến hết mình cho công việc.
Bình luận 0

Tư duy vượt thời gian

Sáng 8.10, phóng viên báo NTNN tìm về Nhà tưởng niệm bác sĩ Trần Duy Hưng tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là khuôn viên Nhà tưởng niệm Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và lâu nhất của Hà Nội lại quá nhỏ so với tưởng tượng. Tất cả chỉ chừng hơn 170m2.

img
Ông Trần Chiến Thắng nhớ lại kỷ niệm về cha mình. 

 

Ông Trần Chiến Thắng, người sinh ra vào đúng năm giải phóng Thủ đô (tháng 8.1954) tiếp chúng tôi tại nhà tưởng niệm. Ông là con út trong số 7 người con của bác sĩ Trần Duy Hưng (6 người con trai và 1 người con gái). Ông Thắng chia sẻ: “Tên tôi được bố tôi đặt là Chiến Thắng vì tôi sinh ra ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử”.

Trong cuộc trao đổi, nghe ông Thắng trò chuyện, chúng tôi mới hiểu vì sao bác sĩ Trần Duy Hưng lại được coi là Chủ tịch ấn tượng và đáng nhớ nhất của người dân Thủ đô. Nói về chuyện này, ông Thắng đỏ hoe đôi mắt: “Giá bố tôi còn sống, ông sẽ làm đến cùng”. Với tư duy vượt thời gian, suốt trong thời gian ông làm Chủ tịch, quy hoạch xây dựng tổng thể thành phố luôn được tôn trọng. Ngay từ ngày đó, ông cũng đã luôn nuôi ý tưởng biến sông Hồng trở thành một thực thể của Hà Nội.

Chưa hết, từ thập niên 1960, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã chủ trương bán nhà phân phối cho cán bộ để thành phố vừa có tiền mà cán bộ có nhà của mình, tự họ sửa chữa cho to đẹp hơn. Khi hàng hóa khan hiếm trong chiến tranh chống Mỹ, ông đã để cho tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng thiết yếu, điều hết sức cấm kỵ thời bấy giờ.

“Thị trưởng” của lòng dân

Bác sĩ Trần Duy Hưng cũng là một người sống giản dị, liêm khiết, luôn luôn tận tụy với dân. Ông luôn có mặt động viên kịp thời người dân trên chính các khu phố bị bom Mỹ tàn phá như Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai ngay cả trong 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử tháng 12 năm 1972.

Liền mạch với những tâm sự của mình, ông Thắng tiếp: “Ông cụ là người sinh ra trong gia đình Nho giáo nhưng có tư tưởng rất tiến bộ. Bố tôi coi con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại đều ngang nhau cả, không có sự phân biệt nào cả. Còn về cách sống, nói không quá, bố tôi chẳng biết mặt đồng tiền bởi có bao nhiêu tiền, ông đưa hết cho mẹ tôi để bà lo việc gia đình”.

Hỏi chuyện thêm ông Thắng, chúng tôi biết gia đình của thân sinh cụ bà Nhữ Thị Tí (vợ bác sĩ Trần Duy Hưng) cũng là một gia đình rất gia thế. “Nhưng với bố tôi, quan trọng nhất là phải sống đàng hoàng. Gia phong luôn được ông đặt lên hàng đầu và đó chính là gia tài lớn nhất mà bố tôi để lại cho con, cháu”- ông Thắng chia sẻ. Vẫn với sự xúc động của mình, ông Thắng nói tiếp: “Bố tôi luôn nói với con cháu: Tâm của bố là thầy thuốc, công việc hay cuộc sống đều phải biết yêu thương mọi người, bất kể thân sơ. Nhờ lời dạy của bố, tôi cũng như các anh, chị luôn cố sống thật tốt để bố không buồn”.

Trong gia đình như thế, hiển nhiên ở công việc cũng như hành xử với người dân, bác sĩ Trần Duy Hưng không bao giờ làm trái với tư tưởng của mình. Tận hiến với việc công, hết mình cho Thủ đô, theo cách giải thích từ người con trai Trần Chiến Thắng là: “Phải giữ lấy cốt cách, còn sống ngày nào thì phải đàng hoàng và cống hiến hết mình ngày ấy”. Cũng vì phẩm chất ấy, bác sĩ Trần Duy Hưng đã động viên hai con là ông Trần Chiến Thắng và Trần Thắng Lợi nhập ngũ. Ông bảo: “Các con phải thấy được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự to lớn của mỗi người dân, bất kể là ai”.

  Nhà tưởng niệm bác sĩ Trần Duy Hưng có diện tích hơn 170m2, được xây dựng và hoàn thành vào năm 2010. Hàng tuần ông Thắng và vợ vẫn về đây hương khói cho người cha kính yêu của mình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem