“Bác sĩ tử thần” của Đức Quốc xã và thí nghiệm trẻ song sinh

Thứ tư, ngày 09/10/2019 19:31 PM (GMT+7)
Lấy nội tạng mà không dùng thuốc mê hay tiêm vi khuẩn gây nhiễm trùng miệng và bộ phận sinh dục là thí nghiệm mà bác sĩ Đức Quốc xã thực hiện trên những đứa trẻ sinh đôi vô tội.
Bình luận 0

Trước khi quân đội Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz nổi tiếng tàn bạo ở Ba Lan 70 năm trước, quân Đức Quốc xã đã giết rất nhiều tù nhân hoặc đầy ải họ. Chúng cũng bắt những cặp sinh đôi nhỏ tuổi và biến họ thành “chuột thí nghiệm” của “bác sĩ tử thần” Josef Mengele, người làm việc cho Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

img

Những cặp song sinh từng sống tại trại tập trung Auschwitz là nạn nhân của các cuộc thí nghiệm do "bác sĩ tử thần" Josef Mengele thực hiện. Ảnh: AFP.

Theo BBC, Đức Quốc xã bắt cóc Vera Kriegel cùng em gái sinh đôi Olga khỏi ngôi làng của họ tại Tiệp Khắc cũ và đưa họ tới trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan. Chúng đẩy hai chị em lên xe chở gia súc chật kín những xác người chết đứng. Vera nhớ lại cảm giác “hoàn toàn kinh hãi” trong quãng đường tới trại và bước vào khu vực đầy rẫy những xác người khi tới nơi.

Đức quốc xã phân chia các thành viên mới nhập trại thành hai nhóm mạnh và yếu dựa trên sức khỏe của họ. Bác sĩ Mengele và các trợ lý của hắn cũng tới đây để tìm kiếm những cặp sinh đôi.

Với mục tiêu tạo ra một giống người thượng đẳng theo yêu cầu của Hitler, Mengele đã tiến hành các cuộc thí nghiệm để tìm ra phương pháp nhằm tăng nhanh dân số của chủng người Aryan bằng cách cho ra đời những cặp sinh đôi cùng gen.

Chúng đã đưa Vera, chị gái và mẹ của bà đến thẳng phòng bác sĩ Mengele. Ngay lập tức, ông ta bị mê hoặc trước “các đặc điểm hoàn hảo của người Aryan” với đôi mắt xanh mà mẹ của Vera sở hữu hay đôi mắt nâu của Vera và em gái. Mengele đã chọn họ cho các cuộc thí nghiệm ghê rợn của ông ta.

Chuột thí nghiệm

“Bản ghi chép của một bác sĩ từng làm việc theo lệnh của Mengele tiết lộ ông ta đã thí nghiệm 732 cặp sinh đôi. Ông ta rất hứng thú với gen di truyền và quan tâm đặc biệt tới xu hướng kế thừa của việc mang thai đôi”, giáo sư Paul nói.

Ông tin rằng, nhiều người trong số các cặp song sinh sống sót từ trong trại tập trung, ngoại trừ những cặp người Roma chắc chắn đã chết hết. Những người còn sống nay đã rất già và họ không thể nhớ chính xác 100% về những chuyện đã xảy ra.

Giáo sư Paul Weindling thuộc trường Đại học Oxford Brookes, Anh, đồng thời là tác giả của cuốn Nạn nhân và Nhân chứng trong các thí nghiệm của Đức Quốc xã, cho hay hàng trăm trẻ em đã trở thành "chuột thí nghiệm" của "bác sĩ tử thần" Mengele.

Jona Laks, một nạn nhân của bác sĩ Mengele, nhớ lại những ký ức cũ khi quân Đức Quốc xã bắt cóc bà và em của bà khi họ ở tuổi thiếu niên. Hai chị em từng sống tại Lodz, Ba Lan. Ban đầu, Mengele không nhận ra hai chị em Jona là cặp song sinh và đưa họ tới buồng hơi ngạt - khu vực dành cho những người không đạt yêu cầu sức khỏe để trở thành "chuột thí nghiệm". Tuy nhiên, khi em của Jona nói rằng, họ là một cặp sinh đôi, Mengele lập tức đổi ý và chuyển hai đứa trẻ tới phòng thí nghiệm.

Nạn nhân Jona nói rằng, bác sĩ đồ tể Mengele đã moi nội tạng từ các cặp song sinh nhỏ tuổi mà không tiêm thuốc gây mê cho họ. Nếu một trong hai người chết, ông ta sẽ giết người còn lại.

Trong khi đó, nạn nhân Vera Kriegel cho hay Mengelem còn tiêm thuốc vào tim nạn nhân và sau đó giải phẫu các thi thể. Vera nhớ lại khoảnh khắc mở cửa phòng thí nhiệm của bác sĩ Mengele. "Tôi trông thấy một bức tường với nhiều mắt người. Những cặp mắt xanh, nâu hay xanh lá cây ở trên tường. Những đôi mắt như nhìn tôi chằm chằm. Chúng giống một bộ sưu tập bướm. Tôi đã ngã xuống sàn nhà vì quá sợ hãi”, Vera hồi tưởng.

Trong thí nhiệm đầu tiên, bác sĩ Mengele đã nhốt Vera và chị gái vào một lồng gỗ nhỏ. Sau đó, ông ta chích mũi tiêm vào lưng cô. Vera không biết tại sao hắn lại làm như vậy nhưng cô đoán, đó có thể là cách làm thay đổi màu mắt của cô.

Trong một thí nghiệm khác, Mengele đã tiêm vi khuẩn gây bệnh Noma vào người hai chị em cùng hơn 100 cặp song sinh khác. Vi khuẩn này gây nhiễm trùng miệng hoặc bộ phận sinh dục, tạo những nốt nhọt và khiến cơ thể hoại tử. Sau khi thuốc ngấm cơ thể nạn nhân, một số cặp song sinh có biểu hiện sốt, trong khi những người khác tử vong.

Bà Vera cũng nhớ lại phản ứng giận giữ của bác sĩ Mengele khi các cặp sinh đôi đột nhiên mất tích. Mỗi lần như vậy, bà thường nhìn chằm chằm vào ông ta để chứng minh rằng, hắn không thể chế ngự bà.

Những trò man rợ của Đức Quốc xã

img

Những em nhỏ - nạn nhân của bác sĩ Mengele -  giơ cánh tay có những con số mà quân Đức Quốc xã dùng để nhận dạng. Ảnh: USHMM.

Ngoài các cặp sinh đôi, những người còi cọc hay thân hình khổng lồ cũng là "chuột thí nghiệm" của bác sĩ Mengele.

Moti Alon, tới trại tập trung Auschwitz năm 1944 khi mới 9 tuổi. Moti cho biết quân Đức Quốc xã đã ép ông xem cảnh quan hệ tình dục giữa một người lùn và một phụ nữ. Ngoài ra, chúng còn xăm số lên những cặp sinh đôi để đánh dấu. Tuy nhiên, thay vì xăm con số 17, chúng lại viết số 10 lên tay ông rồi sau đó xóa đi để thay bằng những dấu chấm.

Trong khi đó, một nạn nhân khác là Menachem Bodner kể lại, quân Đức Quốc xã đã bắt ông cùng anh trai tới trại tập trung khi họ mới lên 3 tuổi. Con số 3 cũng trở thành điểm nhận dạng của hai anh em. Khi Menachem rời trại tập trung vào năm 1945, ông không hề biết tên thật của mình.

Nhờ sự giúp đỡ của nhà di truyền học người Israel Ayana KimRon và một trang Facebook được thành lập nhằm hỗ trợ những người cần xác định danh tính, ông mới biết tên thật của ông là Elias Gottesman và tên anh trai là Jeno. Cả hai sinh ra tại một thị trấn nhỏ, phía đông Munkacs thuộc Hungary và nay là địa phận của Ukraine.

Theo điều tra của nhà di truyền học KimRon, cha của Menachem đã qua đời trong trại tập trung và mẹ của ông, bà Roza, đã trở lại Hungary sau một cuộc diễu hành chết chóc từ trại tập trung Flossenburg và sau đó bà bị sát hại năm 1946 trong một cuộc bạo loạn chống người Do Thái. Giờ đây, khi đã gần 80 tuổi, ông vẫn tiếp tục tìm kiếm người anh em sinh đôi sau lần cuối cùng họ gặp nhau năm 1945.

Bà Vera Kriegel nhớ lại, ngày 26/1/1945, lính gác của trại Auschwitz rơi vào trạng thái hoảng loạn. "Chúng đổ xăng vào trại và cố tiêu diệt mọi bằng chứng", bà Vera kể. Cầm chặt những bức ảnh gia đình, Vera, mẹ và em gái đã chạy trốn khỏi trại, nhưng không thành công. Ngày hôm sau, quân Liên Xô đã giải phóng Auschwitz. Những người lính đem cho chúng tôi áo khoác và nói hãy mặc chúng vào rồi xắn tay áo lên cao để họ có thể nhìn thấy những con số in trên tay.

"Họ quay phim chúng tôi - những đứa trẻ. Họ muốn biết những gì đã xảy ra với chúng tôi và các cuộc thí nghiệm của Mengele. Mọi thứ đã được tiết lộ", bà Vera nói.

Chân dung "bác sĩ tử thần"

img

Chân dung "bác sĩ tử thần" Mengele chụp vào  năm 1938 (ảnh trái và giữa) và năm 1956 (ảnh phải). Ảnh: Alamy.

Mengele là trợ lý của một nhà nghiên cứu nổi tiếng, người được biết đến với những phát hiện về các cặp song sinh tại Viện Di truyền sinh học và Chủng tộc ở thành phố Frankfurt, nước Đức. Mengele bắt đầu làm việc tại trại tập trung Auschwitz vào tháng 5/1943.

Khi quân đội Liên Xô giải phóng tù nhân trong trại tập trung Auschwitz, "bác sĩ tử thần" Mengele đã chạy trốn. Một thời gian sau, quân đội Mỹ bắt giữ ông ta. Tuy nhiên, một đơn vị đã phóng thích Mengele vì không phát hiện ra ký hiệu xăm hình của Đức Quốc xã trên cánh tay hắn. Họ cũng không biết tên này nằm trong danh sách những tội phạm chiến tranh nguy hiểm.

Kể từ đó, Mengele sống dưới vỏ bọc của một người nông dân thực thụ ở bang Bavaria, cực nam nước Đức, trước khi trốn sang Argentina vào năm 1949.

Mặc dù chính quyền Tây Đức đã ra lệnh bắt giữ “bác sĩ tử thần” vào năm 1959, Mengele vẫn ngang nhiên sinh sống ở Nam Mỹ. Ông ta chết vì đuối nước sau cơn đột quỵ tại một khu du lịch ở Brazil năm 1979. Nấm mộ của tên bác sĩ đồ tể được đặt tại thành phố Sao Paulo, dưới tên gọi Wolfgang Gerhard.

Hải Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem