Diệu Bình
Thứ sáu, ngày 14/08/2020 19:00 PM (GMT+7)
Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị, xây dựng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang trở thành một bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai tại Đà Nẵng.
Ngày 14/8, ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến - Trung tâm y tế huyện Hòa Vang.
Báo cáo tại buổi kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết tính đến 8h ngày 14/8, bệnh viện đã tiếp nhận 190 ca mắc Covid-19. Trong đó, có 28 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, 4 bệnh nhân hồi sức và 4 bệnh nhân đã tử vong.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, được sự hỗ trợ về nhân lực Bộ Y tế và các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn, hiện, Trung tâm đang có 300 nhân viên y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
"Bệnh viện đã bố trí 200 giường bệnh để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. Được đầu tư hệ thống nhân tạo với 14 máy chạy thận. Trong đó, 10 máy đang hoạt động và chuẩn bị triển khai thêm 4 máy. 2 khu hồi sức với 12 máy thở và các trang thiết bị", bác sĩ Vĩnh thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, hàng tuần, sau khi kết thúc ca trực, các nhân viên sau y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trước khi ra về. Hiện nay, cũng có một bộ phận riêng để theo dõi kết quả xét nghiệm các nhân viên y tế nơi đây.
Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai tại Đà Nẵng cho biết đoàn công tác hiện có các bác sĩ giỏi về các lĩnh vực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền nhiễm, chống nhiễm khuẩn và bệnh nặng. Bên cạnh đó, còn có đội tư vấn sức khỏe, tinh thần cho đội ngũ y tế Đà Nẵng.
"Bác sĩ tập trung nhiều nhất ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, coi đây là địa bàn quan trọng nhất. Ngoài ra, bệnh viện cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống ICU (chăm sóc tích cực) ở Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Đà Nẵng. Ngoài ra, lực lượng y bác sĩ còn hỗ trợ, xây dựng hệ thống ICU ở bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn và diễn tập để sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống bệnh ở tỉnh Quảng Nam", bác sĩ Sơn nói.
Theo Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai, ngay từ những ngày đầu tiên, các y bác sĩ bệnh viện đã tiến hành khẩn trương xây dựng hệ thống ICU và các công việc cần thiết để tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
"Những bệnh nhân ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang là những bệnh nhân nặng nhất trong tất cả các bệnh viện. Đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh nền giai đoạn cuối nên có nguy cơ tử vong cao", bác sĩ Sơn nói.
Theo bác sĩ Sơn, để xây dựng một hệ thống hồi sức không hề đơn giản, từ yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, quy trình hồi sức...
"Thành phố và Sở Y tế đã thành lập một trung tâm thận nhân tạo tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang gồm 14 máy có khả năng tiếp nhận từ 60-90 bệnh nhân mắc Covid chạy thận tại đây", bác sĩ Sơn thông tin.
Bạch Mai muốn có bệnh viện vệ tinh tại Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, bác sĩ Sơn cũng kiến nghị thành phố tạo điều kiện cung cấp đủ cho bệnh viện đủ cơ số máy thở, các máy theo dõi như Monitor trung tâm, hệ thống camera...
"Trong tương lai, nếu có thể làm Telemedicine (y tế từ xa), Bệnh viện dã chiến Hòa Vang sẽ trở thành một bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai. Nếu như được cho phép, chúng tôi sẽ xây dựng Bệnh viện Hòa Vang với tên tuổi Bệnh viện Bạch Mai tại đây. Về tương lai, chúng ta có thể xây dựng một trung tâm xét nghiệm lớn ở miền Trung. Chúng tôi nhận thấy Đà Nẵng đủ điều kiện để phát triển một trung tâm giống như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Có thể ở đây sẽ là Bệnh viện Nhiệt đới của Đà Nẵng", Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai nhận định.
Về kiến nghị này, Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai cho rằng khách du lịch khiến nền kinh tế của địa phương phát triển, nhưng cũng có thể mang đến rất nhiều bệnh, điển hình như Covid-19. Chính vì thế phải có một trung tâm tại địa phương chuyên điều trị về các bệnh truyền nhiễm. Việc làm này sẽ thay đổi toàn bộ bộ mặt của Đà Nẵng.
"Khi điều trị những bệnh truyền nhiễm thì sẽ hiểu được chống nhiễm khuẩn là gì, lây chéo là gì, từ đó tránh được sai sót trong việc điều trị. Ví dụ như việc lây chéo trong bệnh viện rất dễ xảy ra nếu như công tác chống nhiễm khuẩn không tốt. Chúng ta cần nhìn xa hơn nữa, sau dịch chúng ta phải thay đổi cái gì, hệ thống y tế chúng ta thay đổi cái gì, để làm sao khi có đợt dịch khác xuất hiện, chúng ta phải sẵn sàng ứng phó với tình huống đó. Chúng tôi mong muốn Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng một trung tâm như vậy, khi đó, Bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ đầy về tất cả các lĩnh vực như: Hồi sức, thận nhân tạo, truyền nhiễm...", Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Thảnh ủy Đà Nẵng ghi nhận những kiến nghị của các bác sĩ và cho biết đây là những gợi mở cho Đà Nẵng.
"Thay mặt cho Đà Nẵng, tôi xin cảm ơn đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và các tỉnh, thành đã chung tay, góp sức hỗ trợ thành phố. Kiến nghị của các bác sĩ hôm nay cũng là gợi mở về một hướng đi mới, hình thành các cơ sở y tế, xét nghiệm và điều trị lớn không chỉ cho Đà Nẵng, mà còn cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên", ông Quảng nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng ghi nhận, đánh giá cao quá trình tổ chức, triển khai thành lập bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
"Đây là một trong những dấu ấn đi vào lịch sử của ngành Y tế trong phòng, chống dịch. Chỉ trong 10 ngày, một bệnh viện dã chiến đã đi vào hoạt động với những điều kiện đáp ứng cho việc điều trị như bệnh viện hiện đại", ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Tin cùng chủ đề: Dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.