Bài 2: Hơn 90 cán bộ cao cấp bị kỷ luật là điều cần suy ngẫm nhất

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 28/01/2020 06:08 AM (GMT+7)
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ cả đương chức và nguyên chức thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Bình luận 0

img

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khẳng định công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được làm mạnh hơn (ảnh IT).

PV Dân Việt tiếp tục trò chuyện với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) để cùng nhìn nhận xung quanh việc có nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao bị xử lý kỷ luật Đảng như trong thời gian vừa qua.

Nhìn vào số cán bộ, đảng viên, đặc biệt là số cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, có lẽ chưa bao giờ Đảng ta phải xử lý kỷ luật nhiều đến như vậy thưa ông?

- Có thể nói đây là một dấu ấn lịch sử, bởi vì chưa có bao giờ, chưa có thời kỳ nào mà nhiều cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước cả đương chức và nguyên chức bị xử lý kỷ luật như trong nhiệm kỳ này. Thực tiễn đó cũng cho thấy, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ dẫn tới những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo; đặc biệt, nếu nó lại xảy ra ngay trong đội ngũ cán bộ cao cấp thì đó là con đường ngắn nhất dẫn tới sự sụp đổ của Đảng. Chính vì thế, Đảng ta đã kiên quyết xử lý đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái với phường châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để làm trong sạch Đảng, ông Nguyễn Đức Hà nói.

Khi nói về vấn đề suy thoái trong Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô là bài học kinh nghiệm sâu sắc, đắt giá đối với Đảng ta; chúng ta phải “khắc cốt, ghi tâm” bài học này và kiên quyết không bao giờ đi vào vết xe đổ mà Đảng Cộng sản Liên Xô đã đi. Mỗi khi xử lý kỷ luật cán bộ cao cấp, đồng chí Tổng Bí thư rất đau lòng, trăn trở và nói rằng, “mỗi đồng chí phải ghi vào tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng; chúng ta đừng làm điều gì để làm đau lòng gia đình, người thân, anh em, đồng chí vì những điều không đáng có…”.

img

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương -ảnh PV).

Điểm lại những trường hợp cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật thời gian qua, thấy đa phần họ mắc vi phạm, khuyết điểm từ nhiều năm trước, thực tiễn này là điều đặt ra nhiều suy nghĩ với công tác xây dựng Đảng thưa ông

- Việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm trong thời gian vừa qua rất nghiêm minh, nhưng cũng đầy tính nhân văn, thấu lý, đạt tình và tâm phục, khẩu phục; vừa có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, vừa giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận lại mình, tự soi, tự sửa những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Vấn đề làm chúng ta phải suy nghĩ là, khi xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao là điều mất mát lớn nhất, đau xót nhất.

Bởi bất kỳ một vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng nào, dù phức tạp đến đâu chúng ta đều có thể tính toán và quy ra thất thoát bao nhiêu, lãng phí bao nhiêu tiền, nhưng khi mất mát về cán bộ thì không thể tính được bằng tiền. Điển hình như vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, số tiền thiệt hại nhiều tỷ đồng đã được khắc phục, toàn bộ số tiền đưa và nhận hối lộ của các bị cáo đã được thu về cho ngân sách Nhà nước. Tuy trong vụ án này, tài sản vật chất của Nhà nước không bị mất đi, nhưng đã mất mát lớn về cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp và có cán bộ quản lý, kỹ thuật giỏi thì đó là điều đau xót nhất.

Một vấn đề khác nữa đặt ra khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ là, vì sao nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật như vậy? và trong số đó có người bị xử lý về pháp luật. Điểm lại số cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thì phần nhiều là những trường hợp đã có vi phạm, khuyết điểm từ trước, nhưng nay mới phát hiện ra và cũng có người mới vi phạm khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị mới.

Thực tiễn trên đã đặt ra cho chúng ta câu hỏi là: công tác theo dõi, quản lý, đánh giá và kiểm tra, giám sát cán bộ như thế nào? Tại sao cán bộ đã từng có khuyết điểm nhưng không được xử lý mà lại bố trí vào vị trí công tác cao hơn? Còn nếu không phát hiện được thì công tác theo dõi, quản lý và kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với cán bộ chưa tốt. Cũng có những cán bộ thời gian trước đây là cán bộ tốt, nhưng khi được đưa vào vị trí công tác mới và ở cương vị mới, họ đã không giữ được mình, bị lợi ích vật chất tầm thường chi phối và dẫn tới suy thoái và bị kỷ luật.

Nhưng nói chung cả hai trường hợp đều đặt ra cho Đảng bài học kinh nghiệm, đó là công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, nhận xét, đánh giá cán bộ như thế nào để đánh giá đúng thực chất cán bộ và bố trí cho đúng người, đúng việc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải đổi mới toàn diện công tác cán bộ, bảo đảm thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch để bố trí cán bộ đúng người, đúng việc.

img

Thông tin từ mỗi kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương luôn được dư luận dành sự quan tâm lớn (ảnh PV).

Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt kết quả, một điều vô cùng quan trọng đó Đảng phải luôn biết dựa vào quần chúng nhân dân thưa ông?

- Năm nay cũng tròn 75 năm thành lập nước, nhìn lại sự kiện 75 năm trước cho thấy, khi Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời, lở đất như vậy; chỉ trong 10 ngày nhân dân ta đã giành được chính quyền trên phạm vi cả nước mà lúc đó toàn Đảng chỉ có 5.000 đảng viên.

Nếu chỉ dựa vào sức mạnh của 5.000 đảng viên thì không thể nào tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại như vậy mà phải dựa vào sức mạnh của nhân dân. Hiện nay, Đảng ta có trên 5 triệu đảng viên, bằng 1.000 lần năm 1945, nhưng nếu chỉ dựa vào sức mạnh của số đảng viên này thì chúng ta cũng không thể làm nên công cuộc đổi mới với thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày nay, mà đó chính là sức mạnh của nhân dân.

Thực tiễn đó cho chúng ta bài học kinh nghiệm sâu sắc về sức mạnh của nhân dân và Đảng phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đây không chỉ là bài học kinh nghiệm qua 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng, mà nó là bài học kinh nghiệm mang chiều sâu lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là, Triều đại phong kiến nào thu phục được nhân tâm, biết dựa vào nhân dân, chăm lợi ích cho nhân dân và biết phát huy sức mạnh của nhân thì triều đại đó tồn tại lâu dài, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và đất nước phát triển rực rỡ.

Từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 420 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái, hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 21 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng (2 Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều đau xót, nhưng không thể không làm vì trong sạch của Đảng, vì sự tồn vong của chế độ, vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Nhìn vào con số, danh sách cán bộ bị kỷ luật  cũng cho thấy việc xử lý cán bộ là “không có vùng cấm”, không có ai là "bất khả xâm phạm" ngoài luật pháp và kỷ luật của Đảng.

Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng CSVN (3/2/1930 – 3/2/2020), báo điện tử Dân Việt thực hiện loạt bài viết nhiều kỳ với tiêu đề “Quyết ngăn chặn những mối nguy hại lớn”, qua đó để thấy rõ hơn quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng chỉnh đốn, làm trong sạch bộ máy của Đảng.

Xin cảm ơn ông!

Bài 3: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Đảng kế thừa bài học xử Trần Dụ Châu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem