Hàng “thú cưng” bị ăn trộm từ Bắc chí Nam, ai đứng sau? (Bài 2)

Nhóm PV Điều tra Dân Việt Thứ tư, ngày 22/03/2023 06:10 AM (GMT+7)
"Siêu trộm" tên Bình ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp mà chúng tôi đối thoại ở bài trước chỉ là một "tép riu" trong thị trường buôn bán chó mèo ăn trộm đang phủ khắp từ Bắc chí Nam nhiều năm qua và đang tiếp diễn chưa biết đến bao giờ kia.
Bình luận 0

Điều kì lạ nằm ở chỗ: hầu như ai cũng biết điều đó, chính các trùm trộm, cả mạng lưới thương lái rộng khắp và nhiều cán bộ mà chúng tôi phỏng vấn đều biết rõ điều đó. Song, chúng ta vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề liên quan trực tiếp tới tài sản, tính mạng con người, đến tình hình an ninh trật tự trên nhiều tỉnh thành kể trên.

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 1.

Những thủ đoạn trộm chó mèo gây mất an ninh trật tự khu vực nông thôn ĐBSCL

Riêng Bình "có" tới vài chục tay trộm chó mèo trong nhóm, họ quần thảo khắp miền Tây lên tận TP HCM và vùng lân cận. Mỗi khi đêm về, họ lại như ma trơi lẩn lút gây họa, theo kiểu, "nghe gà gáy tìm đường lẩn trốn, lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra" được cụ Nguyễn Du miêu tả trong "Văn chiêu hồn". Các đầu mối mà chúng tôi khảo sát khắp Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đồng Nai…, đều cho biết: chúng tôi gom vài tạ đến cả tấn chó mèo cho quý vị thu mua. Nhưng rồi thẽ thọt: đa phần nó là hàng "điện", hàng "lồng", hàng "đêm", hàng "kẹo".

Túm lại là đồ ăn trộm, là tiêu thụ đồ gian. Ô hay, lạ kì quá, khi chúng ta để điều đó diễn ra giữa ban ngày ban mặt và trên quy mô rộng đến ngỡ ngàng!

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 2.

Trên một tuyến đường ở TP Cần Thơ, một chủ quán thịt cầy quê Nam Định thẳng thắn: thịt chó có hàng thu gom hợp pháp trong dân, nhà nào nuôi chó mà nó đẻ nhiều, nuôi nhầng nhầng là họ bán. Tuy nhiên, hàng ăn trộm còn nhiều hơn. Hễ ai mở quán là có các tay trộm đến gạ giao hàng. Có con chó mèo còn sống do dính bẫy, có con bị thương, có con đã chết, hàng nào giá nấy.

"Chó điện", tức là bị bắn bằng súng điện, dù không chết, nhưng khi thịt ra, trên da nó có vết bầm và chín thịt như cái nhọt bọc lớn tơ tướp. Nhìn sợ lắm. Và hàng đó bị thâm, khách sành, họ ăn phát hiện ra là mất uy tín ngay. Đấy là chưa kể chó dính bả, độc tố xâm nhập nhanh đến mức: con vật tội nghiệp vừa ngậm vào đã đứt cuống họng mà chết, thì thử hỏi con người ăn vào độc hại tới mức nào.

"Chúng tôi tránh mua hàng ăn trộm vì sợ luật pháp sờ tới", anh ta thận trọng rồi giới thiệu chúng tôi với một chủ lò mổ khác ở cùng thành phố.

"Ông này ngoài 50 tuổi, hàng nhiều lắm, dĩ nhiên là hàng gì thì chú tự hiểu", các chủ quán là người Bắc nói.

Tại địa chỉ mới, một người làm trong lò mổ, đồng thời đứng treo đồ ăn trộm ra mặt đường ầm ào xe cộ để bán, tiết lộ oang vào… camera giấu kín của chúng tôi: chó, hay mèo, còn sống hay đã chết, nhiều hay ít, thì cứ đặt trước là bao nhiêu cũng có.

"Gần sáng là bọn ăn trộm nó mang hàng tới đây, tôi giết mổ. Chó "điện", đấy, anh xem, tôi treo lên kia kìa, thui vàng mà vết thương do bị bắn súng điện vẫn te tua trên da thịt nó. Khổ lắm. Mèo cũng vậy. Mèo bị bẫy ống bơ (dùng ống nhựa đường kính miệng khoảng 15mm, bỏ thức ăn vào, mèo vục mõm vào ăn thì bị thòng lọng thít cổ treo lên) thì nó đau họng, đau cổ. Dù không bị chết nhưng nó lười ăn uống, nó sợ hãi mất mật, nên phải giết ngay khi nhận hàng, kẻo nó gầy nhanh, hao thịt" – người này thông tin.

Khi chúng tôi hỏi về chó mèo sống, đem ra Bắc buôn bán cho hàng nó tươi, anh ta gào lên để cố át tiếng xe cộ hai bên đường: "Hàng ăn trộm, không dám giữ trong nhà đâu anh ơi, thịt luôn, cấp đông cho an toàn!". "Anh xem, hàng em treo bán đây, chó bị sứt sẹo, thủng da thịt nè".

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 3.

Sự công khai đến cỡ đó, thật hết chỗ nói. Cách đó vài cây số, một nữ chủ quán "Thịt cầy Bắc" là người Thái Bình thì hứa gom cho chúng tôi hàng tạ mèo và nhiều tạ chó mỗi tuần. Bởi, "bọn ăn trộm chó mèo nó bán ầm ầm. Lâu nay tôi sợ không dám mua vì ngộ nhỡ công an đến xử lý cả mình. 

Chứ cách đây chưa lâu, đêm nào chúng nó (cánh trộm chó mèo) cùng ầm ĩ ở cửa quán nhà tôi để cân hàng, thu tiền. Nhìn bọn nghiện hút ấy tôi sợ lắm, tôi mua hàng, chồng tôi phải đứng canh gác, kẻo sểnh ra là nó ăn trộm đồ của mình. Thậm chí tôi phải làm việc với nhiều bên để họ bỏ qua cái việc mình mua đồ ăn trộm đó, vì tôi biết là họ biết…".

Trong cuộc đối thoại trực tiếp được ghi hình bí mật với "siêu trộm" tên Bình (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), anh ta rành rọt kể về việc "lo lót" để được yên thân đi ăn trộm. Có khi bị bắt thì giở mánh khóe gì để nhẹ tội hoặc họ giam một đêm rồi thả ra đi về; hoặc tránh bị chụp ảnh, lên truyền hình thì khó bề "chống đỡ"…

Một chủ quán thịt cầy ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thản nhiên: "Bọn bên kia sang đây ăn trộm chó mèo có khi một đêm vài chục xe, thu vài tạ thịt chó mèo mang về, nó gạ gẫm bán hàng cho chúng tôi ầm ầm. Các "đại lý" thu gom hàng ăn trộm đó trở nên khét tiếng ở Tây Nam Bộ, có thể kể đến ông A. (vừa chết), ông N… anh cứ hỏi dân ai cũng biết cả".

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 4.

Một chủ vựa "thu gom" chó mèo cách không xa TP Rạch Giá nói rõ bí quyết mua đồ ăn trộm, cấp đông, chuyển bằng xe tải ra Bắc, mỗi chuyến vài tấn ra sao. Chúng tôi vào một lò mổ ở TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, chủ lò mổ tên S. đang bận đi thu gom nhiều tấn chó mèo ở miền Tây Nam Bộ đã dành khoảng 30 phút qua điện thoại tiết lộ các mánh thu gom chó mèo; câu chuyện "đồ ăn trộm" đã và đang diễn ra. 

Anh ta hứa cung cấp vài tấn thịt chó mỗi ngày cho chúng tôi, mèo thì ít hơn một chút. Con trai anh ta đưa chúng tôi vào thăm lò mổ ở TP Biên Hoà.

Dù luôn cảnh báo, cảnh giác thận trọng với chó mèo ăn trộm; nhưng không chiêu trò nào của giới "xã hội đen" thảm sát thú cưng và chà đạp luật pháp kia không được anh ta kể ra. Đặc biệt, anh ta nói về mánh: ta không mua trực tiếp hàng của người ăn trộm. Mà mua qua đại lý đã thu mua, lưu trữ, thu gom khác. Như thế là không dính dáng nhiều quá tới luật pháp (tránh mua trực tiếp của kẻ trộm), mà vẫn gom cả "núi" hàng mỗi ngày.

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 5.

Ví dụ, trùm trộm tên Bình gom được cả mấy tạ chó một ngày, chị của Bình gom 3 ngày được hai tấn chó mèo. Đủ hiểu thị trường ở khu vực này lớn đến mức nào.

Một chủ buôn chó mèo tên Thủy ở khu vực gần chợ Phương Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nói trực tiếp với chúng tôi: "Nếu các anh lấy hàng, tôi gom được cả chó lẫn mèo, ba bốn hôm được hơn một tấn hàng. Tôi không mua hàng đánh bả. Hàng "điện" thì chó vẫn sống một hai ngày được, nhưng nó yếu đưa đi xa không được. Tôi cũng gom nhiều mèo kiểu ấy...".

Ở Cần Thơ, có cả dãy quán thịt chó có dịch vụ chuộc thú cưng trước giờ bọn chúng bị hành quyết (sau COVID-19, phố thịt chó này đã hạ nhiệt). Bình, tay trộm chó nói rõ: chó mèo cảnh mà thật đẹp, anh ta đem bán cho các trung tâm chăm sóc chó mèo, "bên thú y", họ nuôi và chờ người đến chuộc giá cao.

"Có khi em bắt được con mèo nặng 9,5kg, đúng là mèo ú. Cổ nó to đến mức hai bàn tay em xòe ra, ôm mà không kín nổi một vòng cổ của nó!" – Bình kể.

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 6.

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 7.

Đỉnh cao của "thủ phủ" mèo ăn trộm, là khu vực Đồng Tháp, theo điều tra của chúng tôi. Nhiều vụ bắt giữ đối tượng ăn trộm mèo, chó, khi truy ra, "kẻ thủ ác" đều khai đi trộm đem về Đồng Tháp bán. Có kẻ bị bắt các lô hàng thịt mèo trái phép cả tấn, cũng khai bán cho… Quyền. Có khi 3 đối tượng "lên tivi" (theo cách nói của Bình) vì ăn trộm mèo, với địa chỉ và gương mặt cụ thể, là người Đồng Tháp. Nhiều người ăn trộm chó mèo, nhiều vựa buôn bán đều… tiết lộ, họ gom hàng cho đối tượng Quyền và nhiều "anh, chị" khác nữa.

Để chứng thực điều này, chúng tôi nhập vai là người buôn chó mèo đường dài, "đánh xe đông lạnh" đi gặp Quyền. Tại cơ sở của Quyền ở huyện Lai Vung, mẹ Quyền cho biết (và sau đó Quyền cũng nói): bấy lâu nay, mỗi hai ngày Quyền nhập đến 2 tấn mèo còn sống, tất cả xuất bán ra Bắc cho 02 "tổng đại lý" phân phối khắp các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Gần đây, kênh phân phối bị chặt đứt một nửa do một đàn em cướp mối làm ăn. Tức là ngoài Bắc chỉ tiêu thụ cho Quyền 1 tấn mèo nữa thôi, 1 tấn còn lại (lưu lượng nhập như cũ) phải giết mổ, lưu kho. Vừa rồi, quá uất ức, Quyền bay ra Bắc, phối hợp với anh trai mình để mở rộng thị trường, chấp nhận đi bán từng quán ăn, "tiểu hổ".

Để xác thực các vấn đề, tuần sau đó, chúng tôi bay ra Hải Dương gặp Quyền tại nhà riêng để "bàn kế hoạch làm ăn lâu dài".

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 8.

Đặc biệt, Quyền và mẹ Quyền đều "tự hào" thông báo, Quyền là người khai sinh ra trò trộm mèo ở cả khu vực rộng lớn ở miền Tây Nam Bộ. Anh ta du nhập kĩ nghệ dùng ống bơ bẫy mèo rồi thu mua mèo về bán khắp cả nước. Mẹ Quyền còn ngỏ ý trách móc cơ quan chức năng tiến hành phòng dịch quá cẩn thận: mèo đi bắt của người ta, bắt ở xóm làng đồng ruộng (mèo ăn trộm) thì nó vẫn khỏe, giờ bắt tiêm vắc xin mới cho đem đi bán buôn, giết mổ. Thế là tốn tiền, là làm ác với người ăn thịt mèo (bắt họ ăn cả vắc-xin vừa tiêm!). Bà "tự hào" và Quyền cũng kể công: Quyền mang công nghệ bẫy ống bơ bắt mèo về; song họ thu mua mèo qua đại lý nhỏ, chứ không mua trực tiếp từ kẻ trộm, mua mèo có sổ sách ngày nào mua, mua của ai. Và họ tin, họ đang làm việc "đúng" (?).

Tất nhiên, về quy định: cả nước này không ai cấp phép cho việc giết mổ mèo, cấp đông trên quy mô lớn như vậy cả. Bất kì tủ thịt mèo đông lạnh nào, bất kỳ sự vận chuyển hàng này nào trên đường, đều là sai. Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp nói. Khi cơ quan chức năng ập vào tiêu hủy 5,1 tấn thịt mèo (hai lần gần đây) và "giải cứu" khoảng 700 con mèo sống ở khu của Quyền, thì Quyền không có giấy tờ nguồn gốc tất cả số mèo đó (khả năng cao là mèo ăn trộm), không có giấy tờ hợp pháp về việc giết mổ, trữ đông, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Tóm lại, mèo đông lạnh phải đem đi tiêu hủy hết.

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 9.

Ông Bé Hiền bảo, họ phải đổ thuốc trừ sâu vào hố, vào lô thịt mèo kia rồi mới đốt, tránh việc họ tận dụng lấy lại thịt hay xương mèo trong và sau tiêu huỷ. Mèo sống, 480 cá thể, Quyền đem bán luôn sau khi bị xử lý, bất chấp quy định cần tiêm vắc xin và chờ theo dõi 15 ngày sau đó. "Tang vật" vụ việc, Quyền cũng kệ, bán tất. Anh ta thản nhiên tiết lộ, mèo của mình có nguồn gốc là mèo ăn trộm.

Mẹ Quyền: Hai ngày, cô thu gom được vài chục lồng mèo. Phải có đội hàng chục cái xe đi gom ở khắp 6 tỉnh miền Tây. Chúng nó giỏi lắm, nó đến những cái nhà kho, mèo vào đó lảng vảng nhiều rồi nó bắt hết. Nói thật là mèo trong tủ đông này, có khi hàng vạn con, nó là mèo chết, nhưng nó vừa chết xong (bị giết, bị bẫy) thì mổ luôn, cấp đông bằng đường điện riêng, nên vẫn còn "ngon" lắm.

Quyền: hai ngày tôi có được 1 tấn mèo, tôi đang ra Bắc tìm thêm đầu ra. Kể cả mùa mưa phía Nam, ông mua mèo, lính của tôi mặc áo mưa, đi một lúc là có hàng liền. Chó thì tôi chọn kĩ, hàng non, không bị móm (gẫy răng), không có vú (ý nói chó đã sinh sản). Tôi, có thời điểm, một ngày tôi quay trực tiếp được 7 tạ chó. Tôi có 12 điểm thu gom mèo về để bán, tôi "nuôi" anh em để họ duy trì nguồn cung cấp mèo cho mình!

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 10.

Quyền buồn bã: mỗi năm một lần lên tivi (ý nói bị bắt, nhà báo đến quay phim); Mẹ Quyền: nó là cái nghiệp mèo nó hành thằng Quyền nhà cô. Cố cầu trời khấn Phật và van xin nó bỏ cái nghề đi hàng sống (giết mổ buôn bán mèo) này đi.

Bài 2: Những trùm buôn đứng sau hàng "thú cưng" bị ăn trộm từ Bắc chí Nam - Ảnh 11.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem