Nông dân mới bảo tồn văn hóa truyền thống làng quê Việt: Bài 1 - Từ chân đất bước vào tinh hoa
Nông dân mới bảo tồn văn hóa truyền thống làng quê Việt: Bài 1 - Từ chân đất bước vào tinh hoa
Gia Tưởng – Thúy Phương
Thứ bảy, ngày 08/08/2020 08:30 AM (GMT+7)
Ở những làng quê thuần nông quanh Hà Nội, có những người nông dân chân đất bước vào nghệ thuật một cách hồn hậu trong vở diễn thực cảnh nổi tiếng, có những người nông dân buông tay cày là cầm cọ vẽ tranh, vẽ bích họa làm đẹp đường quê... Họ là những người nông dân mới đang góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống làng quê Việt.
"Tinh hoa Bắc Bộ" là chương trình sân khấu thực cảnh, cầu kỳ, hoành tráng do công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội đầu tư thực hiện. Với tác phẩm mày, đời sống của người dân đồng bằng Bắc bộ đã được tái hiện bằng thủ pháp nghệ thuật đầy xúc cảm, tới mức tinh túy.
Nhưng điều đặc biệt nhất ít ai ngờ được là dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Hoàng Nhật Nam, những người nông dân từ chân đất đã bước vào nghệ thuật một cách hồn hậu, tạo nên sự thành công của tác phẩm, đưa "Tinh hoa Bắc Bộ" lên tầm cỡ được giới sân khấu "kính nể", du khách trong và ngoài nước thán phục.
"Tinh hoa Bắc Bộ" - show thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam
Từ đồng ruộng bước lên sân khấu
Khi chưa đến sân khấu "Tinh hoa Bắc Bộ" ở chân núi Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), chúng tôi không hình dung được những người diễn viên nông dân sẽ ra sao. Nhưng khi đã trò chuyện thì thấy rằng họ đúng là nông dân thật, vẫn mộc mạc, gần gũi và hết sức tự nhiên khi nói về con đường nghệ thuật của mình.
Cô Kiều Thị Châu, 55 tuổi, ở thôn Niệm Mai (xã Ngọc Niệm, huyện Quốc Oai, Hà Nội) mở đầu câu chuyện với chúng tôi hết sức tự nhiên: "Nếu không có chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ" thì tôi vẫn là một nông dân, chỉ biết quanh quẩn một năm 2 vụ lúa, 1 vụ màu và trâu bò, lợn gà, cám bã, rồi trông cháu cho các con đi làm, vì tôi có 3 người con và 6 đứa cháu rồi. Nhưng cách đây 5 năm, tôi nghe thông báo Công ty Tuần Châu tuyển diễn viên quần chúng là nông dân, tôi đi xe máy 12km từ nhà tới đăng ký và may mắn đã trúng tuyển".
Tất nhiên, để theo được nghề diễn thì trong 5 năm qua, cô Châu đã được chồng là ông Tạ Văn Hiến hết sức ủng hộ. Nói về người chồng của mình, cô Châu kể tiếp: "Ở nhà tôi vẫn còn hơn một mẫu ruộng, những ngày vào vụ mùa tôi vẫn tranh thủ đi gặt, đi cấy được. Nhưng ông chồng nhà tôi luôn vui vẻ động viên vợ đi tham gia học và diễn đầy đủ".
Cô Châu cũng cho biết thêm, cô là người nhà xa nơi biểu diễn nhất, cả đi lẫn về ngót 30km. Có những hôm diễn, trời mưa rét, cô một mình xe máy đi về.
Nói về quãng thời gian học thuộc vở diễn của mình, cô Châu kể: "Lúc đầu thì cũng hơi bỡ ngỡ, nhưng chỉ đến buổi thứ 3 là tôi nghe quen nhạc, nhạc tới đâu mà mình nhớ tới đó nên không nhầm gì cả. Hơn nữa, những động tác trong thực cảnh cũng là những công việc hàng ngày mà người nông dân chúng tôi làm rồi, nhưng được nâng lên thành nghệ thuật, tất nhiên động tác hình thể phải đúng và phải đẹp".
Trong vở diễn thực cảnh, cô Châu đảm nhiệm 4 vai: tát nước, ra đồng, múa rối và cầm đó. Nói về thu nhập của mình kể từ khi đi làm "diễn viên chân đất", cô Châu nói đùa: "Tháng chúng tôi cũng được nửa tấn lúa. Mà chúng tôi đi gặt quanh năm, chứ không phải gặt 2 vụ như nông dân truyền thống bây giờ".
Cũng đã theo đoàn được 5 năm, cô Tá Thị Tuất, 62 tuổi, người thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn từ một người nông dân yêu văn hóa văn nghệ nay đã đảm nhiệm những vai diễn múa hoa đăng, nhảy sạp, tố nữ và chạy cờ một cách thuần thục. Cô Tuất kể, lúc đầu được vào đây tập cũng bỡ ngỡ lắm, nhiều khi hoài nghi cả bản thân, không biết mình có theo được lớp hay không. Nhưng rồi khi tập cảm xúc xuất hiện, cô nhập vai rất nhanh, đến ăn cũng nghĩ vai diễn, ngủ cũng nghĩ. "Cảm giác đứng trên sân khấu lạ lẫm lắm, mình phải sửa từng dáng đi, dáng đứng nhưng rất thích thú".
Dù lớn tuổi rồi nhưng cô vẫn theo kịp các bạn diễn. Cô Tuất nói thêm, giờ đang đi tập vở, rồi sinh hoạt tập thể với nhau, vui vẻ thế này, nếu phải nghỉ thì buồn và tiếc lắm. Mới cách đây mấy tháng, cô Tuất vì có u nang phải phẫu thuật, phải nằm viện mất một tuần. Ở nhà nghỉ ngơi thấy buồn bực chân tay, nhớ chương trình, nhớ những buổi tối khán giả vỗ tay rào rào, nên cô lại xin đi làm. Cô bảo: "Mà đi diễn thấy khỏe hơn thật, chứ cứ ở nhà thì mình ốm hơn".
Cô Tuất cũng cho biết thêm, cô đi diễn chương trình sân khấu thực cảnh, chồng cô - ông Ngô Xuân Hương cũng vui lắm. Cứ hôm nào công ty miễn hay giảm giá vé cho người thân của diễn viên là chồng và các con cô đều đi xem, rồi về nhà bình phẩm sôi nổi lắm, chứ không gây khó dễ gì cho "nghiệp diễn" của cô cả.
Trong những diễn viên nông dân của chương trình thực cảnh thì cô Hương Trà Quýt, 55 tuổi, nhìn có vẻ cục mịch, nhưng nói chuyện lại rất cởi mở dí dỏm: "Trước kia hồi thanh niên, tớ làm cô nuôi dạy trẻ, sau đó tớ theo nghề rối nước ở địa phương thôn Sài Khê, xã Sài Sơn. Nhưng rối ở quê thì cũng chỉ diễn những ngày hội hè đình đám, chứ không có điều kiện luyện tay nghề quanh năm như ở sân khấu này. Giờ mình được phát huy đúng sở trường thì thích lắm, nên lúc nào cũng có ý thức tự rèn luyện tay nghề sao cho điêu luyện, sao cho hay nhất để phục vụ khán giả".
Cô Quýt kể, sân khấu thực cảnh có những đêm diễn mà cô không thể quên được: "Trời thì rét mà diễn viên chạy trên nước hăng hái, thậm chí có cảm giác toát mồ hôi bên trong áo, còn trên khán đài khán giả mỗi người khoác một chiếc áo mưa. Nhưng những tràng vỗ tay không ngừng vang lên, kết thúc vở diễn mà khán giả cứ quây lấy diễn viên để bắt tay, để chúc mừng, họ cảm phục những diễn viên đóng đạt và quá nhập vào những thực cảnh".
Cô Quýt cũng bật mí thêm: "Có những hôm trời gió to, diễn ở sân khấu ngoài trời, chúng tôi đóng vai lái xe chở đó, xe cứ chạy vòng vèo vật ngang vật dọc, khán giả cứ tưởng chúng tôi diễn đạt, nhưng thực chất là gió to đẩy xe chạy như thế. Hay trong vai chạy cờ, có những hôm diễn viên chạy do đường trơn lao xuống ao, bộ phận cứu hộ phải vớt lên ướt từ đầu đến chân, nhưng chúng tôi biết cách chữa thẹn, khán giả cũng cứ nghĩ kịch bản diễn như thế, nên cũng vỗ tay tán thưởng. Bao nhiêu vất vả, rét mướt chúng tôi đều quên hết, cứ thấy khán giả vui là mình thích lắm rồi!".
Nông dân là linh hồn vở diễn
Nói về những người nông dân đã đồng hành với mình suốt 5 năm qua, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho hay: "Làm việc với những người nông dân thì mình phải mất nhiều thời gian để hiểu và truyền thụ ý tưởng cho họ, vì họ không được đào tạo cơ bản để diễn xuất sân khấu. Biểu cảm khuôn mặt, động tác hình thể họ vẫn theo thói quen chứ chưa phải là ngôn ngữ nghệ thuật. Tuy họ tiếp thu có chậm hơn diễn viên chuyên nghiệp một chút, nhưng được cái khi họ thuộc bài thì lại nhớ rất lâu.
Khi những người nông dân đã vào guồng rồi, họ tự tin đứng trên sân khấu, với những biểu cảm tốt thì nông dân mới đúng là linh hồn của vở diễn. Vì thực cảnh là tái hiện những cảnh rất đời thường của người nông dân: họ là em bé dắt trâu về nhà, là một bà lão phúc hậu rao cốm Vòng, là người phu khênh kiệu, cô thôn nữ tát nước như múc ánh trăng vàng đổ đi, hay quần chúng trong đám rước hội hè đình đám... Đạo diễn chỉ chau chuốt những chi tiết đời thường mộc mạc, nâng lên thành hơi thở nghệ thuật để phục vụ khán giả và thành món ăn tinh hoa trong đời sống tinh thần.
Vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" đã giành được nhiều kỷ lục, giải thưởng quốc tế về văn hóa, du lịch như: 2 kỷ lục Guinness Việt Nam "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam"; Giải vàng Stevie Awards Châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 và giải "Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019; "Sản phẩm du lịch đột phá - Khi người nông dân trở thành sứ giả văn hoá du lịch"; được kênh truyền hình CNN bình chọn là "Vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội".
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ thêm: "Làm việc với nông dân trong thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" mà lâu lâu mình không được gặp các cô, các bác cũng thấy rất nhớ. Những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán mình đều tới thăm những diễn viên nông dân. Không cần quà cáp gì nhiều, chỉ cần tấm lòng tình cảm với nhau thôi, vì thế mà lúc nào giữa đạo diễn và bà con nông dân cũng tìm thấy cảm hứng làm việc. Vì thế mà chúng tôi vượt qua được những hôm thời tiết bất lợi, rét buốt hay mưa gió bất thường để hoàn thành vở diễn với 5 chương và 55 phút lắng đọng sâu sắc".
"Tinh hoa Bắc Bộ" là điểm dừng chân trong hành trình khám phá văn hoá Việt Nam, là "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam" với 150 nông dân huyện Quốc Oai. Những người nông dân sáng ra đồng, tối lên sàn diễn, đã góp phần quảng bá văn hóa, trở thành sứ giả văn hóa du lịch Việt Nam. Họ không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê và nông dân Hà Nội mà còn góp phần đưa những giá trị đó trở thành nghệ thuật tinh hoa, giúp thế hệ trẻ có cơ hội được tận mắt thưởng lãm văn hóa truyền thống của ông cha mình ngày trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.