Bài 5: TP.HCM chuyển nhượng đất công giá bèo, nhiều quan chức vào "lò"

Hồ Văn Thứ hai, ngày 27/05/2019 13:30 PM (GMT+7)
Không chỉ có quy hoạch treo, mập mờ và không minh bạch làm biến dạng nhiều khu đô thị, đẩy người dân đến bước đường cùng, kiện cáo kéo dài… Ở TP.HCM, tình trạng quản lý lỏng lẻo, cấu kết lợi ích nhóm, tạo điều kiện cho tư nhân thâu tóm đất công với giá bèo. Nhiều vụ án giao đất công giá bèo đã được xử lý, hàng loạt cán bộ từ cấp cao đến cấp trung đã phải vào "lò", trả giá cho cho hành động phi pháp.
Bình luận 0

Lợi ích nhóm thâu tóm đất công

Tai tiếng nhất, có lẽ là hai nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM là ông Nguyễn Thành Tài và ông Nguyễn Hữu Tín bị bắt.

Theo đó, ngày 8/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ Luật hình sự 2015.

Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Thành Tài - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015, cùng về tội danh trên.

img

Chân dung ông Nguyễn Thành Tài. Ảnh: TL

Ông Tài bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến khu "đất vàng" 5.000m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn. Đồng thời Cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm 3 bị can: Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Quận uỷ quận 2, TP.HCM, Đào Anh Kiệt, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM và Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng phòng quản lý đất cũng thuộc sở này.

Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Tài, ông Kiệt và ông Út. Riêng ông Nam được cho tại ngoại, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Những sai phạm của ông Nam được xác định ở thời đểm khi ông này còn là trưởng phòng quy hoạch sử dụng đất, Sở TNMT TP.HCM.

Khu đất này có diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu nhà nước, được giao cho Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, cho thuê.

Thanh tra Chính phủ khẳng định UBND TP giao, cho thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn không qua đấu thầu, đấu giá là vi phạm Luật đầu tư và Luật quản lý tài sản nhà nước.

img

Và khu đất vàng khiến ông Tài phải "vào lò". Ảnh: H.V

Ngoài ra, khu đất cũng được giao và cho thuê không đúng đối tượng, doanh nghiệp thực hiện dự án được giao không đủ năng lực tài chính… Kết luận thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm chung trong vụ việc này thuộc về chủ tịch UBND TP.HCM, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015.

Ngày 19/201811, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM) để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng có quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các ông: Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó chánh Văn phòng UBND TP) và Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng phòng đô thị Văn phòng UBND TP.HCM).

Ngày 10-11, ông Tín, ông Kiệt và ông Út cũng bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai vì những sai phạm xảy ra tại dự án 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM.

img

Nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín lúc còn đương chức. Ảnh: H.V

Khu đất này có diện tích hơn 6.000 m2 hiện do tư nhân nắm giữ hoàn toàn, thay vì ban đầu thuộc về Sabeco (lúc chưa bán 53,59% vốn điều lệ cho cổ đông Thái Lan) được trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, tháng 6-2015, ông Tín khi đó là phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl thuê đất 50 năm trả tiền một lần để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê theo hình thức thuê đất tiền một lần.

Quyết định này sai với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính cho lô đất này trước đó. Hơn nữa, nếu như Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho Nhà nước thì UBND TP.HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl.

Ông Tất Thành Cang hai lần qua mặt Thành uỷ trong vụ bán đất công?

Lần thứ nhất, theo công bố của Thành ủy TP.HCM, từ tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã ký chuyển nhượng phần diện tích đất nêu trên cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2. Việc ký chuyển nhượng này không báo cáo cho tập thể Thường trực Thành ủy và tập thể Ban Thường vụ Thành ủy theo quy chế quản lý tài sản của Thành ủy.

Ngày 5/6/2017, bằng Hợp đồng Chuyển nhượng số 203 và các Phụ lục Hợp đồng đính kèm, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng khu đất 32,4ha cho Quốc Cường Gia Lai với đơn giá rẻ mạt 1.290.000 đồng/m2.

Với vụ chuyển nhượng này, Công ty Tân Thuận thu về cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Trong khi giá đất thị trường tại thời điểm bán dao động khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/m2, với một phép toán đơn thuần thì giá chuyển nhượng khu đất phải rơi vào khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy, trong vụ chuyển nhượng này, Nhà nước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng.

img

Chân dung ông Tất Thành Cang và khu đất tại Nhà Bè bị chuyển nhượng giá bèo khiến ông bị kỷ luật. Ảnh: TL. 

Đến ngày 18/4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức họp khẩn lần đầu tiên và yêu cầu Công ty Tân Thuận phải nhanh chóng đàm phán với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng hơn 32ha đất tại huyện Nhà Bè.

Tại cuộc họp, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cho biết, việc đưa ra yêu cầu này là do việc ký kết hợp đồng đã không tuân thủ theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các Công ty TNHH MTV thuộc Đảng bộ TP.HCM.

Trong một diễn biến khác, Thanh tra TPHCM cũng chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm của Công ty Tân Thuận trong việc chuyển nhượng 12ha đất cho Quốc Cường Gia Lai ở một dự án khác tại quận 7, TPHCM.

Theo đó, dự án khu dân cư ven sông có diện tích khoảng 25 ha nằm trong khu chức năng số 4 của khu đô thị mới Nam Thành phố tọa lạc phường Tân Phong, quận 7 được giao cho Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư. Cuối năm 2000, Công ty Tân Thuận cùng Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) giải phóng mặt bằng. Giai đoạn này dự án phân thành 4 khu, khu 1 (174.836m2), khu 2 (18.157m2), khu 3 (34.333m2) và khu 4 (hơn 25.000m2).

Năm 2017, diện tích mặt bằng giải phóng đạt hơn 96% tổng diện tích dự án. Tuy nhiên, tháng 4/2017, một phần đất thuộc khu 4 có diện tích gần 12ha cấp phép cho Công ty Tân Thuận xây dựng dự án khu chung cư kết hợp thương mại. Điều đáng nói, là Công ty Tân Thuận không thực hiện dự án mà bán phần đất này cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Theo đó, Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai tự thỏa thuận tỉ lệ vốn góp đầu tư trong dự án là 10% và 90%. Sau khi được cấp phép dự án, Công ty Tân Thuận xin chuyển nhượng dự án và ông Tất Thành Cang lúc đó là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM tự ý ký duyệt mà không báo cáo thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy.

Đến tháng 10/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng luôn phần đất này cho Công ty Gia Lai với số tiền hơn 293 tỉ đồng.    

Trước đó, tại buổi làm việc chiều 6/5/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM có kết luận ban đầu về vụ việc bán rẻ 32ha đất cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Tại buổi làm việc này, Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ rõ trách nhiệm của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang.

Với những sai phạm nói trên, ông Tất Thành Cang đã bị Hội nghị Trung ương 9, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã cách chức Ủy viên Trung ương Đảng; Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem