Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết xa xứ của du học sinh

Trịnh Kỳ An Thứ ba, ngày 01/02/2022 13:30 PM (GMT+7)
Những ngày giáp Tết, anh bạn đồng nghiệp đang học nghiên cứu sinh tại Đại học Thanh Hoa, Đài Loan, buồn bã nhắn tin: "Anh bận làm luận án, có lẽ Tết này không thể về Việt Nam.
Bình luận 0

Mẹ anh chắc sẽ buồn lắm". Dòng tin nhắn chỉ vỏn vẹn vài chữ, nhưng chứa đựng biết bao nỗi niềm, khiến bản thân bần thần hồi lâu. Ký ức về những mùa xuân xa xứ thời du học, bất giác quay trở về bên tôi.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết xa xứ của du học sinh (đăng 1h30 mùng 1 Tết) - Ảnh 1.

Thời điểm bấy giờ Tết đã cận kề, tôi nhẩm tính nếu quay về Việt Nam, chắc chắn sẽ không kịp hạn nộp luận án. Ảnh: Trịnh Kỳ An

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi quyết định xin tiếp học bổng học lên tiến sĩ. Do hoàn cảnh gia đình không thật sự khá giả nên khi sang Đài Loan, tôi cũng tranh thủ vừa học vừa làm công việc dịch thuật tại một tòa báo nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Mải mê với công việc, nên đến tận học kỳ 1 của năm thứ ba, hoảng hốt nhìn lại luận án chỉ là một bản nháp chừng 30 trang, cùng vô số các bài báo sưu tầm vẫn chưa được xử lý.

Thời điểm cuối năm, khi nhóm nghiên cứu sinh rủ nhau mời cô phụ trách lưu học sinh đi ăn tất niên, đồng thời hỏi nhỏ cô có bí quyết nào kéo dài thêm thời hạn học bổng không, do thời gian quy định cho khóa học tiến sĩ của cả bọn chỉ kéo dài ba năm. Cô lắc đầu đáp: "Học bổng dành cho nghiên cứu sinh xuất sắc đòi hỏi người nhận phải có nỗ lực tương đương. Ngoài việc cố gắng hết sức để hoàn thành luận án, thiết nghĩ không còn cách nào khác, các em ạ".

Câu trả lời của cô khiến tôi thật sự tỉnh ngộ và hiểu ra mình cần nghiêm túc làm việc như thế nào để hoàn thành luận án. Bản thân đã ngồi nghiêm túc xem xét lại đề cương luận án, gạch ra từng vấn đề, suy nghĩ xem với nội dung này, áp dụng phương pháp ra sao, thành phẩm cuối cùng sẽ đạt dung lượng ước chừng bao nhiêu.

Thời điểm bấy giờ Tết đã cận kề, tôi nhẩm tính nếu quay về Việt Nam, chắc chắn sẽ không kịp hạn nộp luận án. Thế là ngậm ngùi nhắn tin cho bố mẹ ở Việt Nam, thông báo Tết không về nhà, rồi lặng lẽ đi siêu thị mua hẳn một xe các loại táo tàu, nấm mèo, đậu xanh, lạp xưởng, hai hộp cao dán để dành xoa bóp và bốn hộp bánh dứa Đài Loan… gởi về làm quà cho bố mẹ. Dẫu biết gia đình ở Việt Nam không thiếu thốn gì nhưng những món quà được mua từ chính khoản tiền chắt chiu từ bản thân vẫn khiến bố mẹ vui và hạnh phúc hơn. Đó cũng là lời xin lỗi vì vắng mặt những ngày đầu xuân mà bản thân do nghẹn ngào nên chẳng thể nói thành lời.

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu chiến dịch bế quan để "chiến đấu" miệt mài với luận án. Những ai đã từng trải qua đều biết đó là khoảng thời gian căng thẳng nhất. Chỉ có bạn bè thương quý nhau nhắn gởi những tin nhắn "Bảo trọng!" làm động lực để tiếp tục công việc. Mỗi ngày trôi qua, ký túc xá càng vắng dần, nhà ăn cũng thưa dần. Cái Tết xa nhà đầu tiên của tôi đã bắt đầu trong nỗi nhung nhớ Việt Nam đến khôn nguôi. Thi thoảng, ra phố mua thêm thức ăn dự trữ, thấy lồng đèn đỏ treo dọc các con đường, cảnh bố mẹ con cái dắt nhau đi sắm Tết, nước mắt cứ ứa ra trong vô thức.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết xa xứ của du học sinh (đăng 1h30 mùng 1 Tết) - Ảnh 2.

"Chiều 30, tôi nhận được thùng hàng quê nhà ấy, một tay ôm chặt cái bánh chưng, tay còn lại quệt nước mắt đang lăn dài trên má". Ảnh: Trịnh Kỳ An

Gần Tết, bố mẹ tôi điện thoại sang, khẽ khàng bảo: "Bố mẹ gởi cho con rất nhiều thức ăn Việt Nam, có hẳn món bánh chưng mà con rất thích. Con nhớ ăn nhé, đừng vì vất vả quá mà quên việc ăn uống". Chiều 30, tôi nhận được thùng hàng quê nhà ấy, một tay ôm chặt cái bánh chưng, tay còn lại quệt nước mắt đang lăn dài trên má. 

Chưa bao giờ, tôi thấy nhớ Việt Nam, nhớ bố mẹ và cả gia đình như thời điểm ấy. Tôi thèm cảm giác được ngồi cạnh cả nhà, xuýt xoa khen món thịt kho mẹ nấu, cùng bố xem hết chương trình Táo Quân trên ti vi. Nhưng buồn thay, đêm giao thừa của tôi nơi xứ người chỉ có hoa tuyết bay tơi tả ngoài trời. Cả Đài Loan như chìm trong tuyết trắng và giá lạnh.

Năm ấy mùng 1 Tết rơi đúng vào ngày 14/2. Quả thực là một lễ tình nhân ảm đạm. Ra khỏi cổng thấy con mèo già ngày thường hay lẽo đẽo theo sinh viên xin ăn đang nằm bất động ngoài sân. Vì thương xót, tôi đành bỏ dở việc nộp luận án đưa nó đến bệnh viện thú y. May mắn thay, con mèo đã hồi tỉnh và bản luận án hoàn chỉnh của tôi được gửi cho thầy hướng dẫn vào ngày mùng hai, cũng được chấp thuận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt 100 ngày vật vã vì luận án. 

Tôi đã tự đẩy mình đến giới hạn cuối cùng bản thân có thể chịu đựng, làm được điều tốt nhất bản thân có thể làm. Khi hoa anh đào rực rỡ khoe sắc trên những hàng cây là lúc tôi nhận được tin hai phản biện kín đều đã thông qua, hội đồng bảo vệ luận án đã được thành lập. Tôi điện thoại báo tin vui về cho bố mẹ, tự hứa với lòng sau khi hoàn thành khóa học, sẽ không bao giờ rời xa gia đình vào những ngày Tết nữa.

Trải nghiệm về cái Tết xa nhà ấy khiến tôi thấu hiểu rất nhiều về giá trị của gia đình và những cái Tết đoàn viên tại quê nhà. Thiết nghĩ, trên hành trình đầy chông gai của cuộc đời này, mỗi chúng ta đều phải dốc sức để vượt qua một trở ngại nào đó. Quá trình dốc sức nào, thiết nghĩ, cũng giúp ích cho sự trưởng thành. Dù mùa đông có lạnh và dài đến đâu, băng cũng không thể đóng mãi, tuyết cũng không thể rơi mãi... Những gì phía sau mùa đông, chỉ có thể là một mùa xuân an lành và hạnh phúc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem