Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết đầu tiên tôi sợ tiếng lợn kêu

Nguyễn Văn Công Chủ nhật, ngày 30/01/2022 13:30 PM (GMT+7)
Dạo ấy, cứ đến gần tết, tôi lại sợ nghe tiếng lợn kêu, cho dù trước đó tôi thường xuyên cho lợn ăn và yêu quý đàn lợn. Ám ảnh từ nồi cám lợn năm nào giờ đã tan biến, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn rùng mình và nhắc nhở mình phải sự cẩn thận trong mọi việc.
Bình luận 0

Ngày xưa, để chuẩn bị ăn Tết thì phải nuôi lợn từ tháng 8, tháng 9. Đến tháng Chạp, mẹ tôi dặn rằng, từ giờ đến Tết, nấu cám cho lợn cần giảm cám tăng rau, thậm chí trộn cả củ tam thất vào cám để thịt lợn thơm ngon và chắc, gói bánh chưng hay làm giò chả đều tuyệt vời. Quê nghèo, đôi lợn như tài sản giá trị nhất trong mỗi gia đình nên chẳng khi nào nhà tôi để "chuồng nghỉ" mà nuôi quanh năm.

Nhà tôi không nuôi nhiều lợn, mỗi lứa chỉ hai con. Ngay từ lúc nhỏ, tôi đã được mẹ dẫn đi lấy rau, vớt bèo về nấu cám cho lợn, khiến tôi rành công việc này. Tôi thích cảm giác được ngồi đun nồi cám to uỳnh bằng rơm, mùi khói bếp chứa chan bao kỷ niệm, bên cạnh là tiếng lợn kêu inh ỏi đòi ăn. Tôi thường quay sang xoa dịu chúng rằng, "đợi một chút nữa, cám chưa chín đâu tụi bay". Đến lúc cho lợn ăn, nhìn chúng lao vào máng ăn ngon lành, người nấu cám như tôi cảm thấy vui vẻ lạ lùng, thì ra cám lợn mình nấu rất ngon.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết đầu tiên tôi sợ tiếng lợn kêu - Ảnh 1.

Bây giờ đun nồi bánh chưng, tôi luôn thường trực canh phòng tránh để lũ trẻ lại gần. Ảnh: Nguyễn Văn Công

Tết năm đó, trời mưa phùn nhè nhẹ, loa phát thanh làng mở những bài nhạc xuân tưng bừng từ mấy ngày trước Tết. Sáng mùng Một Tết, tôi ngủ tới tận 8 giờ, bởi đêm qua thức đón giao thừa, xem pháo hoa bắn rực trời. Hôm đó, tôi không phải ngồi trông nồi cám lợn như mọi hôm mà mẹ tôi đã nấu xong từ trước. Tỉnh dậy, tôi thấy bố mẹ đang tất bật làm cơm cúng. Tiếng lợn kêu "éc éc" giục xuân thật vui tai và bình thường như mọi sáng, nhưng tôi chẳng để ý nồi cám lợn mới nấu xong còn nóng bố tôi để sát tường rào. Bỗng nhiên, hai chú gà ngoài vườn đang trêu đùa nhau, trong cơn ngáp ngủ, tôi chạy tới tường rào, nhảy hai chân lên nồi cám hòng cổ vũ hai chú gà đá nhau. Sự tinh nghịch, bất cẩn của tôi đã phải trả giá ngay lập tức.

Chưa kịp cảm nhận độ nóng, chiếc vung nồi trượt nghiêng làm tôi thụt cả hai chân vào nồi cám. Tôi hét lên vì bị bỏng và liền nhảy ra khỏi nồi. Bố mẹ tôi trong bếp hoảng hồn, bố tôi vội bế tôi chạy ngay ra bể nước ăn và nhúng tôi vào bể, nước dềnh tới tận ngực.

Trời rét buốt. Tôi khóc thét dưới bể nước, nhưng vẫn cố chịu vì biết mình vừa chơi dại và cái Tết này sẽ chẳng có gì thú vị nữa rồi. Mẹ tôi nhìn tôi rớm nước mắt, thút thít khóc, còn lũ lợn trong chuồng vẫn vô tư kêu inh ỏi, tự dưng tôi sợ tiếng lợn kêu, tôi sợ nhìn thấy nồi cám lợn như vũ khí sát thương mà hằng ngày tôi vẫn chăm chút.

Được một lúc, bố tôi nhấc tôi lên, tôi co ro vì lạnh. Vết bỏng kéo dài lên gần tới bẹn nhưng rất may không phải bỏng nặng. Tôi phải cởi hết quần áo ra và được bố mẹ tôi đưa ngay tới bệnh viện đa khoa Thường Tín. Bệnh viện ngày Tết đìu hiu vắng bóng người, trong khi mọi gia đình đang vui vẻ, quây quần bên nhau thật ấm áp thì tôi phải ở trong bệnh viện với những cơn khóc rên rỉ, ảm đạm và lạnh lẽo. Không khí Tết của gia đình tôi trùng hẳn xuống. Bố mẹ lo lắng cho tôi và không còn tinh thần nào để đi chúc Tết, ăn Tết nữa.

Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết đầu tiên tôi sợ tiếng lợn kêu - Ảnh 2.

Không khí xuân đã về đến gia đình tác giả. Ảnh: Nguyễn Văn Công

Vừa lạnh, vừa rát lại ám ảnh bởi tiếng lợn kêu, tôi khóc ròng mấy ngày liền, tôi đòi mẹ sau nay phải bán hết lợn đi không được nuôi nữa. Chỉ trong giây lát bất cẩn, ham chơi mà tôi đã bị bỏng, còn mang ưu phiền cho bố mẹ, làm cho cái Tết năm đó chẳng có niềm vui, sau này mẹ tôi gọi Tết năm ấy chỉ có "niềm xui". Tết năm đó thật dài. Mẹ tôi thương tôi nên mang nhiều đồ ăn cho tôi nhưng vì bỏng rát, nằm không cựa quậy được, tôi chẳng thiết tha gì, chỉ mong vết bỏng mau lành. Trời mưa phùn lạnh, mẹ tôi trong chiếc áo tơi rách cứ đạp xe hàng chục lượt mỗi ngày tới viện, cung đường nở mùa xuân còn trên mắt mẹ trĩu nặng nỗi lo âu... tôi khỏi bỏng, ra viện thì Tết cũng đã qua.

Giờ, cuộc sống đã khấm khá hơn rất nhiều, gia đình tôi không còn nuôi lợn nữa. Mái nhà gianh, bếp rơm cay xè mắt, chuồng lợn dột năm nào giờ đã là căn nhà gác khang trang. Tôi cũng không còn ám ảnh bởi tiếng lợn kêu năm nào, còn mẹ tôi thi thoảng vẫn nhắc lại chuyện "dại" năm đó của tôi như một lời nhắc nhở. Nhắc tôi "làm việc gì cũng phải xem xét trước sau, đảm bảo an toàn, đừng bốc đồng như nhảy lên nồi cám lợn năm nào nghen con".

Tết năm nay sắp đến rồi, người ta gọi tháng Chạp là tháng củ mật với ý nghĩa cần cẩn thận, an toàn chứ không phải là cố gắng hay mạo hiểm để kiếm được nhiều tiền. Tôi hy vọng, ai cũng sẽ an toàn trên con đường về nhà ăn Tết, đón Tết bình an, ấm áp bên người thân.

Cẩn thận quan trọng nhất hiện nay chính là với dịch bệnh Covid-19, tôi mong rằng tất cả mọi người sẽ tuân thủ nghiêm thông điệp 5K, đảm bảo an toàn phòng dịch cho mọi người, mọi nhà trong dịp tết đến xuân về, đừng để Tết vui thành Tết buồn chỉ vì giây phút bất cẩn như tôi năm nào.

Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.

Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem