Liên quan đến vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến 1 người tử vong, nhiều người bị thương vào tối 21.10, Công an quận Bình Thạnh vẫn đang lấy lời khai đối với bà Nguyễn Thị Nga (SN 1972, ngụ quận 12) để củng cố hồ sơ xử lý về hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Bước đầu, tại cơ quan công an, bà Nga thừa nhận tối 21.10 có uống rượu trong buổi tiệc tổ chức tại nhà hàng do bà làm chủ ở quận 3 nhưng vẫn còn tỉnh táo khi điều khiển ô tô BMW để về nhà.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: IT
“Khoảng hơn 23h cùng ngày, khi điều khiển xe trên đường Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh, tôi thấy tín hiệu đèn đỏ nên đạp thắng xe để dừng lại. Chuyện tồi tệ đã xảy ra trong tích tắc khi tôi dời chân từ cần ga sang cần thắng thì quai hậu chiếc giày cao gót tôi mang bị vướng vào cần ga.
Trong lúc quýnh quáng, tôi rút chân lên rồi đạp xuống cần ga khiến chiếc xe lao về phía trước, tông hàng loạt phương tiện đang dừng chờ đèn tín hiệu”, bà Nga trần tình.
Ông Trương Đăng Tân, giáo viện một trung tâm dạy lái xe nhiều năm kinh nghiệm cho rằng, khi lái xe ô tô mà đi giày cao gót là không đúng cách và rất nguy hiểm. Đây cũng là một trong những điều đầu tiên ông Tân truyền đạt cho các học viên nữ khi mới bắt đầu học lái.
Theo ông Tân, việc sử dụng giày cao gót làm nguy cơ tai nạn tăng cao. Mặt tiếp xúc nhỏ, hẹp khiến chân dễ trượt khỏi bàn đạp. Hậu quả sẽ thật lớn nếu đó là một tình huống phanh khẩn cấp, hay một tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, đôi gót dài có thể mắc kẹt làm vô hiệu hóa đôi chân của người lái.
Đế giày cao làm giảm cảm giác về lực đạp ga, phanh và có thể gây ra những tai nạn vì nhỡ chân. Chân không có thể mang lại cảm giác đặc biệt cho người lái, nhưng lại làm giảm đi khả năng phản ứng trong tình huống khẩn cấp.
Ngoài giày cao gót, ông Tân cũng khuyến cáo, không nên sử dụng bốt cao gót khi lái xe. Bởi vì, cổ bốt dài, lớp da cứng sẽ hạn chế cử động của khớp bàn chân làm giảm khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt khi điều khiển và khi xảy ra tai nạn.
Vị giáo viên này cho rằng, để an toàn nhất, hạn chế các rủi ro xảy ra, tài xế nữ có thể sử dụng một đôi giày dự phòng đế thấp đặt thường trực trong xe.
Cũng liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, chính vì thế cơ quan công an cần sớm khởi tố để điều tra.
Theo luật sư Giáp, muốn biết mức xử phạt cuối cùng dành cho nữ tài xế BMW phải đợi kết luận của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí, có thể thấy nữ tài xế điều khiển xe tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép rồi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu như vậy, nữ tài xế này có thể vi phạm khoản 2, điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Ai vi phạm điều luật này có thể phải đối mặt với mức án từ 3 đến 10 năm tù.
Thêm nữa, ngoài trách nhiệm hình sự, nữ tài xế này còn phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.