Bãi rác gần khu dân cư ở Quảng Ngãi: Ruồi nhặng bủa vây người

Thứ bảy, ngày 22/03/2014 07:00 AM (GMT+7)
Hơn 1 năm qua, khi bãi rác ở phía bắc thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị đóng cửa, rác thải của cả huyện đổ về gần khu dân cư Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh khiến hơn 25.000 người dân sống khổ trong ô nhiễm.
Bình luận 0
Ăn cơm trong màn để tránh ruồi

Đã nhiều tháng nay, mấy trăm hộ dân ở khu vực phía nam của Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, vô cùng khốn khổ vì tình trạng ruồi nhặng bủa vây. “Gần cả đời sống ở đây, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. Đặc biệt là những ngày nắng nóng cứ đến bữa cơm hàng ngày, ruồi nhặng đu bám dày đặc” - bà Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi) bức xúc.

Chỉ cần vài phút, miếng bẫy dính trở nên đen kịt ruồi.
Chỉ cần vài phút, miếng bẫy dính trở nên đen kịt ruồi.

Theo người dân Sa Huỳnh, kể từ khi rác từ nhiều xã dồn về bỏ tại núi Đá Heo, cách khoảng 2km, ruồi nhặng nhiều khủng khiếp. Chỉ cần bày đồ ăn, thức uống ra 1-2 phút mà không đậy, ruồi bám đen như rải đậu đen. Để chứng minh cho lời nói của mình, bà Tuyết sử dụng 4 miếng bẫy ruồi để xung quanh nhà. Chỉ khoảng 20 phút sau thì tất cả đen kịt ruồi nhặng. Bà Nguyễn Thị Thủy -cùng xóm thì ngán ngẩm lắc đầu: “Ngày nào tôi cũng phải dùng thuốc diệt côn trùng để xịt, hoặc mua miếng dính về bẫy. Nếu hôm nào lỡ quên thì ruồi nhặng bay, bu bám đặc khắp nhà”.

Để phòng dịch bệnh, nhiều gia đình phải ăn cơm trong màn. Còn tại khu vực phía đông của bãi rác, cùng với mùi hôi thối, người dân nơi đây phản ảnh nước thải từ bãi rác chảy xuống đồng nên nếu ra ruộng đi cấy, gặt... mà không mang ủng thì tối về sẽ không thể nào ngủ được vì ngứa. Tuy nhiên điều làm hàng ngàn người dân lo sợ nhất là nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Bác Lê Văn Phúc (60 tuổi), người dân ở thôn Thạch By, bực tức: “Tiếng là bãi rác trên núi nghe có vẻ xa, thế nhưng với vị thế "biển núi chỉ cách nhau một gang tay", thôn Thạch By và La Vân đều nằm ngay phía dưới chân, vì vậy nguồn nước sinh hoạt không bị ô nhiễm mới là chuyện lạ”.

Lại chuyện… kinh phí


Theo ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh: “Chính quyền địa phương cũng đã có công văn kiến nghị với huyện về vấn đề này rồi, nhưng do một số nguyên nhân nên vẫn chưa được giải quyết. Ban đầu thì bãi này xây dựng để chứa rác thải của người dân của 3 xã phía Nam huyện Đức Phổ gồm: Phổ Châu, Phổ Thạnh và Phổ Khánh. Kể từ khi bãi rác ở trung tâm huyện đóng cửa, hàng ngày cả chục tấn rác thải ở trong huyện về đây tập kết, xử lý. Tuy nhiên việc xử lý rác thải chủ yếu là đốt dẫn đến tình trạng môi trường ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi”.

"Huyện đã quy hoạch 1 bãi rác tại xã Phổ Nhơn, có diện tích khoảng 10 ha, tổng kinh phí vài chục tỷ đồng, với quy trình xử lý khép kín theo đúng tiêu chuẩn quy định”.
Ông Lê Văn Mùi

Thừa nhận bãi rác Phổ Thạnh trở thành nơi chứa rác cho toàn huyện là bất hợp lý nhưng ông Lê Văn Mùi - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết thêm: “Huyện không còn sự lựa chọn nào khác. Trước mắt để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và dùng các biện pháp xử lý khắc phục như: Xử lý hóa chất, chôn lấp... đảm bảo vệ sinh. Về lâu dài, huyện đã quy hoạch 1 bãi rác tại xã Phổ Nhơn, có diện tích khoảng 10 ha, tổng kinh phí vài chục tỷ đồng, với quy trình xử lý khép kín theo đúng tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên do thiếu kinh phí nên huyện đang kêu gọi đầu tư từ một số doanh nghiệp”.

Như vậy, 25.000 dân ở Phổ Thạnh tiếp tục chịu ô nhiễm dài dài. Người dân khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết di dời bãi rác xa khu dân cư và xử lý triệt để.
Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem