Thâm nhập vùng “vịnh chết”
Khu ô nhiễm đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là vũng Đục (thuộc phường Cẩm Đông). Từ bến cảng của Đội Cảnh sát giao thông thủy Cẩm Phả nhìn ra vùng vịnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh đặc trưng của nước biển ở đây bị màu vàng khè lấn át.
Đi trên chiếc thuyền mủng ra khơi, chị Hải vừa kéo tay chèo vừa luôn miệng kể về những nỗi khốn khó của vùng biển làm khổ dân nơi đây. Chị bảo, gia đình chị vài năm trước đây muốn ăn con hà, con tôm, con cá chỉ cần mang ngư cụ lội xuống ven bờ thoắng một lúc là có bữa ăn ngon lành.
Thời điểm đó, xung quanh khu vực vũng Đục thường xuyên có rất nhiều người ngồi đò câu cá. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay nước biển ở đây bỗng đổi sắc đen ngòm rồi đỏ quạch như gạch cua. Cá tôm chết là liệt, đến những con hà sống trên triền đá cũng không tồn tại được. Cây cỏ vốn xanh tươi nay chết trơ trụi, phơi gốc. Người lội xuống thì bị ngứa ngáy, ghẻ lở...
|
Bè nuôi cá xơ xác trôi nổi giữa biển Cẩm Phả. |
Sau khoảng 30 phút dập dềnh trên sóng nước, chị Hải đưa tôi đến bè nuôi cá hiệu Đông Hà. Người quản bè Đông Hà cho biết: Vùng biển kín, nước trong xanh là những thuận lợi để chị Hương - chủ bè quyết định đầu tư tiền tỷ đóng bè nuôi cá. Và năm nào chị cũng có lãi lớn. Nhưng từ khi nước bị ô nhiễm, cá chết hết, cạn vốn, chị Hương đành để bè không. Chắc chẳng mấy bữa nữa phải phá bỏ toàn bộ chiếc bè này.
Điểm chúng tôi đến tiếp theo là cửa xả Lạch Ma - nơi nhận nguồn nước từ các con suối Cầu 1, Cầu 2 thuộc nhiều khu dân cư 2 phường Cẩm Đông và Cẩm Sơn đổ ra. Cách vị trí này vài trăm mét là cửa xả Cầu 5 do chính dòng suối Cầu 5 dẫn về. Nước ở đây có màu vàng, đen đặc, ven bờ không có một loài thực vật nào sống sót.
Lộ diện kẻ “giết” vịnh
Để truy rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm này, chúng tôi đã lần ngược lại 2 điểm cửa xả Lạch Ma và Cầu 5 vào trong đất liền. Theo điểm xả Vũng Ma, chúng tôi bắt gặp 2 nhánh suối người dân gọi là suối Cầu 1 và Cầu 2. Còn con suối dẫn xuống điểm xả Cầu 5 chính là con suối Cầu 5.
Tất cả 3 con suối này đều chạy lòng vòng từ chân đồi xuống nhiều khu dân cư và dẫn thẳng ra cửa xả dài khoảng 1km. Nếu như con suối Cầu 1 và Cầu 5 nước đều đen, bùn đặc quánh, thì ơrở suối Cầu 2, nước lại có màu đỏ, vàng nhờ nhờ. Đi dọc bờ suối, mùi hôi thối từ dưới bốc lên khiến chúng tôi có cảm giác tức ngực, buồn nôn.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi bắt gặp dưới chân lò giếng +25 của Công ty TNHH MTV Than Thống Nhất, nước có màu vàng đặc ào ào chảy ra từ một chiếc cống dẫn trực tiếp ra suối Cầu 2. Nước ở đây có màu vàng, mùi tanh đặc trưng khi lẫn quặng. Thượng nguồn con suối Cầu 1 và Cầu 5 là những khai trường, bãi thải mỏ của các đơn vị sản xuất than như Công ty CP Than Đèo Nai, Xí nghiệp Than Khe Sim (Công ty Than Đông Bắc) và Công ty Than Cọc 6 của Vinacomin.
Vịnh chết dần trong sự… thờ ơ
Vịnh Bái Tử Long là vùng lõm trong vịnh Bắc Bộ, thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, bao gồm một vùng biển của TP. Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và huyện đảo Vân Đồn; từng được Công ty Du lịch sinh thái Gecko Travel (Anh) bình chọn vào tốp 5 những địa điểm du lịch tuyệt vời nhất Đông Nam Á. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Làm việc với chúng tôi về thực trạng ô nhiễm trên, ông Nguyễn Văn Khuê - Trưởng phòng Môi trường Công ty TNHH MTV Than Thống Nhất một mực cho rằng công ty thực hiện rất tốt công tác môi trường nên nước thải ra đều an toàn.
Cụ thể, mỗi năm công ty chi 4,8 tỷ đồng thuê Công ty TNHH MTV Môi trường Vinacomin – Xí nghiệp Nước Cẩm Phả xử lý ô nhiễm nước thải. Còn ông Phạm Thế Phi - Công ty cổ phần Than Đèo Nai lại cho biết:
Do xung quanh khai trường của đơn vị có bãi thải bao bọc nên mùa khô không có nước chảy ra. Chỉ có mùa mưa nước tràn thì mới có nước lần theo đất đá đổ ra suối. Phía Công ty Than Cọc 6 không có ý kiến gì vì... bận.
Trao đổi với phóng viên, chủ tịch 3 phường Cẩm Đông, Cẩm Sơn, Cẩm Phú Hà đều cho biết hiện tượng nước màu vàng khè ở khu vực ven vịnh Bái Tử Long chưa thấy dân phản ánh nên chưa nắm được. Còn việc các đơn vị khai thác than đổ ra suối chất màu đen khiến suối bị bồi lắng, ô nhiễm khu dân cư, người dân đã nhiều lần kiến nghị. Tuy nhiên, thẩm quyền của phường có hạn, việc giải quyết triệt để phải do các cấp cao hơn...
Hoàng Anh Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.