Vụ đông xuân 2010 -2011, Sơn La đã xảy ra đợt rét đậm, rét hại kéo dài, cùng lúc dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 232 bản 83 xã của 11 huyện, thành phố trong tỉnh nên đã có tới gần 19.000 con gia súc, gia cầm bị chết, tổng giá trị thiệt hại trên 46 tỷ đồng.
|
Cán bộ khuyến nông huyện Phù Yên kiểm tra việc dự trữ thức ăn và phòng chống rét cho trâu, bò tại xã Mường Cơi. |
Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại trong đợt rét năm ngoái, bước vào vụ đông xuân 2011-2012, Sở NNPTNT Sơn La đã chủ động xây dựng những phương án phòng chống đói và rét cho trâu, bò với những chỉ tiêu, hướng dẫn rất cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La cho biết: Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với UBND các huyện để làm tốt nhất công tác phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân này. Trong các văn bản đều có những hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng, tu sửa chuồng trại; di cư đàn gia súc tránh rét khi giá lạnh kéo dài; chủ động chế biến, tích trữ nguồn thức ăn từ những nông sản, phụ phẩm nông nghiệp; cách tạo nguồn thức ăn tươi từ những giống cỏ, giống ngô gieo dày. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng bắt buộc các loại vaccin: Tụ huyết trùng trâu, bò, lở mồm long móng, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn... gắn với kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ.
Anh Hà Văn Thực - nông dân bản Ếch, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên cho biết: “Trong đợt rét kéo dài năm ngoái, cả bản chết mất hơn 100 con trâu, bò. Đàn trâu, bò 12 con của tôi mới gây dựng trong mấy năm qua cũng chết sạch vì đói và rét. Năm nay, cán bộ khuyến nông huyện, xã về tận bản, đến từng hộ hướng dẫn bà con cách tu sửa chuồng trại, chuẩn bị gốc cây, củi khô để đốt sưởi cho gia súc. Nhờ thế tôi mới biết được định mức ăn cho 1 con trâu, bò/ngày cần tới 6-7kg rơm, cỏ khô, chưa kể thức ăn tinh và nước uống nóng”.
Hỏi anh Thực về phương thức chuẩn bị chống đói cụ thể thế nào, anh kể vanh vách: Những thức ăn khô có thể tích trữ từ trước với nhiều loại cây khác nhau như thân, lá, lõi ngô; rơm, bí đỏ... Sử dụng các giống ngô có thời gian sinh trưởng ngắn chịu hạn tốt như giống LVN25; LVN4; LVN20, LVN24, LVN8960, các giống ngô nếp M, MX4, MX10.VN2,VN6... phù hợp trồng trên đất nương rẫy. Thời điểm gieo trồng bắt đầu từ tháng 10 để thu hoạch vào tháng 1 -2 của năm sau, vào đúng mùa rét, đảm bảo có thức ăn xanh cho gia súc...
“Năm nay, đàn trâu, bò mới gây dựng của tôi sẽ qua được mùa rét này, không sợ trắng tay với món nợ ngân hàng nữa” - anh Thực khẳng định.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.