Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi cũng được cán bộ kiểm lâm huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) sắp xếp thời gian tham gia cùng tổ tuần tra bảo vệ rừng núi Con Voi, một chuyến đi thú vị, nhưng cũng đầy thử thách.
Từ Quốc lộ 70, rẽ theo tuyến đường liên xã, chúng tôi mất hơn nửa tiếng đồng hồ để vào một bản nhỏ nằm ở chân núi Con Voi. Anh Nguyễn Tiến Oanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Km78, quản lý địa bàn rừng thuộc dãy Con Voi, khu vực các xã phía Nam huyện Bảo Yên. Dù đã nhiều lần tuần rừng nhưng với anh Oanh, dãy núi Con Voi vẫn còn nhiều nét bí ẩn chưa khám phá hết.
Anh Oanh cho biết: Từ khu vực trạm quản lý có 3 hướng để lên đỉnh núi Con Voi, mỗi hướng là một cung đường khác nhau. Tuy không quá hiểm trở, nhưng để lên đến đỉnh núi, đi nhanh cũng phải mất cả ngày đường nên phải xuất phát sớm.
Sau khi suy tính, với sự hỗ trợ của tổ bảo vệ rừng, anh Oanh thiết kế cho chúng tôi cung đường đẹp nhất dù có vất vả hơn hai cung đường kia, nhưng bù lại được đi qua những thảm thực vật đa dạng với nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là sẽ được tận hưởng vẻ hùng vĩ của thác Tác Thới.
Nghĩ đến điều đó, chúng tôi càng háo hức lên đường. Anh Hoàng Văn Cợi, Trưởng thôn Trĩ Trong, kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng là người địa phương. Sinh ra và lớn lên ở chân núi Con Voi, anh Cợi kể: Hơn 10 tuổi, tôi đã đi theo thanh niên trong bản lên rừng bẫy thú, bởi vậy, cánh rừng này với tôi vô cùng thân thuộc.
Mải nghe anh Cợi kể chuyện, chúng tôi chẳng để ý nắng trên đầu đã tắt từ khi nào, bởi rừng cây rậm rạp ken dày tầng tầng, lớp lớp. Để giúp tôi định vị nơi mình đang đứng, anh Oanh cho biết: Chúng tôi vừa đi vào tầng thấp nhất khu rừng đặc dụng, thuộc tiểu khu 400. Tiếp tục leo ngược dốc trong rừng cây đại ngàn, trước mắt chúng tôi là thảm thực bì dày đặc với các loài cây gỗ to, vừa và nhỏ xen lẫn vầu và nứa. Tiếng hót của muôn loài chim, tiếng xào xạc của cành lá hòa quyện với tiếng suối chảy tạo thành một bản nhạc giao hưởng của núi rừng. Khe suối vào mùa khô ít nước chảy còn trơ lại những phiến đá to tạo thành một cảnh hoang sơ, hùng vĩ.
Tiếp tục cuộc hành trình bám theo đường mòn ngược dốc là khu rừng với nhiều cây gỗ to đủ loại. Thân cây được bám bởi một lớp rêu phong và dương xỉ như tấm áo mùa đông tuyệt đẹp. Càng lên cao, đường đi càng hiểm trở với những con dốc thẳng đứng, chúng tôi phải bám dây rừng để chinh phục từng mỏm đá trơn trượt. Vượt qua chặng đường khó khăn là một món quà của tự nhiên, trước mặt chúng tôi là thác nước đẹp đến mê hồn, người địa phương đặt tên là Tác Thới.
Giữa đại ngàn, ba tầng thác dựng đứng như một kỳ quan của tự nhiên, mùa này nước cạn nên không có dòng thác buông xuống, nhưng bù lại hồ nước trong xanh dưới chân thác soi bóng cả khu rừng tạo nên ảo ảnh tuyệt đẹp.
Lạc vào rừng giang
Tiếp tục bám dây leo ngược dốc, trước mắt chúng tôi là hang đá “dổi vàng” - nơi thường được những người đi bẫy thú rừng, tìm kiếm dược liệu chọn ngủ qua đêm.
Anh Oanh cho biết: Đây cũng là mốc dấu tầng 2 của núi Con Voi. Tiếng chim hót vang cả núi rừng, dấu ủi đất của lợn rừng, hoẵng, nai tìm kiếm thức ăn vẫn còn mới. Trưởng thôn Hoàng Văn Cợi bảo: Núi rừng còn hoang sơ lắm, tôi đã lên núi Con Voi từ nhỏ, đi không biết bao nhiêu đường, bao nhiêu lối, nhưng có lẽ chẳng bao giờ đi hết dãy Con Voi, càng đi càng thấy núi rừng quê mình thật đẹp.
Trước khi lên núi Con Voi, tôi đã được người dân địa phương kể về rừng giang bạt ngàn trên đỉnh núi, nhưng khi tận mắt chứng kiến mới thực sự choáng ngợp. Ở vạt rừng này, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho cây giang phát triển, lấn át tất cả các loại thực vật khác. Ngàn vạn cây giang như nằm rạp xuống sườn núi, không còn nhìn thấy mặt đất, khiến chúng tôi lạc mất phương hướng.
Anh Oanh bảo: Trong lần khảo sát đầu tiên của tổ kiểm lâm địa bàn, anh và đồng nghiệp bị lạc mất hai tiếng đồng hồ không tìm được đường xuống núi vì lọt vào rừng giang như ma trận.
Thêm một lần nghỉ ngơi, đoàn chúng tôi đã đặt chân lên đỉnh núi Con Voi ở độ cao hơn 1.400 m so với mực nước biển, hít hà không khí ở nơi giao hòa giữa trời và đất như giúp chúng tôi lấy lại sức lực. Đây cũng được coi là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Văn Yên (Yên Bái), phóng mắt nhìn về phía xa thấy hồ Thác Bà (Yên Bái) trùng điệp như Vịnh Hạ Long.
Đổi thay dưới chân núi Con Voi
Dưới chân núi Con Voi là nơi cư trú của đồng bào người Tày, Dao ở 3 bản: Làng Lủ, Trĩ Trong, Trĩ Ngoài của Phúc Long (Bảo Yên). Rừng đã bao bọc, chở che bao thế hệ người dân và đồng bào các dân tộc nơi đây cũng đang bảo vệ rừng bằng những quy ước nghiêm ngặt như bảo vệ sự sống của mình. Với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân địa phương được hưởng lợi từ rừng, cuộc sống của người dân quanh dãy núi Con Voi đã có nhiều đổi thay.
Lớp áo ngoài cùng của dãy núi Con Voi là khu vực rừng sản xuất do Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên quản lý, một phần diện tích đã được khoán cho các hộ dân. Nhiều diện tích rừng kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang trồng quế. Những năm gần đây, giá thu mua quế tăng cao, nhờ đó đời sống người dân cũng được nâng lên. Cánh đồng Trĩ Trong, Trĩ Ngoài nằm trọn trong lòng chảo dưới chân núi Con Voi luôn bội thu như món quà mà tạo hóa ban tặng cho đồng bào các dân tộc nơi đây vì tấm chân tình của họ với muôn loài trên dãy Con Voi.
Khai thác lợi thế từ nguồn nước trên dãy núi Con Voi, những năm gần đây, một số hộ ở xã Phúc Khánh đã học tập kinh nghiệm và triển khai các mô hình nuôi cá nước lạnh bước đầu mang lại hiệu quả. Anh Hoàng Ngọc Quang và Hoàng Văn Xô là hai nông dân đầu tiên ở Phúc Khánh thử nghiệm nuôi cá tầm. Anh Xô cho biết: Nuôi cá tầm đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư lớn nhưng bù lại giá trị mang lại cũng cao gấp nhiều lần so với các mô hình truyền thống ở địa phương.
Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh Nông Thế Mạnh cho biết: Trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương thì nông - lâm nghiệp luôn được xác định là lĩnh vực trọng tâm. Được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh, những dải đồi thấp quanh dãy Con Voi rất màu mỡ lại không phải lo về nguồn nước tưới, thuận lợi để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Ngoài mô hình nuôi cá nước lạnh ở Trĩ Trong, hiện ở Làng Lủ có mô hình trồng chanh leo, chăn nuôi trâu hàng hóa rất hiệu quả. Ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Phúc Khánh và Lương Sơn, một dự án nông - lâm nghiệp tập trung gồm chăn nuôi gia súc; trồng cây ăn quả; sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao và kết hợp trồng rừng sản xuất với diện tích hơn 300 ha đang được một doanh nghiệp triển khai.
Nghe chúng tôi hỏi về định hướng phát triển du lịch khi địa phương có rất nhiều tiềm năng, Chủ tịch Nông Thế Mạnh hồ hởi nói thêm, dãy núi Con Voi mang trong mình nét quyến rũ bí ẩn còn hứa hẹn trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Ngoài ra, với thảm thực vật phong phú còn có một nguồn lợi vô giá đó là kho dược liệu quý, trong đó nhiều nhất là cây ba kích (người dân địa phương gọi cây ruột gà) sinh sống ở độ cao 1.000 m trở lên.
Hiện, xã đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá đưa loại cây này xuống tầng thấp hơn, tiến tới chủ động nguồn giống để người dân canh tác, khai thác dưới tán rừng bền vững. Du khách đến đây vừa được khám phá phong cảnh hùng vĩ, được trải nghiệm cuộc sống bản làng giàu bản sắc, lại được bồi bổ sức khỏe bằng những vị thuốc quý, đúng là một điểm du lịch đầy triển vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.