Châm ngôn lúc tranh cử của ông Duterte: "Nói không với ma túy"
Từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 5.2016, số người thiệt mạng sau những cuộc đàn áp của cảnh sát đã tăng lên đáng kể. Đây là một phần trong kế hoạch loại bỏ tội phạm ma túy của ông.
Từ đầu tháng 7 đến nay, trên khắp đường phố Philippines, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những kẻ bị tình nghi là tội phạm ma túy nằm bất động trong vũng máu. Họ có thể đã bị cảnh sát truy bắt và hành quyết ngay trên phố, hoặc bị người dân tấn công, theo lời kêu gọi của tổng thống nước này. Đây được gọi là những cuộc hành quyết không xét xử.
Một người bị tình nghi là tội phạm ma túy bị bắn chết ngay trên phố
Tổng thống Philippines khuyến khích người dân sử dụng bạo lực chống lại những người buôn bán ma túy, theo CNN. Ông nói: "Hãy thoải mái gọi cho chúng tôi, hoặc tự làm điều đó nếu bạn có súng trong tay. Tôi ủng hộ bạn làm điều đó".
"Hãy bắn hắn ta (người buôn ma túy) và tôi sẽ tặng bạn một huy chương", vị Tổng thống mới nhậm chức tuyên bố.
Theo số liệu của lực lượng Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), trong hai tuần đầu tiên từ khi Rodrigo Duterte nhậm chức, đã có 135 kẻ tình nghi buôn bán và sử dụng ma túy thiệt mạng và 1.844 người khác bị bắt.
"Hãy bắn hắn ta (người buôn ma túy) và tôi sẽ tặng bạn một huy chương", Tổng thống Philippines tuyên bố
Tuy nhiên, tính từ ngày 1.7 đến 24.7, số người thiệt mạng là 293 người, theo số liệu mà các nhóm nhân quyền thu thập được từ cảnh sát. Con số này chưa bao gồm những người buôn hoặc sử dụng ma túy bị giết bởi những người ngoài vòng pháp luật.
Hiện chính sách diệt tội phạm ma túy của tổng thống Philippines, được gọi là “The Punisher”, đang gây tranh cãi ngay tại chính quốc gia của họ. Cảnh sát cho rằng đây là việc cần làm, trong khi các nhóm nhân quyền và nhiều người dân lên án và kêu gọi hành động tàn bạo này cần phải chấm dứt.
Tác dụng răn đe: Người nghiện lũ lượt đầu thú
Theo báo DW của Đức, cảnh sát Philippines thừa nhận họ đã giết chết những người bị tình nghi là buôn bán và sử dụng ma túy trong quá trình truy bắt. Thậm chí một tờ báo quốc gia Philippines còn xuất bản "danh sách giết người" hàng ngày kiểm đếm số vụ người chết dưới tay cảnh sát.
Từ đầu tháng 7, gần 300 người đã thiệt mạng dưới tay cảnh sát
Phát ngôn viên của Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), ông Dionardo Carlo giải thích các vụ giết người là để tự vệ. "Đây là những người chống lại cảnh sát của chúng tôi. Cảnh sát chỉ đang bảo vệ bản thân. Nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào của phía cảnh sát, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành".
Trong một cuộc phỏng vấn, Cảnh sát trưởng quốc gia Philippines, ông Ronald dela Rosa, gọi chiến dịch truy quét này là cần thiết.
"Nếu chúng tôi không làm điều này, tội phạm ma túy sẽ lên cầm đầu. Chỉ lúc này chúng ta mới có được một người tổng thống quyết tâm. Ông rất cứng rắn và không hề khoan nhượng trong cuộc chiến chống ma túy."
Cảnh sát nói rằng các vụ giết người là để tự vệ
Không thể phủ nhận chiến dịch càn quét của ông Duterte có tác dụng răn đe đối với người dân. Từ đầu tháng 7 đến nay đã có gần 60.000 người nghiện ma túy Philippines tự ra đầu thú vì lo sợ bị hành quyết.
Một quan chức cho biết: “Ngày càng nhiều người đầu thú. Họ đầu thú như những đứa trẻ 9 tuổi. Họ nói rằng họ rất sợ bị bắt và bị giết, vì thế mà họ quyết định thú tội”.
Cảnh sát không thể là tòa án
Ngược lại với nhận định của cảnh sát, các nhóm bảo vệ nhân quyền và nhiều người dân Philippines kịch liệt phản đối việc hành quyết tàn bạo ngay giữa phố.
"Những vụ giết người này và việc chính phủ không điều tra các vụ giết người kiểu này thể hiện sự sợ hãi, bất an và nguy cơ của bạo lực phi pháp," Phelim Kine, Phó giám đốc của tổ chức Theo dõi nhân quyền châu Á nói.
Các nhóm bảo vệ nhân quyền và nhiều người dân Philippines kịch liệt phản đối việc hành quyết tàn bạo ngay giữa phố
Chủ tịch Ủy ban về Nhân quyền Loretta Ann Rosales cũng khẳng định: "Yêu cầu sĩ quan hành pháp đi bắn chết những kẻ tình nghi không phải là cách làm của một người lãnh đạo".
Người dân Philippines, những người đã bầu cho ông Duterte, cũng hoảng hốt trước những cảnh tượng họ chứng kiến hàng ngày. Một tài xế taxi tên Bobby, người đã bầu cho ông Duterte, nói: “Chúng ta có tòa án là có lý do. Không thể để cảnh sát vừa làm thẩm phán, bồi thẩm đoàn và vừa làm người hành quyết được”.
Hope Swann với tấm bảng “Chúng ta đều có thể là những kẻ buôn ma túy”
Một chuyên gia đại học 29 tuổi, Hope Swann, chọn một cách rất đặc biệt để phản đối chiến dịch càn quét “The Punisher” của tổng thống. Theo ABC News, cô đeo một tấm bảng vào cổ khi đi làm với dòng chữ “Chúng ta đều có thể là những kẻ buôn ma túy”.
Swann liên tục đeo tấm bảng này từ ngày 14.7 đến nay và nói rằng cô sẽ không tháo nó ra cho đến khi những người nắm quyền có hành động về các vụ giết người tràn lan.
Một trang Facebook được có tên #CarkboardJustice (tạm dịch “Tấm bảng công bằng”) đã được lập ra để kêu gọi ủng hộ việc đeo bảng phản đối, và kêu gọi học sinh ở các trường đại học tham gia một cuộc biểu tình lớn trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.