Chuyện ông Bá Thanh cưỡi xe máy 67, đi bán… chè

Đoàn Hồng Thứ bảy, ngày 13/02/2016 09:00 AM (GMT+7)
Chỉ ba năm có mặt tại nông trường chè Quyết Thắng từ năm 1987 đến 1989 (nay là Công ty TNHH MTV nông lâm nghiệp Quyết Thắng), ở xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam), bằng tài năng và sự quyết đoán của mình, ông Nguyễn Bá Thanh đã vực dậy được nông trường vốn đang trước bờ vực của sự phá sản.
Bình luận 0

LTS: Hôm nay 13.2.2016, tròn một năm ngày mất của ông Nguyễn Bá Thanh- nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Nội chính T.Ư. Nhớ về ông Nguyễn Bá Thanh, Dân Việt sẽ kể cho bạn đọc những câu chuyện chưa từng được tiết lộ về một con người có đầy đam mê, nhiệt huyết với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bạn đọc có tin không,  ông Bá Thanh đã từng lội ruộng, đi bán chè, rồi làm Chủ nhiệm HTX cho một đơn vị sắp phá sản… Ở đâu, ông Nguyễn Bá Thanh cũng tạo những ấn tượng khó phai trong lòng đồng nghiệp, bạn bè và  với những người nông dân tay lấm chân bùn…

Chỉ ba năm có mặt tại nông trường chè Quyết Thắng từ năm 1987 đến 1989 (nay là Công ty TNHH MTV nông lâm nghiệp Quyết Thắng), ở xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam), bằng tài năng và sự quyết đoán của mình,  ông Nguyễn Bá Thanh đã vực dậy được nông trường vốn đang trước bờ vực của sự phá sản. Ông đã có những ngày rong ruổi xuống địa bàn bằng chiếc Honda 67 và đi khắp nơi để bán chè cho nông trường.

img

Dù sau này ông Nguyễn Bá Thanh đảm nhận những trọng trách lớn, nhưng năm nào ông cũng về thăm và tặng quà cho cán bộ, công nhân viên của nông trường Quyết Thắng.

Muôn vàn khó khăn

Để tìm lại ký ức một thời làm việc của ông Nguyễn Bá Thanh tại nông trường chè Quyết Thắng, những ngày đầu năm 2016, phóng viên Dân Việt đã vượt hàng chục km đường đèo dốc theo tuyến đường 14G từ Đà Nẵng lên xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam), nơi đóng đô của nông trường Quyết Thắng.

Sau gần 30 năm, những câu chuyện về người thủ lĩnh của nông trường chè ngày nào vẫn gần như còn tươi mới.

Ông Trần Trúc – một người gắn bó lâu năm nhất với nông trường và hiện là Giám đốc công ty TNHH MTV nông lâm nghiệp Quyết Thắng kể, được thành lập từ năm 1972, với tên khai sinh ban đầu là là Ban sản xuất Quảng Đà (thuộc sở NN Quảng Nam – Đà Nẵng cũ). Khi đó đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, nên nhiều cán bộ, Đảng viên và công nhân viên (CB-CNV) nông trường vừa phải sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu và đã từng tham gia nhiều chiến dịch như: giải phóng Thượng Đức, giải phóng Đại Lộc, đánh sân bay Đà Nẵng…

Năm 1976, Ban sản xuất Quảng Đà được đổi tên thành nông trường Quyết Thắng, được giao nhiệm vụ sản xuất trên diện tích trên 2.000ha, với khoảng 300 CB-CNV. Lúc đầu là khai phá đất hoang, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả như: dứa, cam, mít, mía,… kết hợp với chăn nuôi trâu, bò, heo…

“Từ năm 1977, nông trường chính thức chuyển sang phát triển cây chè, với diện tích lớn gần 200 ha, số lượng CB-CNV tăng lên 800 người. Sản phẩm do Nhà nước tiêu thụ theo kế hoạch sản xuất hằng năm. CB-CNV đơn vị hưởng lương, như tất cả các mô hình kinh tế quốc doanh khác trong cả nước. Và quãng thời gian dài trong nền sản xuất kế hoạch hóa tập trung, bao cấp cũng là giai đoạn khá ổn định, đời sống của CB-CNV nông trường rất tốt...” – ông Trúc nhớ lại.

Ông Trúc cho biết thêm, đến năm 1986, khi đất nước đổi mới, do những thay đổi trong cơ chế quản lý, nông trường Quyết Thắng thật sự lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Từ chỗ làm theo kế hoạch, sản phẩm do Nhà nước bao tiêu, nay nông trường phải tự xoay xở mọi thứ. Đời sống của hàng trăm CB-CNV gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Những đồi chè không người chăm sóc trở nên tiêu điều và hoang tàn… 

“Trước những khó khăn vô vàn đó, anh Nguyễn Bá Thanh xuất hiện và trở thành cứu cánh cho nông trường lúc bấy giờ. Năm 1987, anh Thanh về làm Phó Giám đốc nông trường, sau nửa năm anh lên làm Giám đốc Quyết Thắng. Dù chỉ làm việc có 3 năm, nhưng anh Thanh đã có công rất lớn để giúp nông trường hồi sinh và phát triển đến bây giờ…” – ông Trúc chia sẻ.

Hồi sinh ngoạn mục

Ông Trúc nhớ lại: “Hồi anh Thanh mới về nông trường Quyết Thắng, lúc đó tôi là đội trưởng đội sản xuất 2 trong số 10 đội sản xuất của nông trường. Công việc đầu tiên anh triển khai là ngồi lại để họp với các đội sản xuất nhằm tìm ra hướng phát triển mới cho nông trường. Sau nhiều cuộc họp, anh Thanh đưa ra quyết định là muốn đơn vị tồn tại và phát triển đi lên chỉ có một con đường duy nhất là động viên anh em nhằm củng cố lại sản xuất, đầu tư trang thiết bị để chế biến sản phẩm chè đóng gói để đưa ra thị trường”.

“Dấu ấn đậm nét anh Thanh để lại cho nông trường Quyết Thắng đến bây giờ chính là sự quyết đoán và sáng tạo trong công việc đã đưa ra những quyết sách mới phát triển hợp lý cho nông trường vào thời điểm ấy. Ngày ngày anh Thanh cưỡi xe Honda 67 xuống cơ sở, đi đến từng nhà công nhân, rồi đến từng đội sản xuất. Anh đã cùng ăn, cùng ở với anh em các đội để cùng chia sẻ khó khăn, hướng dẫn và chỉ đạo anh em tăng gia sản xuất. Nhờ đó, công việc trồng trọt được củng cố và trồng mới 18 ha diện tích cây chè nâng tổng diện tích lên gần 220ha”

Theo ông Trúc, cùng với chỉ đạo sản xuất, giai đoạn này, ông Nguyễn Bá Thanh có 2 quyết định rất quan trọng, giúp nông trường vượt qua khó khăn. Một là, cho dừng dự án thủy điện do đơn vị trước đó đã thi công xây dựng xong phần móng. Ông Thanh khẳng định,  dự án này không khả thi, ảnh hưởng đến môi trường và sản xuất.  Hai, anh Thanh cho phép 2 đội tham gia khai thác vàng sa khoáng ngay trên đất của nông trường- một tiền lệ chưa từng có ở đây, để  nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho anh em và tạo kinh phí đầu tư lại sản xuất.

img

 Nông trường Quyết Thắng với những đồi chè xanh bạt ngàn.

Tìm đầu ra cho cây chè

Sau khi việc sản xuất đã dần đi vào nề nếp và giúp đời sống của CB-CNV ổn định,  ông Nguyễn Bá Thanh bắt tay ngay vào việc  tìm đầu ra cho cây chè Quyết Thắng. Ông Trúc kể, từ ngày này qua ngày nọ, anh Thanh liên hệ khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, rồi các đầu mối trong thành phố Hồ Chí Minh để tìm đầu ra cho cây chè. Mặc khác, anh ráo riết chỉ đạo gấp rút đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc, nhà chế biến, phương tiện vận tải, điện chiếu sáng để xây dựng khu chế biến và đóng gói chè thành phẩm.

Song hành nhiều việc như vậy, cuối cùng tín hiệu mới, trang sử mới đã mở ra với nông trường chè Quyết Thắng. Sản phẩm chè chế biến ra được tiêu thụ mạnh, mỗi năm bán ra thị trường gần 300 tấn chè các loại…Thị trường ổn định, hoạt động của nông trường từng bước hồi phục và ngày càng phát triển đi lên. Nhờ đó, đời sống anh em CB-CNV từng bước được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, khi có của ăn, của để, nông trường cũng từng bước thực hiện tốt công tác anh sinh xã hội, đầu tư làm đường giao thông, xây dựng nhà tập thể, xây trạm y tế, trường học…

Vượt qua những giai đoạn phát triển khác nhau,  năm 2007 nông trường chè Quyết Thắng chuyển thành Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng. Đến nay, hoạt động sản xuất của công ty ngày càng phát triển ổn định, sản phẩm hằng năm làm ra tiêu thụ khắp cả nước với mức bình quân mỗi năm từ 200 tấn chè khô trở lên và hơn 400 tấn chè lá. Hiện tại, tổng diện tích đất sản xuất chè ổn định 160 ha, cây cao su 70 ha. Công ty cũng đã giải quyết việc làm cho 65 hộ gia đình và 45 lao động, với thu nhập bình quân từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng...

“Mặc dù giờ đây anh Thanh giờ về yên nghỉ nơi đất mẹ đã một năm nay, nhưng bản thân tôi, cùng anh chị em đã một thời gắn bó với anh Thanh và kể cả những CB-CNV bây giờ cũng như người dân ở vùng đông của huyện Đông Giang (huyện Hiên cũ) luôn nhớ và tri ân anh Thanh – Một người anh, người cán bộ tận tụy và hết lòng vì công việc …” – ông Trúc ngậm ngùi.

“Dấu ấn đậm nét anh Thanh để lại cho nông trường Quyết Thắng đến bây giờ chính là sự quyết đoán và sáng tạo trong công việc đã đưa ra những quyết sách mới phát triển hợp lý cho nông trường vào thời điểm ấy. Ngày ngày anh Thanh cưỡi xe Honda 67 xuống cơ sở, đi đến từng nhà công nhân, rồi đến từng đội sản xuất. Anh đã cùng ăn, cùng ở với anh em các đội để cùng chia sẻ khó khăn, hướng dẫn và chỉ đạo anh em tăng gia sản xuất"  - ông Trần Trúc.

>> Tiếp nối loạt bài "Chuyện chưa từng kể về ông Nguyễn Bá Thanh", mời độc giả Dân Việt đón đọc bài viết "Dấu ấn chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Bá Thanh" đăng tải trên danviet.vn vào lúc 21 giờ ngày 13.2.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem