Bạn có quyền phản đối các chương trình TV nhảm nhí không?

Ngô Nguyệt Hữu Thứ sáu, ngày 01/04/2016 06:30 AM (GMT+7)
Sóng truyền hình không phải là của riêng ban lãnh đạo đài truyền hình đó. Lại càng không phải của các công ty tư nhân.
Bình luận 0

Năm 2012, Đài Truyền hình Thương mại TVB (Hồng Kông) quyết định thực hiện lại đoạn kết cho bộ phim dài tập "Đại thái giám". Lý do, khán giả xem đài phản ứng dữ dội về kết thúc quá bi phẫn của phim. Nếu tôi nhớ không nhầm, đây không phải là lần đầu tiên một đài truyền hình phải làm lại kết phim vì phản ứng của người xem đài.  Trước đó hơn 10 năm, ở Hàn Quốc đã có một vụ việc tương tự.

 Còn ở nước ta thì sao? "Song đấu" là một chương trình giải trí nhảm nhí được trình chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV3 - Kênh Thể thao, Giải trí và Thông tin Kinh tế), đang bị dư luận lên án gay gắt với những màn thi thố vô bổ, kiểu như dùng răng lột dừa, nín thở bằng cách vục mặt vào bể cá có chứa nước lạnh, thanh niên thi xúc đất với xe xúc chuyên nghiệp, thi cân nặng giữa cậu bé 11 tuổi và cô người mẫu cao lêu nghêu...

img

Màn thi đấu lột vỏ dừa bằng răng trên chương trình "Song đấu" của VTV3.

Thế nhưng, phản ứng của người xem đài là một chuyện còn đài phát chương trình gì lại là chuyện khác. Có cảm giác như  Đài Truyền hình Việt Nam bất chấp tất cả để bảo vệ cho đối tác hợp tác sản xuất chương trình với họ. Quan trọng hơn, họ phớt lờ sự bức xúc của khán giả xem đài - những cá nhân mà xét một khía cạnh nào đó là đã nộp thuế để cho họ có kinh phí hoạt động.

 Một trong những quyền tối thiểu nhất của công dân, là quyền được giải trí thông qua các chương trình trên truyền hình, tôi không xét đến quyền tiếp cận thông tin. Thế nhưng, ở nước ta cái quyền này đang được ban phát một chiều từ các đài truyền hình. Thứ mà người xem đài được phản hồi từ đài truyền hình chỉ là những chương trình như "Hộp thư âm nhạc theo yêu cầu" hoặc "Trả lời đơn thư bạn đọc". Còn lại, các đài truyền hình tự mặc định thích gì phát đó. Ngoại trừ những chương trình liên quan đến kinh tế, chính trị hay tạo ra sự bất ổn trong xã hội.

Một đài truyền hình làm gameshow thi thố danh hài thu hút được người xem, ngay lập tức các đài truyền hình khác có hàng loạt phiên bản tương tự. Một đài truyền hình khơi lại dòng nhạc bolero, ngay tắp tự đài truyền hình quốc gia không đứng ngoài cuộc. Miếng bánh quảng cáo là thứ mà tất cả các đài truyền hình đều cố tranh phần ngoạm một miếng to. Tất nhiên, những chương trình này là do tư nhân sản xuất và thuê sóng của đài truyền hình. Sự hợp tác này dựa trên tiêu chí đôi bên cùng có lợi theo doanh thu quảng cáo. Ai cũng biết như vậy.

Xã hội hoá các chương trình truyền hình là một xu hướng tất yếu, nhưng điều đó vô hình trung khiến lãnh đạo các đài truyền hình tin rằng sóng truyền hình là của riêng họ. Và truyền hình phát gì dựa trên ý chí chủ quan của lãnh đạo đài (Ngoại trừ một vài chương trình bắt buộc theo quy định của Chính phủ, như Thời sự hay trực tiếp các phiên điều trần Quốc hội...).

Vì vậy, mới xảy ra đỉnh cao là một cô diễn viên có thể xuất hiện trên Đài Truyền hình Quốc gia để khóc lóc xin lỗi vì một scandal cá nhân. Hoặc một cô bé khác bị ném đá vì tình thương của một người mẹ luôn tin tưởng vào khả năng ca hát của con mình, ngay chính trên sóng Đài Truyền hình đó. Thậm chí, các nghệ sĩ với hàng loạt chiêu trò bị phản đối cũng kiêu hãnh hiện hữu trên sóng truyền hình với vai trò là giám khảo trong các cuộc thi, người dẫn chương trình...

Tất cả điều này nằm ngoài mong muốn của người xem đài nhưng lại nằm trong kế hoạch của công ty sản xuất chương trình và được lãnh đạo đài truyền hình cho phép.

Hẳn nhiên, bạn sẽ cười bảo, nếu khó chịu thì chuyển sang kênh khác mà coi. Hoặc tắt tivi đi. Thế nhưng, khi bạn phản ứng bằng cách đó thì bạn đã hoàn toàn triệt tiêu quyền lợi của chính bạn. Bởi sóng truyền hình không phải là của riêng ban lãnh đạo đài truyền hình đó. Lại càng không phải của các công ty tư nhân. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem