Bán điều số 1 thế giới, thu 4 tỉ đô nhưng cây giống thì èo uột

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 23/04/2019 14:45 PM (GMT+7)
Mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, nhưng công tác giống chưa được quan tâm đúng mức. Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa năng lực chế biến và sản xuất nội địa.
Bình luận 0

Để giữ vững vị thế dẫn đầu, ngành điều cần cải thiện năng suất và chất lượng hạt điều, trong đó giống là yếu tố tiên quyết trong thâm canh bền vững.

Khó khăn chồng chất

img

 Nông dân lo lắng vì mưa trái mùa làm điều rụng bông.  Ảnh: Nguyễn Vy

"Các doanh nghiệp cần thể hiện trách nhiệm nhiều hơn trong việc hỗ trợ sản xuất điều ghép cho vùng điều nguyên liệu. Đồng thời, tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất và mua bán giống điều ghép để hạn chế tối đa việc mua bán giống điều không rõ nguồn gốc. Đây là vấn đề chính để có vườn điều chất lượng cao”.

Ông Trần Công Khanh –
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều

Theo dự báo, năm 2019 ngành điều Việt Nam sẽ bước qua chu kỳ phát triển mới, có thể đạt mốc 4 tỷ USD. Ngành điều phải chuyển biến mạnh mẽ theo hướng giảm lượng, tăng chất, bán ít nhưng giá bán cao.

Tuy nhiên, giá điều nhân sụt giảm, xuất khẩu khó khăn, giá điều thô trong nước cũng liên tục giảm theo. Sau 2 năm 2016 - 2017 tăng cao và năm 2018, giá tạm ổn. Đầu vụ năm 2019, giá điều tươi giảm mạnh.

Ông Cao Huy Hùng (nông dân trồng điều ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) kể, mấy năm gần đây, cứ vào thời điểm ra hoa, cây điều lại đối mặt mưa nắng thất thường. Người trồng điều phải sống trong cảnh lo âu vì cây điều liên tiếp mất mùa.

“Không chỉ năng suất thấp, giá điều còn không ổn định và đang trên đà giảm. Nông dân phải đối mặt với vụ thu hoạch lỗ cả công chăm sóc và chi phí đầu tư. Nhiều bà con cũng không còn mặn mà với cây trồng “xóa đói giảm nghèo” một thời” - ông Hùng nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, diện tích điều đầu năm 2019 còn trên 37.800ha, giảm chục ngàn ha so với 10 năm trước. Trong đó, diện tích điều trồng xen canh (cây trồng phụ) với các cây trồng khác đang có xu hướng tăng nhanh.

Cần đầu tư cải thiện giống

Cũng bị ảnh hưởng do giá hạt điều khô giảm, nhưng các hộ trồng giống điều cao sản lại đang có lợi nhuận cao hơn so với những hộ trồng giống điều thường. Ông Lê Ngọc Đông (ở huyện Long Thành, Đồng Nai) cho biết, với giống điều thường, năng suất bình quân thường đạt 1,5 tấn/ha. Với giống cao sản, nếu chăm sóc và thời tiết thuận lợi như nhau, 1ha có thể cho 2,5 tấn.

“Hạt điều cao sản lớn hơn nên nhân cũng lớn hơn, khi xuất khẩu sẽ được ưu tiên chọn điều loại 1. Do đó, thương lái sẽ thu mua với giá cao hơn giống điều thường” - ông Đông nói.

Tuy nhiên, khảo sát tại địa phương, vẫn không có nhiều hộ chuyển đổi qua giống cao sản này vì khó khăn về vốn, thu nhập bị gián đoạn hoặc có khi còn nuối tiếc vườn cây hiện hữu...

Theo ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện tỷ lệ vườn điều già cỗi rất cao. Nếu không có biện pháp thâm canh phục hồi hoặc trồng thay thế bằng giống mới, năng suất điều không có bước đột phá.

Ông Trần Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện Khoa học công nghệ nông nghiệp miền Nam) thừa nhận, giống tốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng vườn điều. Việc thích nghi với biến đổi bất thường về khí hậu hay đặc tính kéo dài thời gian nở hoa đã được đưa vào tiêu chuẩn chọn lọc trong công tác giống điều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem