Cả hai vợ chồng trẻ Thành Long và Thảo Nhi chưa lường hết những diễn biến hết sức phức tạp, những chuyện “đau đầu” của 45 doanh nghiệp chuyên nuôi ong lấy mật xuất khẩu để được tiếng Việt Nam đứng hàng thứ 6/10 quốc gia xuất khẩu mật ong nhiều nhất thế giới.
Bức tranh màu xám
Từ 300.000 (năm 2010) lên 1 triệu đàn, sản lượng 55.000 tấn/năm; giá xuất 2.800 USD/tấn mật ong đã kích thích tăng quy mô xuất khẩu ở nhiều quốc gia. Sản lượng mật ong xuất khẩu của 45 doanh nghiệp từ 50.000 tấn/năm còn 40.000 tấn (2015), giá giảm 50%; nhiều công ty không biết bán mật đi đâu khi thị trường bắt đầu teo tóp do những lỗi đã được báo trước nhưng không sửa chữa.
Bức tranh mật ong xuất khẩu cực kỳ ảm đạm, nên đôi vợ chồng Nhi – Long chọn khởi nghiệp ở thị trường ngách nội địa bằng mật ong hoàn toàn tự nhiên.
80% sản lượng mật ong nuôi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, hàng rào kiểm tra chất lượng sẵn sàng trả về khi phát hiện mật ong chứa Carbendazim, chất trị nấm được phun xịt trên cây trồng. Khoảng 20% lượng mật bị trả về do chất lượng có vấn đề. Châu Âu chính thức đóng cửa khi phát hiện mật ong Trung Quốc có Cloramphenicol và phấn hoa biến đổi gen, mối nghi ngờ của giới quan sát thị trường mật ong là nguồn này có thể sẽ chảy tràn qua Việt Nam để “rửa” nguồn. Năm 2015 là thời điểm tụt dốc của mật ong Việt Nam, khi mật ong từ vùng trồng cao su không thơm và m ật từ nhiều loại cây khác làm mật nhanh chóng đổi màu. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem bột nuôi ong hay nguyên nhân nào khác khiến tình hình xấu đi.
Cho du khách cái để mua
Giống như người điếc không sợ súng, đúng với hoàn cảnh thông tin bất đối xứng của đôi vợ chồng này. Nhưng họ quan niệm cứ làm như ba mẹ Thảo Nhi, từng nuôi ong một cách tự nhiên ở Hút Dẻo, cứ bán lai rai cho thị trường nội địa dễ sống hơn, cũng không sai.
Thảo Nhi học hết lớp 12, Long lên Sài Gòn học đại học trở về làm việc ở đài Truyền thanh huyện Tam Nông, cả hai quen mắt với rừng tràm mọc ở vùng wetland (nơi ẩm ướt, sình lầy) được chứng nhận Ramsar. Trần Thành Long ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết động cơ đẩy anh tới ong mật: “Chỉ một lần gặp Thảo Nhi, quen có mấy bữa là “bả” theo luôn”. Nói vậy nhưng khi Long – Nhi kết hôn, chính Nhi kích hoạt ý tưởng khởi nghiệp nuôi ong dưới tán rừng ngập nước của Long, khi anh nghe được lời phàn nàn của du khách tới vườn quốc gia Tràm Chim “chẳng có gì mua đem về”. Vậy nuôi ong lấy mật làm đặc sản để du khách đem về.
Nhờ cha mẹ từng nuôi ong nên Thảo Nhi hiểu đời sống của ong mật. Còn Long, dù mới rón rén vào nghề nhưng lại muốn tìm lợi thế từ giống ong của Ý. Cả hai biết lợi thế đang nằm ở vùng đệm rừng ngập nước, cây mọc tự nhiên nhưng cả hai đều phải học để hiểu kỹ thuật nuôi, đặc tính sinh học và xác định thời gian lấy mật...
Tràm trổ bông vào tháng 11 đến tháng 3 năm sau và từ tháng 8 đến tháng 10, vào thời điểm này, nguồn phấn hoa rất phong phú, thích hợp cho nghề nuôi ong lấy mật. Nhưng tri thức bản địa ấy chưa đủ, phải làm gì nữa với mô hình 50 đàn ong?
Lúc đầu chỉ thu được 50 lít mật/tháng, nhưng với giá bán 250.000 đồng/lít, cả hai vợ chồng thấy với sản lượng hiện có sẽ không đủ hàng để bán.
Nhi muốn hợp tác với người nuôi, người bán để đo lường dung lượng thị trường, tránh cảnh lúc thiếu hụt, khi ùn ứ. Nhưng hợp tác mà không kiểm soát được quy trình thì làm sao? Ngược lại, khi chỉ gia đình mình làm, nếu sản lượng không đáp ứng, làm ăn mà đứt hàng hoài thì sao?
Bài toán liên kết
Bốn công ruộng đã cho mướn, bao bì nhãn mác còn chưa hoàn chỉnh, vàng cưới đã bán hết. Gia tài của vợ chồng trẻ là 50 đàn ong, phải nhân lên gấp đôi. Cuối cùng Long – Nhi cũng tìm ra được đáp số cho chi phí tối thiểu để gầy đàn (1,8 triệu đồng mỗi đàn ong hàng chục ngàn con).
Khi số đàn tăng gấp đôi, mỗi tháng thu được 150 – 200 lít mật ong hương tràm nguyên chất, hàng vẫn không đủ bán. Thảo Nhi muốn phát triển một chuỗi sản phẩm từ mật ong rừng tràm: trà chanh mật ong dạng bột, trà chanh bí đao –mật ong và nhiều loại khác. “Hụt hơi” mật ong đóng chai thì làm sao tiến lên được nữa? “Còn mật ong của cha mẹ vợ, từng nổi tiếng nhờ nuôi ong. Đó là trục liên kết gần nhất, đầu tiên”, Long nói: “Nhưng cũng không đủ!”.
Trục liên kết thứ hai là những chòm xóm “thứ dữ”, Long có lý khi nói rằng vùng này, người học vấn cao thì lên thành phố, đi xuất khẩu lao động hoặc đi Bình Dương tìm việc làm, còn lại thanh niên học vấn thấp, không nghề nghiệp, có người sẵn sàng đi ăn cắp cá, xuyệt điện trong vườn quốc gia. Tại sao mình không tách đàn cho những người này mượn, chỉ cách nuôi và khi họ nhân số ong lên gấp ba lần thì lấy lại ong cho mượn? Long học cách chia đàn và đã tách được 20 đàn, theo cách nói của anh là đã “dụ” được bốn người từng đi ăn cắp cá, xuyệt điện mượn đàn ong nuôi lấy mật bán, thay vì phải ăn cắp cá trong vườn quốc gia.
Long cũng đã sẵn sàng cho mượn 20 – 30 đàn ong để những thanh niên nông thôn nuôi, cùng tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm vườn quốc gia Tràm Chim. Sẽ “dụ” thêm 20 người nữa trong năm nay; mục tiêu của Long chẳng có gì ầm ĩ, vì vùng đất ngập nước này rộng 3.000ha, có thể nuôi được 3.000 – 5.000 đàn, sản lương 3 – 6 tấn/tháng, trong khi anh chỉ có 100 đàn. “Dụ được hết năm xã cùng tham gia, chắc chắn sẽ bớt người phá rừng quốc gia”, Long nói.
Chủ nhà thuốc Kim Lợi ở Cần Thơ mua mật ong của Long – Nhi dùng thử, so sánh với nhiều loại khác, đã tin lời Long nói khi người này tính toán khoảng trắng 1 – 2 tháng tràm không trổ bông. Long giữ đúng cam kết thà đứt hàng chứ không cho ong ăn đường thùng, không khai thác mật trong mùa nuôi ong với đậu.
“Dân gian người ta biết đủ cách để thử, không lừa được đâu. Mật ong là vị thuốc, là dinh dưỡng từ thiên nhiên, đã cam kết mật ong nguyên chất thì phải làm đúng như vậy”, Long đưa điện thoại cầm tay, quẹt quẹt rồi nói: “Đây là giấy tờ đăng ký, phiếu kiểm nghiệm… nội việc làm thủ tục ra đời cơ sở đã vất vả lắm rồi, làm ẩu thì tiêu công, lỡ việc hết”.
Có người tư vấn “cứ vô quán nhậu xin chai lọ về đóng chai cho nó có vẻ handmade”, hai vợ chồng vẫn tranh luận trước khi quyết định việc gì và cả hai đều muốn cái gì cũng chuẩn mực, dù chỉ bán trong nước. Nhưng như vậy anh phải tự tìm vốn 400 triệu đồng để đầu tư máy đóng chai, máy cô đặc mật ong trước khi vô mùa mật chính vụ (đông – xuân). Tuy số vàng hồi môn, vàng cưới Long đã mua lại cho “honey của anh” gấp mấy lần, nhưng Long nói đã đến lúc phải tìm cách khác chứ không đụng tới của hồi môn, lễ vật kết hôn lần nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.