Ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc: Tấm vé thông hành nếu muốn xuất khẩu nông sản
Ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc: Tấm vé thông hành nếu muốn xuất khẩu nông sản
Danh Hùng
Thứ hai, ngày 21/10/2024 05:53 AM (GMT+7)
Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, người tiêu dùng càng ngày càng có xu hướng sử dụng công cụ liên kết để tìm kiếm, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là hàng nông sản. Do đó, người sản xuất, đơn vị kinh doanh cũng cần phải áp dụng công nghệ 4.0 để quản lý, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Sản phẩm truy xuất nguồn gốc có giá bán cao hơn 20%
Từ rất lâu chị Xuân Anh (Long Biên – Hà Nội) có thói quen mua hàng trong các siêu thị, cửa hàng tiện ích bởi cho rằng ở những nơi này chị hoàn toàn có thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình. Cũng nhờ những thói quen đó mà giờ chị "thuộc nằm lòng" những thương hiệu nông sản uy tín có chứng nhận an toàn thực phẩm với người tiêu dùng, một trong số đó là rau cảu HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà.
Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Thanh Hà thông tin: HTX có khoảng 10.000m2 trồng rau mầm theo tiêu chuẩn hữu cơ. HTX đã ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như: Quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói..., qua đó tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Tương tự, theo Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân - Hà Nội) Đinh Thị Hải Yến, hiện mỗi tháng công ty cung cấp hơn 30 tấn thực phẩm chế biến sẵn cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và trên các nền tảng thương mại điện tử. Minh bạch thông tin sản phẩm với người tiêu dùng, công ty đã đưa công nghệ thông tin vào quản lý chất lượng thực phẩm, từ quy trình sản xuất đến sơ chế, chế biến thực phẩm. Người tiêu dùng hoàn toàn kiểm tra được ngày sản xuất và hạn sử dụng; các nguyên liệu có trong sản phẩm.
Công ty TNHH Thương mại Thanh Đoàn, xã Việt Hùng (Trực Ninh – Nam Định) cũng là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Được hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc, mỗi sản phẩm gạo của công ty đều sử dụng một tem QR code để nhận diện, xác định nguồn gốc nông sản an toàn. Qua đó giúp công ty tiếp cận, ký kết hợp đồng với nhiều bếp ăn tập thể, đối tác lớn. Hiện các sản phẩm của công ty được phân phối khắp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam…
Rõ ràng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp bước đầu đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể về chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Một số phần mềm ứng dụng công nghệ số trong tạo lập dữ liệu, cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đạt hiệu quả, được đánh giá cao...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng hệ thống thông tin trong quản lý chuỗi nông sản an toàn đã giúp các HTX, doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã áp dụng công nghệ thông tin vào chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, GMP…, quản lý logistic kho bãi, bảo quản, xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sẽ kiểm soát được nguồn gốc chất lượng nông sản từ nguyên liệu đến sản phẩm ra thị trường.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) tiết lộ: "Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất không có truy xuất nguồn gốc ít nhất 20%. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước giúp nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày nay có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm hơn về chất lượng".
Yêu cầu bắt buộc nếu muốn xuất khẩu
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, hợp tác xã phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Nguyên nhân là do chưa có cơ sở dữ liệu lớn phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm và thiếu kết nối chia sẻ thông tin của các giai đoạn sản xuất, quản lý, logistics, thương mại...
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi quản lý chất lượng nông sản an toàn đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi đó, nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã hạn chế nên đầu tư còn chắp vá, chưa đồng bộ.
Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam cung cấp hàng hóa ra nhiều thị trường thế giới. Theo đại diện Vinafruit, đối với các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)… đều đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp của nước xuất khẩu tiêu biểu như: Quy định 178/2002/E của Liên minh châu Âu (EU), Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ, Quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu qua Lệnh 248, 249 áp dụng từ đầu năm 2022…
Thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống quy định của các nước có xu hướng tăng với nội dung ngày càng chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn bán hàng qua các nước đó.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp và hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc như: hệ thống mã số mã vạch theo tiêu chuẩn GS1, Mã QR (QR code), xác thực nguồn gốc…
Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các sở, ngành, địa phương, trung ương trong việc phổ biến các khóa học cơ bản về công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, nông dân. Qua đó, có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất như: sổ ghi chép điện tử, khai thác các ứng dụng sản xuất an toàn trên internet… phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm …
Bên cạnh đó Chính phủ cần đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở đường truyền internet mạnh, rộng khắp vùng nông thôn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông sản ngày càng tăng. Thậm chí hỗ trợ 100% chi phí cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc với các hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap trở lên nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.
CHUYÊN TRANG CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.