Băn khoăn câu chuyện làm luật

Thứ sáu, ngày 25/03/2011 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua (24.3), nhiều đại biểu Quốc hội đã không giấu được sự xúc động, tự hào và cả sự lo lắng khi nhìn nhận lại nhiệm kỳ 4 năm của Quốc hội khoá XII.
Bình luận 0

Quyết định những vấn đề lịch sử

Nhiều đại biểu bày tỏ suy nghĩ là họ đã tham gia quyết định những vấn đề rất trọng đại. "Chúng ta đang quyết định những vấn đề mang tầm vóc lịch sử: Nghị quyết mở rộng thủ đô, điện hạt nhân, đường sắt cao tốc, và tự mình rút bớt nhiệm kỳ từ 5 xuống 4 năm" - bà Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nhận xét.

img
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) mong muốn hoạt động giám sát của Quốc hội phải sát thực và hiệu quả hơn.

Xung quanh hoạt động giám sát, các đại biểu đều cho rằng hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề. Trước đây giám sát chủ yếu do Ủy ban Pháp luật tiến hành theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng trong khoá XII, hoạt động giám sát đã được tiến hành ở hầu hết các uỷ ban.

img Chương trình xây dựng luật nên bắt đầu từ cuộc sống, chứ không thể làm luật theo kiểu cơ quan nào chuẩn bị được dự án nào thì Quốc hội thông qua dự án đó. img

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Rất nhiều đại biểu đã để lại dấu ấn trên diễn đàn Quốc hội, để lại ấn tượng rất tốt đối với cử tri về những hoạt động đúng tâm ý dân chúng, nói thẳng, nói thật, nói hết và không ngại va chạm.

Đại biểu Trần Đình Long (Đăk Lăk) cũng thẳng thắn nhận xét: Quốc hội còn nhiều vấn đề chưa làm hết do những hạn chế về bộ máy, biên chế, nhân sự. Ví dụ, phạm vi hoạt động của mỗi Ủy ban của Quốc hội liên quan tới nhiều bộ, với biên chế như hiện nay, không thể bao quát hết. Do đó cần tính lại để bảo đảm hoạt động hiệu quả... Hơn nữa, Quốc hội mới dừng lại ở mức đề nghị, kiến nghị xem xét giải quyết đối với những vấn đề trong giám sát. Ông Long mong mỏi: "Quốc hội cần phải đi xa hơn nữa".

Phải làm luật theo yêu cầu cuộc sống

Đại biểu Phạm Ngọc Đào (Hà Nội) đã kể lại câu chuyện của cá nhân ông với tư cách đại biểu Quốc hội: Tôi có biết 1 ông cử tri là thương binh, tên Sinh. Ông Sinh xin gặp suốt nhiệm kỳ 4 năm của tôi. Tuần nào ông cũng đến nhà tôi 1 lần, vào lúc 5 giờ sáng. Ông ấy bảo rằng lên chỗ tiếp dân nhưng cứ nhìn thấy ông là người ta đuổi. "Chúng ta là "người đưa thư", nhưng thậm chí còn không xem thư, không biết thư được giải quyết như thế nào"- ông Đào lo lắng.

Đại biểu Chu Hồng Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận: 4 năm, Quốc hội đã thông qua 64 dự án luật nhưng hơn 1/2 là các dự án sửa đổi bổ sung, vì vậy chất lượng luật chưa thể nói là cao. "Có luật vừa thông qua ít lâu đã phải sửa đổi bổ sung rồi. Lỗi do Chính phủ trình dự án nhưng lỗi một phần do Quốc hội chúng ta là người quyết".

Bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội đề xuất: Chương trình xây dựng luật nên bắt đầu từ cuộc sống, chứ không thể làm luật theo kiểu cơ quan nào chuẩn bị được dự án nào thì Quốc hội thông qua dự án đó, còn những gì theo yêu cầu của cuộc sống thì chưa được chỉ đạo để làm quyết liệt, cấp bách".

Bà Thanh cũng bức xúc về việc ngay cả khi có luật đã ban hành vài năm chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn. Từ lâu đã tồn tại “căn bệnh” luật chờ nghị định, chờ thông tư nên luật không đi vào cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem