Băn khoăn quỹ kết dư của nhà chung cư sẽ phải nộp về phí bảo trì?

Phi Long Thứ sáu, ngày 12/07/2024 18:18 PM (GMT+7)
Bạn đọc băn khoăn về quy định mới của Luật Nhà ở 2023, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 quy định các khoản thu dịch vụ sở hữu chung sẽ được đưa vào phí bảo trì nhà chung cư. Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh đã lý giải về vấn đề này.
Bình luận 0

Bạn đọc Nguyễn Bích Liên ở Hoàng Mai, Hà Nội hỏi, chung cư của chúng tôi thường có một số khoản thu tiền như gửi xe ở tầng hầm, tiền cho thuê hạ tầng viễn thông, cho đơn vị thuê quảng cáo thang máy…các khoản thu này trước đây được Ban Quản trị đưa vào Quỹ kết dư để đầu tư các tiện ích cho người dân như: Lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao, đầu tư khu vui chơi tại sân chung cư. Tuy nhiên, tôi được biết các khoản tiền này sẽ phải nộp về Quỹ bảo trì và chi cho các khoản bảo trì của tòa nhà theo quy định có đúng không?

Băn khoăn quỹ kết dư của nhà chung cư sẽ phải nộp về phí bảo trì?- Ảnh 1.

Băn khoăn quỹ kết dư của nhà chung cư sẽ phải nộp về phí bảo trì?. Ảnh minh hoạ: Danviet

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, tại khoản 4, Điều 153 Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 quy định: Trường hợp nhà chung cư có nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung thì phải nộp vào tài khoản kinh phí bảo trì do Ban quản trị nhà chung cư quản lý hoặc người được giao quản lý tài khoản kinh phí bảo trì đối với trường hợp không bắt buộc thành lập Ban quản trị nhà chung cư để bảo trì nhà chung cư.

Nguồn thu quy định tại khoản này và lãi phát sinh từ tiền gửi kinh phí bảo trì được sử dụng vào việc bảo trì nhà chung cư.

Căn cứ vào quy định tại khoản 4, Điều 153 Luật Nhà ở 2023 thì đúng là tới đây các khoản thu khai thác dịch vụ phần sở hữu chung của chung cư sẽ phải nộp vào phí bảo trì của chung cư. Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản hướng dẫn củ thể thực hiện các quy định này từ Bộ Xây dựng.

Trước đó, tại Thông tư 05/VBHN-BXD, ngày 07 tháng 09 năm 2021 của Bộ Xây Dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, tại Điều 15 của mẫu hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư giữa BQT nhà chung cư ký với đơn vị quản lý vận hành có hướng dẫn: Điều 15. Khai thác, cung cấp dịch vụ phụ và quỹ kết dư:

Bên A (Ban quản trị nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý nhà chung cư) có quyền và trách nhiệm sau đây: Trong thời hạn hợp đồng này, Bên A ủy quyền cho Bên B (Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư) tìm kiếm, khai thác môi giới khai thác kinh doanh các dịch vụ thuộc quyền sở hữu chung của nhà chung cư như thu phí quảng cáo, bảng hiệu, khai thác mặt bằng trống, các dịch vụ khác.... Việc khai thác này phải đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến công tác quản lý vận hành nhà chung cư của Bên B, mỹ quan, môi trường và trật tự công cộng tại nhà chung cư…

Quỹ kết dư: Với phương thức tự thu, tự chi, hai bên thống nhất rằng, quỹ kết dư (nếu có) trong thời gian hợp đồng này có hiệu lực là thuộc sở hữu của Bên B. Bên B đồng ý sẽ trích ...% quỹ kết dư này để Bên A bổ sung vào quỹ nhằm thực hiện các hoạt động phục vụ lợi ích chung cho nhà chung cư.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, như vậy, với các quy định hiện hành, phần quỹ kết dư là các khoản thu được từ đơn vị quản lý vận hành tòa nhà sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong quá trình vận hành và hoạt động của tòa nhà (không tính các khoản chi lấy từ quỹ bảo trì) sẽ trích lại cho Ban quản trị của tòa nhà để đầu tư cho các hạng mục không có trong các quy định chi của phí bảo trì như: Chi đầu tư lắp đặt camera, lắp đặt thiết bị, khu vui chơi cho cư dân; chi cho Tết Trung thu của thiếu nhi; chi cho học sinh giỏi…Do đó, các thắc mắc của bạn Nguyễn Bích Liên ở Hoàng Mai, Hà Nội là đúng nhưng cụ thể của các quy định mới này trong Luật Nhà ở cần chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem