Bản Kích bị lãng quên: Nội lực người dân

Chủ nhật, ngày 27/11/2011 03:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong muôn vàn khó khăn khi bị "bỏ quên", những người dân bản Kích đã đoàn kết bên nhau vượt qua thách thức, dựng nên bản mới.
Bình luận 0

Nông dân làm nhà thiết kế

Khi những dự tính di vén tại chỗ của bà con bản Kích (xã Pắc Ma - Pha Khinh, Quỳnh Nhai, Sơn La) không được Ban Tái định cư (TĐC) huyện Quỳnh Nhai chấp nhận thì cũng đồng nghĩa với họ bị "bỏ quên" trong chính sách di dân. Vậy là bao nhiêu khoản hỗ trợ, chi phí đầu tư cho một bản TĐC theo chính sách của Nhà nước: Khảo sát, thiết kế, san nền nhà, làm đường giao thông, hỗ trợ tháo dỡ nhà cửa-dựng nhà, gạo ăn, nhà lớp học, nhà văn hoá... bỗng dưng không biết hỏi ai "vì chẳng còn ai quan tâm tới chúng tôi nữa" - ông Hoàng Văn Dun - trưởng bản Kích kể lại.

img
Bản Kích hôm nay ngát xanh cây trái .

Cái khó ló quyết tâm, anh Chanh - Bí thư Chi bộ bản trầm tư: “Tôi đành vác thước ra đo đất, quy hoạch đất ở, đất sản xuất cho từng hộ dân. Mình có kinh nghiệm gì đâu, thôi cứ suy theo lẽ thường của một đời người khi dựng nhà cửa mà làm thôi. Cái quan trọng là tất cả phải ở trên mép cốt ngập 218m và phải đảm bảo mỗi nhà phải có mảnh vườn mà trồng cái rau, nuôi con gà, con lợn. Vẽ xong hơn ba chục cái nền nhà, lấy ý kiến các hộ thoả đáng, chúng tôi hô hào nhau bắt tay vào san nền. Khi ấy mới vỡ lẽ ra là chuyển nhà, chuyển bản không đơn giản, tốn kém vô cùng mà sức dân có hạn.

Tưởng rằng mình làm đúng thì Nhà nước sẽ hỗ trợ các khoản như một người dân TĐC bình thường theo định mức gần 500 triệu đồng/hộ. Nhưng nào ngờ cán bộ từ cấp xã trở lên đã chẳng quan tâm gì tới chúng tôi nên cũng hết chỗ trông đợi. Dân bản đành động viên nhau "lá lành đùm lá rách", thắt lưng buộc bụng mà làm thôi, sau này cấp trên sẽ hiểu thì cũng phải công nhận sự thật.

Vậy là cả bản bắt tay vào cuộc, làm ngày làm đêm. Đầu tiên là mở gần 1km đường vận chuyển từ bản cũ lên bản mới, rồi san nền nhà ở, nhà văn hoá, nhà lớp học; tháo nhà cũ, dựng nhà mới… Chị Điêu Thị Thuyết - Chi hội trưởng Phụ nữ bản, bồi hồi nhớ lại: Ngày nào mỗi nhà cũng góp 1-2 người tham gia việc bản.

Chị em phụ nữ chúng tôi cũng làm quần quật từ sáng sớm tới gần trưa mới nghỉ để nấu nướng, phục vụ cơm nước cho gia đình. Còn cánh đàn ông thì làm đến khuya mới nghỉ. Mất mấy tháng trời vất vả nhưng ai cũng động viên nhau cố dựng bản mới cho tốt, cho đẹp hơn bản cũ.

Nhà ai không có tiền thì bán trâu, bò, gà, lợn; vay mượn thêm để dựng cái nhà cho tốt. Cán bộ bản cũng nhiệt tình lắm, không chỉ xắn tay vào việc mà còn dám đứng ra thuê mướn phương tiện vận chuyển, ủi gạt giúp dân. Nhờ thế nên bây giờ bản chúng tôi mới đẹp thế này. Chỉ buồn mỗi điều là nhà ai cũng nghèo, cũng mang nợ...

"Mong Nhà nước thấu hiểu, quan tâm"

Đúng là bản Kích hôm nay đẹp thật và cũng nghèo thật vì nội lực của họ đã vắt kiệt để làm nên cái bản đẹp hôm nay. Hầu hết các hộ trong bản đều có nhà ngói vững chãi trên nền đất rộng. Nhà nào cũng nuôi gà, lợn, có vạt rau xanh, có cây trái, lại bảo ban nhau không để xảy ra tệ nạn xã hội. Nhưng cái khó khăn của bản Kích hôm nay cũng đã đến mức bị "dồn vào chân tường".

Ông Dun tâm sự: Hơn 30 hộ dân với gần 200 nhân khẩu trông chờ vào khoản thu từ gần 40ha đất nương nhưng giống, vốn đều thiếu. Muốn phát triển chăn nuôi cũng bó tay vì thiếu tiền. Thôi thì chẳng dám đòi hỏi những khoản tiền hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng cho việc quy hoạch, thiết kế một bản TĐC như ở nơi khác, bởi nếu được hưởng các chính sách như thế thì dân bản đã trở lại cuộc sống hơn cả trước khi di chuyển với hơn 50% số hộ có mức sống khá trở lên, không còn hộ đói. Chúng tôi chỉ muốn được hỗ trợ gạo ăn, điện, nước, đèn dầu; được hỗ vốn sản xuất theo mức TĐC thì cuộc sống cũng đỡ đi nhiều. Bây giờ tuy đang là vụ thu hoạch nhưng trong bản đã có mấy hộ đói.

Từ ngày lập cái bản này chỉ mỗi duy nhất đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua là thấy cán bộ xã huyện ghé qua, động viên bà con đi bầu cử, hứa sẽ kiến nghị với tỉnh, với trung ương để giải quyết khó khăn cho bà con. Nhưng bầu cử xong, chả thấy ai đến nữa. Hỏi thì họ bảo là còn đang chờ cấp trên xem xét.

Không chỉ đói vốn, đói gạo, người dân bản Kích hôm nay còn bị đói cả đời sống tinh thần: Báo Nông Thôn Ngày Nay cũng đã bị cắt lâu rồi, còn tivi, đài thì không có điện nên cũng bỏ xó, chắc bây giờ hỏng mất rồi. Trẻ không có lớp học cắm bản nên phải đi học xa. Bà con không có nhà văn hoá nên cũng không biết vui chơi đâu.

Không bó tay trước khó khăn, ngồi chờ sự ưu ái của Nhà nước, người dân bản Kích vẫn đồng lòng vươn lên trong gian khó. "Họ dồn sức vào thâm canh cây ngô, cây sắn trên nương nhưng quyết tâm không phá rừng để mở rộng đất sản xuất. Thiếu vốn mua giống sắn, cán bộ bản lại đứng ra mua chịu theo phương pháp trả chậm bằng sản phẩm trong vụ thu hoạch tới. Từ khi nước ngập lòng hồ, dân bản dạy nhau tập bơi lội, chèo thuyền thúng, học cách đánh bắt cá, tôm để cải thiện cuộc sống. Thiếu vốn, dân bà con phải chấp nhận mua ngư cụ của nhà giàu và bán sản phẩm với giá rẻ cho họ mỗi ngày.

Khi chúng tôi ghé nhà, anh Hoàng Văn Chính đang chuẩn bị đi thả mẻ đó tôm. Anh cho biết: “Hơn 200 chiếc đó tôm này tôi mua giá 5.000 đồng/chiếc, trả góp mỗi ngày bằng sản phẩm. Tuy giá họ mua có rẻ hơn so với bán ở chợ nhưng bù lại mình có việc mà làm và mỗi ngày cũng thu được khoảng 50.000 đồng, gần đủ tiền gạo nửa ngày cho 6 miệng ăn đấy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem