Bán lá loài cây thuốc quý giá 300 ngàn/kg, dân xứ Tuyên ăn Tết to

Ngô Bảo Chi Thứ tư, ngày 29/01/2020 06:10 AM (GMT+7)
Nhờ cây khôi nhung, một loại dược liệu quý hiếm bán lá giá 300.000 đồng/kg mà 2 năm nay, 4 hộ dân ở xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã thoát nghèo, được đón Tết đầy đủ, không phải suy nghĩ nhiều đến tiền bạc như trước đây.
Bình luận 0

Trong ngôi nhà kiên cố với đầy đủ những tiện nghi đắt tiền, bà Ma Thị Nhu (trú tại thôn Thắm, xã Hùng Mỹ) đang tiến hành dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm lễ, đèn, nhang để cúng gia tiên.

img

Cây Khôi Nhung được người dân tại thôn Thắm, xã Hùng Mỹ bắt đầu trồng vào tháng 9/2018, bước đầu đã đem lại nguồn thu kinh tế khá ổn định.

Ngoài sân, chồng bà cũng con cháu và anh em họ hàng đang mổ lợn, ai nấy đều vui vẻ chuyện trò, rôm rả cả một khu, báo hiệu một cái Tết đủ đầy. Theo bà Nhu, có nằm mơ bà cũng không thể nghĩ gia đình mình lại nhanh chóng thoát được khỏi cảnh đói nghèo đến thế.

“Trước đây, cứ mỗi khi chuẩn bị Tết, cả nhà ai nấy đều lo lắng vì không biết lấy đâu ra tiền để sắm Tết. Trước Tết cả tháng, tôi phải nhặt từng quả trứng gà, bán từng con gà, con vịt vẫn còn non để có chút tiền gọi là mua cân thịt, ít hoa quả thắp hương thôi”, nói chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN bà Nhu nhớ lại.

Cũng theo bà Nhu, gia đình bà có 3ha đất chỉ để trồng cây keo, bạch đàn. Mỗi năm gia đình phải 2 lần phát quang, tỉa cành, vất vả, thời gian trồng lâu, lại không đem lại nhiều nguồn lợi về kinh tế.

“Đang loay hoay không biết làm gì để kinh tế gia đình được cải thiện, bứt phá thì tháng 9/2018 tôi biết đến dự án liên kết về trồng cây dược liệu sắp “ra đời” tại địa phương là cây khôi nhung nên tôi đã tiên phong trồng thử nghiệm”, bà Nhu cho biết.

img

CÂY KHÔI NHUNG có đặc tính chịu bóng, ưa độ ẩm nên có thể trồng dưới tán của cây lâu năm.

Sau thời gian đi tập huấn kỹ thuật trồng cây khôi nhung, bà Nhu quyết định trồng 1.000 cây khôi nhung. Dù đã được tập huấn, thậm chí là bắt tay vào trồng cây dược liệu này, nhưng bà Nhu vẫn canh cánh trong lòng, lo ngại về việc không biết cây này có hợp với thổ nhưỡng ở địa phương hay không? Mọi lo ngại chỉ được xóa tan khi 40 ngày sau, gia đình bà đã được thu hoạch lứa lá khôi nhung đầu tiên.

“Ngay lứa là khôi nhung đầu tiên với giá lá tươi 27.000 đồng/kg, lá khô hơn 300.000 đồng/kg, gia đình tôi đã thu được 4 – 5 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn với gia đình. Đặc biệt, càng về sau, cây khôi nhung càng lớn, gia đình càng thu được nhiều hơn. Nhờ đó, kinh tế gia đình cũng dần bớt khó khăn, tiến tới là khấm khá và Tết không phải lo như trước đây nữa”, bà Nhu vui vẻ chia sẻ.

Cùng chung niềm vui như bà Nhu khi cây khôi nhung đem lại nguồn thu nhập cao, ông Ma Văn Toán (62 tuổi, trú tại thôn Thắm, xã Hùng Mỹ) cũng cho biết, trước đây gia đình ông thuộc diện khó khăn nhất nhì ở khu. Tuy nhiên, nhờ cây khôi nhung mà gia đình ông đã thoát nghèo và giờ đã có của ăn của để.

“Trước gia đình tôi thuộc diện khó khăn ở thôn Thắm, quanh năm chỉ quanh quẩn với ít ruộng trồng ngô, trồng lúa. Khi biết đến dự án trồng cây dược liệu có tên khôi nhung, gia đình đã mạnh dạn trồng 1.500 cây. Nhờ đó gia đình có thu nhập ổn định, nhanh chóng thoát nghèo và kinh tế khá giả hơn”, ông Toán cho biết.

Cũng theo ông Toán, trồng cây khôi nhung không mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch. Cứ 40 ngày lại được thu hoạch một lần, sau khi thu hoạch, người dân tiến hành bón phân chuồng và một ít đạm. Đặc biệt, đầu ra thì không phải lo vì cứ thu hoạch được ít nào là có đơn vị đến thu mua hết.

img

Do đem lại thu nhập cao, đầu ra ổn định, nên chính quyền xã Hùng Mỹ đã quyết định mở rộng diện tích vào năm 2020 để phát triển kinh tế của người dân.

Theo ông Đỗ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, hiện tại ở xã đang có 4 hộ dân trồng khoảng 4.000 cây khôi nhung. Đây là dự án liên kết với Trung tâm Đào tạo nghề Nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn của Hà Nội. Theo đó, Trung tâm Đào tạo nghề Nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn sẽ cung cấp cây giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín.

“Trồng cây khôi nhung là mô hình trồng cây dược liệu mới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nên dù quy mô hiện tại khá nhỏ lẻ, nhưng năm vừa qua, đã có đoàn chuyên gia từ nước ngoài về địa phương thăm và khảo sát địa chất, thổ nhưỡng về việc canh tác mở rộng vùng trồng cây dược liệu này. Trong năm 2020 và những năm tới, chính quyền xã đã có phương án hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng cây này. Đồng thời, thành lập tổ hợp tác liên kết nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất”, ông Hiếu cho biết.

img

Những gốc cây Khôi Nhung đang được người dân ở Hùng Mỹ dâm cho ra lá, chờ sau Tết nguyên đán Canh Tý trồng.

Nhiều người hỏi, cây khôi nhung có tác dụng gì? Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, cây khôi nhung thuộc loại cây bụi, cây có thể cao tới 2m, mọc thẳng đứng, thân rỗng xốp, ít phân nhánh, lá mọc so le, chịu bóng, ưa độ ẩm, thường mọc dưới tán rừng nhiệt đới. Đây là cây dược liệu quý, hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, tiểu đường, tim mạch, huyết áp, kháng viêm…

Với những đặc điểm và tác dụng trên, ngoài một số đơn vị dùng để sản xuất thuốc, mọi người cũng có thể trồng cây khôi nhung tại nhà để phục vụ cho nhu cầu của gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem