Cây thoát nghèo của đồng bào vùng biên
Ông Trần Văn Ta – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tây Giang cho biết, Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có hơn 90% người đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên khá bấp bênh. Thời gian qua, nhờ phát triển mô hình trồng cây dược liệu, trong đó chủ yếu là đảng sâm, ba kích mà hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Tây Giang đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, huyện Tây Giang có hơn 941ha trồng cây dược liệu, với khoảng hơn 1.000 hộ tham gia, hai loại cây chủ yếu là cây đảng sâm và cây ba kích.
Theo ông Ta, mô hình trồng cây dược liệu là mô hình kinh tế mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Tây Giang nói riêng, cây dược liệu đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam xóa đói giảm nghèo và đang được huyện nhân rộng trên địa bàn. Đây được coi là hướng đi mang tính đột phá nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Nhờ trồng cây dược liệu mà nhiều hộ có thu nhập từ 120-150 triệu đồng/hộ/năm, trong đó điển hình tiêu biểu phải kể đến hộ Alăng Lơ, Cơlâu Thái Ngọc…
Ông Alăng Lơ, ở thôn Achoong, xã Ch’ơm cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng keo, thu nhập không cao. Được sự quan tâm hỗ trợ của huyện Tây Giang, cũng như tỉnh Quảng Nam, tôi đã chuyển sang trồng cây đảng sâm. Loại cây này cũng tương đối dễ trồng, sau khi trồng thì bón phân, chăm sóc, làm cỏ, sau khoảng 2 năm bắt đầu thu hoạch. Đến thời điểm này tổng diện tích trồng cây đảng sâm của gia đình tôi là 5ha, nhiều diện tích đã thu hoạch. Sau khi trừ các khoảng chi phí, bình quân mỗi năm đem lại lãi ròng cho gia đình tôi từ 120-150 triệu đồng. Nhờ đó mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, thoát nghèo, nuôi con ăn học…”.
Một hộ tiêu biểu khác, hiệu quả kinh tế không kém nhờ trồng cây dược liệu, hộ ông Cơlâu Thái Ngọc, ở thôn Pơr’ning, xã Lăng, ông Cơlâu Thái Ngọc cho biết, ngoài trồng keo, chăn nuôi, gia đình ông còn trồng cây ba kích, với diện tích 3ha, mỗi năm bình quân đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông khoảng từ 150-200 triệu đồng.
“Cây ba kích trồng khoảng 3-4 năm là có thể cho thu hoạch, đối với đất có độ ẩm mát, nhiều mùn. Tính trung bình cứ ba bụi (gốc) thì được 1kg củ sâm tươi, nhưng cũng có bụi cho đến 1kg hoặc hơn. Nếu để trên ba năm thì lượng củ sẽ nhiều hơn bởi củ sâm sẽ dài ra, lớn thêm, bán có giá hơn” - ông Cơlâu Thái Ngọc nói.
Nhờ mô hình trồng cây dược liệu mà hàng nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Mở rộng diện tích trồng dược liệu
Ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Tây Giang có hơn 941ha trồng cây dược liệu, với khoảng hơn 1.000 hộ tham gia, trồng hai loại cây chủ yếu là cây đảng sâm và cây ba kích. Trong đó, cây đảng sâm tập trung chủ yếu tại các xã Ch’ơm và Gari,l; Cây ba kích tập trung chủ yếu ở xã Lăng.
Được biết, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh. Nghị quyết số 39/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của HĐND tỉnh về quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
“Được sự quan tâm của tỉnh Quảng Nam, cũng như huyện Tây Giang, mô hình trồng cây dược liệu, đã “kích thích” được nền kinh tế của huyện nhà, giúp hàng nghìn hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu. Nếu như trước đây, năm 2003 khi mới thành lập huyện, lúc đó hộ nghèo là 84%, thì đến thời điểm này, hộ nghèo giảm còn dưới 43%. Thời gian tới, huyện Tây Giang sẽ tiếp tục khuyến khích, nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu. Đồng thời kêu gọi các hợp tác xã, các công ty dược liên kết sản xuất, tạo thành chuỗi liên kết, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con …”. – ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, chủng loại cây dược liệu ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam được đánh giá là đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển trở thành trung tâm dược liệu lớn của cả nước. Hiện tại, Quảng Nam có khoảng trên 500 ha diện tích trồng cây dược liệu và đang tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
UBND huyện Tây Giang cũng cho biết, đến nay toàn huyện đã trồng được 20ha cây ba kích. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho người dân tự trồng. Theo đánh giá các ngành chuyên môn, trong tương lai cây ba kích sẽ trở thành thương hiệu của Tây Giang, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương cũng như một số vùng lân cận.
Ngoài cây ba kích, huyện còn ưu tiên phát triển thảo quả và táo mèo được nhập từ các tỉnh miền núi Tây Bắc. Hiện thảo quả mới được trồng thử nghiệm với diện tích 10ha ở hai xã Axan và Ch’ơm, tỷ lệ cây sống đạt rất cao. Nếu phát triển tốt, đây cũng sẽ là loại cây giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo. |
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.