Thảm họa thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng.
Theo Daily Mail, các mẫu đá được tìm thấy bên trong hố sâu, được tạo nên từ vụ va chạm thiên thạch hủy diệt đã xác nhận giả thuyết của các nhà khoa học về những gì xảy ra cách đây 65 triệu năm.
Khoảng 75% sinh vật sống trên Trái đất bị tiêu diệt, khi thiên thạch đâm xuống Trái đất với sức công phá tương đương 10 tỉ quả bom hạt nhân.
Ngày nay, hiện trường vụ va chạm thiên thạch nằm ở khu vực Yucatan, Mexico. Để tìm kiếm bằng chứng, các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Texas đã đào hố sâu 1,6km vào sâu bên trong lòng đất.
“Chúng tôi đã xác định được những gì xảy ra nhờ vào mẫu đất đá khu vực va chạm thiên thạch cách đây 65 triệu năm”, giáo sư Sean Gulick, trưởng nhóm nghiên cứu nói. “Đây là những bằng chứng giúp chúng ta hiểu hơn về giai đoạn thảm họa đã chấm dứt sự tồn tại của khủng long”.
Trái đất từng mất 75% sự sống cách đây 65 triệu năm.
Hố sâu ở Yucatan ngày nay trải dài 185km và sâu 32km, một nửa ngập dưới nước và phần còn lại bị rừng nhiệt đới che phủ. Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã trưng dụng một chiếc tàu, biến nó thành trung tâm điều hành để đưa mũi khoan sâu xuống lớp vỏ Trái đất.
Thiên thạch gây ra thảm họa khủng long tuyệt chủng có kích thước khoảng 15km, lao xuống mặt đất ở tốc độ 70.000 km/giờ.
Giáo sư Gulick nói, những mẫu đất đá mà nhóm nghiên cứu phân tích cho thấy chúng đã phải hứng chịu một cú va chạm cực lớn. Đám cháy lan rộng khắp khu vực, nối tiếp sau đó là sóng thần cao 91m, có ảnh hưởng đến tận khu vực bang Illinois của Mỹ ngày nay.
Lượng lưu huỳnh (sulphur) tỏa ra bầu khí quyển lớn đến mức che phủ ánh sáng Mặt trời. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện dấu vết của lưu huỳnh trong các mẫu đất đá.
Điều này phù hợp với giả thuyết rằng một lượng đất đá lớn đã bốc hơi, tạo ra 325 tấn lưu huỳnh dạng khí.
“Khủng long bị nướng chín bởi thảm họa thiên thạch, sau đó lại bị đóng băng”, giáo sư Gulick nói. “Không phải tất cả khủng long đều tuyệt diệt trong ngày hôm đó, nhưng số lượng là rất lớn”.
“Những con khủng long còn sống sót cũng không có nơi trú ẩn, chết dần chết mòn vì đói, khát”, Gulick nói thêm.
Lượng lưu huỳnh bao phủ bầu khí quyển cũng là tác nhân khiến các sinh vật trên toàn cầu chết hàng loạt.
Giáo sư Gulick nói: “Sát thủ giấu mặt chính là bầu khí quyển chứa đầy lưu huỳnh. Đó là cách duy nhất khiến 75% sinh vật trên Trái đất biến mất”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học PNAS.
Đoạn video mới công bố đã hé lộ phần nào sự hủy diệt tàn khốc trên Trái đất mà khủng long gặp phải sau thảm họa...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.