Bằng ĐH mất giá - Bài cuối: Chuyển hệ thống ĐH sang thực hành

Thứ tư, ngày 07/01/2015 07:52 AM (GMT+7)
Chỉ nên giữ quy mô 5% sinh viên định hướng nghiên cứu.
Bình luận 0

Tìm một lối thoát để cứu vãn tình trạng bằng cấp ĐH ngày càng mất giá hiện nay là nhiệm vụ cấp bách. Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên là mạnh dạn thay đổi chương trình đào tạo của các trường ĐH sang định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Đây cũng là một đòi hỏi khách quan của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay.

Cấp bách hơn bao giờ hết

TS Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, dự báo: “Trong tương lai không xa, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều trường tư phải đóng cửa hay sáp nhập vì không tuyển sinh được. Tình hình đó đòi hỏi tất cả các trường phải chủ động thay đổi, cả trường công lẫn trường tư. Giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một lối thoát”.

Phân tích rõ hơn, TS Ly cho biết: Trong báo cáo nghiên cứu về quy hoạch tổng thể hệ thống giáo dục Việt Nam (theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới - PV), nhóm tư vấn quốc tế thực hiện đề tài đã khuyến nghị: Các trường ĐH định hướng nghiên cứu ở Việt Nam chỉ nên giữ ở quy mô khoảng 5% tổng số sinh viên toàn hệ thống. Điều này có nghĩa đại bộ phận hệ thống giáo dục ĐH sẽ là những trường ứng dụng, thực hành. Việc phát triển giáo dục ĐH theo hướng ứng dụng, thực hành trở thành nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam.

Ông Siep Littooij, đồng Giám đốc dự án Giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng ở Việt Nam, cho biết: “Chúng ta đổ lỗi cho sinh viên thiếu kỹ năng. Trong khi đó các nhà tuyển dụng không hài lòng với chất lượng đào tạo. Còn các trường ĐH cho rằng họ đào tạo sinh viên theo hướng áp dụng kiến thức vào thực tiễn công việc. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng giữa thực tế trường ĐH và thế giới nghề nghiệp vẫn còn khoảng cách lớn”. ông S. Littooij khuyến nghị các trường cần quan tâm nhiều hơn đến chương trình hướng nghiệp ứng dụng.

img 
Gắn kết giữa trường ĐH với yêu cầu kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần là một trong những giải pháp giúp SV ra trường ít thất nghiệp. Trong ảnh: Nghiên cứu, chế tạo cơ khí tại khoa Vật lý chất rắn trường ĐH KHTN TP.HCM. Ảnh: HTD

 

Cần có chính sách từ Bộ GD&ĐT

Thật ra đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành đã và đang được một số trường áp dụng trong thời gian qua. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết mấy năm gần đây chương trình đào tạo của nhà trường đã thay đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

“Khung chương trình đào tạo bây giờ đã lạc hậu so với thực tế. Trong khi các nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật thì đòi hỏi thay đổi, cập nhật liên tục chương trình” - TS Dũng nói. Để theo kịp thực tế, trong các chương trình đào tạo của trường này đều có sự tham gia của các cựu sinh viên đã đi làm ở các doanh nghiệp. Qua họ, sinh viên vừa nắm bắt công nghệ mới vừa tiếp cận môi trường làm việc hiện đại của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ mang tính tự phát ở một số trường. Để chương trình giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng được nhân rộng, triển khai đến toàn hệ thống ĐH, các chuyên gia kiến nghị Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành các chính sách làm cơ sở pháp lý cho các trường triển khai.

Trả lời vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, cho biết Luật Giáo dục ĐH hiện nay là khung pháp lý cho sự phát triển hệ thống giáo dục ĐH với chủ trương phân tầng mạnh mẽ giáo dục ĐH. Trong đó sẽ hình thành các cơ sở giáo dục ĐH định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. Hiện Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện dự thảo nghị định phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH và sẽ trình Chính phủ ban hành. Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng sẽ chiếm số lượng đáng kể trong toàn hệ thống.

Thay vì thả, hãy siết đầu ra

Giáo dục ĐH Việt Nam “siết đầu vào, thả đầu ra”, trong khi ở hầu hết các nước là “mở đầu vào, siết đầu ra”. Hậu quả là sinh viên Việt Nam ra trường với chất lượng rất thấp. Đó là khuyết tật của giáo dục ĐH Việt Nam đã được các chuyên gia chỉ ra tại hội thảo Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam được tổ chức mới đây. Để xóa bỏ khuyết tật này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD&ĐT, kiến nghị Nhà nước phải quyết liệt chuyển từ mô hình cấp phát kinh phí cho các cơ sở giáo dục ĐH theo các yếu tố đầu vào sang theo kết quả đầu ra, có vậy mới buộc các trường “nhảy nhổm” xem lại công tác đào tạo của mình.

Phải có trách nhiệm với sinh viên

Cũng tại hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, hối thúc cần khắc phục ngay sự yếu kém trong việc phối hợp giữa công tác dự báo nhu cầu nhân lực với kế hoạch đào tạo. “Đây là giải pháp đột phá vì không thực hiện được giải pháp này thì việc đào tạo của các trường sẽ tiếp tục mất cân đối, không thể khắc phục được” - GS Đường bức xúc.

Cũng theo GS Đường, cần phải tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Vấn đề không mới nhưng đến nay vẫn làm chưa tốt. Theo đó, cần tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và khả năng đào tạo của nhà trường; phối hợp xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo. Đồng thời, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. “Các trường phải có trách nhiệm về việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp” - GS Đường nhấn mạnh - có vậy người tốt nghiệp mới không rơi vào tình trạng thất nghiệp nhiều như hiện nay.

Giải quyết năm điểm yếu

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD&ĐT, kiến nghị cần giải quyết năm điểm yếu của hệ thống giáo dục ĐH hiện nay, có vậy người tốt nghiệp ĐH mới không còn sợ nguy cơ thất nghiệp.

Một là thiếu gắn kết giữa cơ sở giáo dục ĐH với yêu cầu kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần, đặc biệt là kiến thức thực hành và thái độ làm việc của người lao động. Đây là nhược điểm lớn của hầu hết sinh viên hiện nay, bị nhà tuyển dụng phàn nàn rất nhiều.

Hai là mối liên hệ lỏng lẻo giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp. Hiện mới chỉ có không tới 3% doanh nghiệp tuyên bố có hợp tác với cơ sở giáo dục ĐH. Hàn gắn mối quan hệ trường-doanh nghiệp là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Ba là thiếu gắn kết giữa cơ sở giáo dục ĐH với viện nghiên cứu khoa học.

Bốn là thiếu gắn kết giữa các cơ sở giáo dục với nhau. Các trường rất ít cộng tác với nhau trong chia sẻ thông tin và đào tạo. Đặc biệt nghiêm trọng là giữa cơ sở giáo dục ĐH với cơ sở đào tạo nghề, vô tình tạo rào cản trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo.

Năm là thiếu gắn kết giữa cơ sở giáo dục ĐH với trường phổ thông. Các trường phổ thông vẫn nặng về truyền thụ kiến thức cũng như không có sự chuẩn bị cần thiết cho học sinh về tâm thế, nhận thức, định hướng và kỹ năng để theo học ĐH.

Có thể coi đây là năm nhiệm vụ để giải bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần níu lại giá trị bằng ĐH đang rớt giá.

__________________________________________

Vấn đề xã hội đang đặt ra là có quá nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Phải chăng chất lượng kém nhưng số lượng nhiều quá không? Nếu so sánh số người trong độ tuổi đi học ĐH của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn thấp và thấp so với ngay chính với kế hoạch của chúng ta. Vậy thì về số lượng, chúng ta không nên cho rằng đã thừa. Chúng ta đào tạo ra nhiều, nếu chất lượng tốt thì đấy là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mở rộng sản xuất.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

(Theo Huy Hà - Phong Điền/Pháp luật TP.HCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem