Phụ huynh sốc nặng vì bảng điểm toàn 10 vẫn trượt vào lớp 6 Trường Hà Nội - Amsterdam

Tào Nga Thứ sáu, ngày 02/06/2023 11:14 AM (GMT+7)
Bảng điểm toàn 10 nhưng một số phụ huynh sốc vì khi nộp hồ sơ để dự sơ tuyển cho con vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thì không được chấp nhận vì có môn phụ ở mức Hoàn thành.
Bình luận 0

Hồ sơ toàn điểm 10 vẫn bị loại

Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị N.T.M.Q, có con sinh năm 2012 nộp hồ sơ dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2023-2024 cho biết, ngày 29/5 vừa qua, khi chị đến nộp hồ sơ để dự sơ tuyển cho con thì không được chấp nhận. Chị Q. cảm thấy sốc nặng vì bao nhiêu mơ ước, kế hoạch của gia đình mấy năm qua bỗng dưng sụp đổ.

Chị Q. chia sẻ, hồ sơ của con chị bị "gạt luôn" vì kết quả học tập lớp 1 môn Mỹ thuật chỉ đạt mức "Hoàn thành". Lớp 2, 3, 4, 5, cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Lớp 1 cháu đạt danh hiệu "Hoàn thành tốt các nội dung học tập". Hồ sơ của con chị M.Q suýt đạt đến sự hoàn hảo nếu như không có một môn phụ xếp mức "Hoàn thành". 

Phụ huynh sốc nặng vì hồ sơ toàn 10 vẫn trượt hồ sơ vào lớp 6 Trường Hà Nội - Amterdam - Ảnh 1.

Trượt vòng loại hồ sơ vì môn Mỹ thuật chỉ ở mức hoàn thành. Ảnh: PHCC

"Sau khi đọc công văn số 127/THPT HNA ngày 24/04/2023 về việc đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm học 2023-2024 và các thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT Quy định Khen thưởng cuối năm đối với học sinh tiểu học. Chúng tôi nhận thấy việc quy định điều kiện sơ tuyển: Học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 của học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" không có trong 02 thông tư được đề cập trong công văn 127/THPT HNA.

Các con từ bậc Mầm non chuyển lên Tiểu học vẫn có chút bỡ ngỡ nên yêu cầu xét sơ tuyển học bạ từ lớp 1 gia đình thấy không hợp lý. Khi lên lớp 2 nhận thức về việc học của các con đã có, suốt 4 năm tiếp theo của bậc tiểu học là cả quá trình cố gắng phấn đấu của các con, cũng như sự theo sát của gia đình để định hướng giúp các con toàn diện. Kính mong Ban giám hiệu xem xét hướng dẫn để chúng tôi có thể nộp hồ sơ dự tuyển đúng hạn", chị Q. bày tỏ.

Phụ huynh khác là N.T.M.H cũng chung tình trạng. Tổng 17 đầu kiểm tra định kì cuối năm ở bậc tiểu học gồm Toán, Tiếng Việt lớp 1, 2; Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh lớp 3; Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Tiếng Anh lớp 4, 5) của con chị H. đạt 168 điểm. Tuy nhiên, năm học lớp 1 cháu có môn Âm nhạc xếp mức "Hoàn thành". Nhìn hồ sơ toàn điểm 10 của con nhưng vẫn bị loại khiến chị H. vô cùng đau lòng.

Năm 2023, điều kiện dự tuyển vào lớp 6 của trường như sau: Ngoài tổng 17 đầu điểm bắt buộc phải đạt tối thiểu 167 điểm, công văn đề xuất phương án tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam năm học 2023 - 2024 ghi rõ "Học bạ tiểu học của học sinh được đánh giá thực hiện theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 của Bộ Giáo dục và đào tạo, cụ thể: Học bạ cuối năm lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của học sinh được đánh giá "Hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện" trở lên".

Đã đến lúc thay đổi cách đánh giá

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: "Chúng ta đang ở trong mâu thuẫn: Một bên là bội thực học sinh giỏi, bội thực điểm 10 và một bên là điểm 10, thành tích không còn là một tiêu chí để phân loại có độ tin cậy, hiệu lực nữa.

Cha mẹ và học sinh rơi vào một mâu thuẫn là ép nhau học cho cố, phải đạt thành tích cao... chịu bao nhiêu áp lực, tổn thương sức khỏe tâm thần. Thế nhưng những thành tích cao này cũng chẳng hữu dụng, chẳng để làm gì, thậm chí cũng không có giá trị thực tế vì nó cũng không dùng được để xét hồ sơ vào cấp 2. Cứ như thế này, xã hội ngày càng hoang mang về chất lượng kiểm tra đánh giá cũng như chất lượng nói chung.

Đành rằng chúng ta đang đấu tranh chống chủ nghĩa thành tích, nhưng nếu đánh giá không có độ tin cậy như thế này thì vô hình chung cách làm còn đẩy chủ nghĩa thành tích và áp lực điểm số lên cao hơn. Vì không còn ai hài lòng với điểm 9 của con hay nhận xét hoàn thành trong sổ học bạ của con... nên nạn nhân sẽ là những đứa trẻ".

Theo PGS Nam, giải pháp cốt lõi bây giờ là phải đổi mới kiểm tra đánh giá một cách thực chất. Barem điểm đánh giá phải rõ ràng, đánh giá đến từ nhiều nguồn chứ không chỉ từ giáo viên. Nếu không thì môi giáo viên khác nhau, điểm 10 điểm 9 cũng có giá trị khác nhau sẽ dẫn đến hiện tượng mua điểm. 

Điểm số là cái thước. Cái thước mà nó co dãn theo mức độ trách nhiệm hay lương tâm của giáo viên thì cả hệ thống giáo dục, cả xã hội sẽ ảnh hưởng uy tín và những đứa trẻ sẽ tiếp tục là nạn nhân của chủ nghĩa thành tích. 

PGS Nam khuyến nghị nên đánh giá thế nào, không chỉ đánh giá nhận thức mà quan trọng hơn phải là đánh giá cả thái độ và kỹ năng năng lực: "Kết hợp đánh giá thông qua các nhiệm vụ học tập (bài kiểm tra dưới dạng trắc nghiệm, vấn đáp hoặc tự luận, bài tập thực hành, bài tiểu luận, bài thuyết trình, bài tập nghiên cứu, dự án nghiên cứu,...) với đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi của học sinh trong quá trình tham gia các hoạt động học tập được tổ chức trên lớp học, hoạt động nhóm, tập thể hay cộng đồng và trong sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. 

Chú trọng sử dụng các bài tập xử lý tình huống được xây dựng trên cơ sở gắn kiến thức của bài học với thực tiễn đời sống, đặc biệt là những tình huống, sự việc, vấn đề, hiện tượng của thực tế cuộc sống xung quanh, gần gũi với học sinh. Tăng cường các câu hỏi mở gắn với thực tiễn trong các bài tập kiểm tra, đánh giá để học sinh được thể hiện phẩm chất và năng lực. Việc đánh giá thông qua quan sát biểu hiện về thái độ, hành vi ứng xử của học sinh trong quá trình tham gia vào các hoạt động học tập, sinh hoạt ở trường, ở nhà và ở cộng đồng cần dựa trên phiếu nhận xét của giáo viên, học sinh, gia đình hoặc các tổ chức xã hội. 

Kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của phụ huynh học sinh và đánh giá của cộng đồng, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh. Kết quả đánh giá sau mỗi học kỳ và cả năm học đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem