Sài Gòn: Loại bánh cầu tài cầu lộc này thu hút các bà các mẹ mua trong ngày Tết

Thứ sáu, ngày 20/01/2023 15:22 PM (GMT+7)
Bánh lựu đỏ tượng trưng cho may mắn trong dịp Tết, là thứ bánh gửi gắm ước mong nhân duyên và con cái.
Bình luận 0

Những ngày giáp Tết, các quầy hàng bánh lựu đỏ lớn nhỏ "mọc" đầy khu vực Chợ Lớn ở quận 5 - Tp. HCM. Nhiều năm trôi qua, món bánh lựu đỏ được người dân ưa chuộng mua về dâng cúng trong mâm lễ. Từ ngày 23 tháng Chạp, các quầy hàng tấp nập người vào ra. Còn các mẹ các bà lại tranh thủ chọn những chiếc bánh quả lựu đẹp mã nhất mang về bày lễ.

Sài Gòn: Loại bánh cầu tài cầu lộc này thu hút các bà các mẹ mua trong ngày Tết - Ảnh 1.

Ảnh: Bảo Trân

Sài Gòn: Bánh lựu đỏ - món bánh cầu tài lộc trong ngày Tết

Bánh lựu đỏ dựa trên hình dáng quả lựu thật, có màu đỏ đẹp bắt mắt được người dân mua nhiều về bày lễ trong dịp ông Công ông Táo và giao thừa.

Trong quan niệm của người Hoa, bánh lựu đỏ là món bánh cầu tài lộc không thể thiếu được trong ngày Tết. Lâu dần ở đất Sài Thành, món bánh lựu đỏ cũng dần được nhiều người đón nhận với ý nghĩa tốt đẹp của nó.

Trong phong thuỷ học, quả lựu tượng trưng cho sự sung túc, tài lộc. Cho nên trồng cây lựu trong nhà để mong tài lộc suôn sẻ. Chính vì vậy, vào ngày lễ, người ta làm bánh lựu đỏ để dâng cúng, trước là tỏ tấm lòng thành với Gia tiên sau là cầu được tài lộc hanh thông, luôn "đỏ" cả năm.

Để có những chiếc bánh lựu đỏ đẹp đẽ bày bán cho khách, phải đến hàng chục công đoạn từ việc nấu đường, trộn cốm, tạo khuôn, làm vỏ, lên màu,… Tết đến, những món bánh ngon và đẹp được dâng cúng chủ yếu làm từ gạo hoặc bột gạo. Bánh lựu đỏ cũng vậy. Bột gạo là nguyên liệu chủ đạo làm nên loại bánh này. Ngoài ra, nhiều nhà còn sử dụng thêm bột mì cùng mạch nha để tạo hương vị cho bánh.

Phần nhân khá cầu toàn khi được kết hợp từ lạc rang tách vỏ, hạt sen, cốm và mạch nha. Phần nhân được khéo léo đặt trong khuôn bột mỏng, nắn ôm gọn hình bánh bầu dục sau đó nặn cho tròn đều. Phần đế hoa dùng kéo cắt thật tinh tế và cân đối bởi đây là bước quan trọng giúp bánh không bị lật khi "tắm dầu".

Sau khi tạo hình, bánh được lăn qua vừng trắng sao cho vừng dính đều. Phần đế quả được phết màu đỏ rực lên. Màu được lấy từ gấc, thêm phẩm màu tự nhiên vào. Vậy là bánh hoàn thành sơ rồi. Kiểm tra lại chiếc bánh tròn trịa rồi thả vào nồi dầu sôi.

Bánh lựu đỏ có cách chiên khá lạ và thú vị, thông thường ai cũng nghĩ phần quả tròn lâu chín người ta sẽ cho xuống trước. Nhưng với bánh lựu đỏ, người làm bánh sẽ chiên phần cánh trước, khi nào chín mới trở ngược lên.

Sài Gòn: Loại bánh cầu tài cầu lộc này thu hút các bà các mẹ mua trong ngày Tết - Ảnh 2.

Ảnh: Bảo Trân

Bánh lựu đỏ khi chín nhìn đầy đặn, hấp dẫn, màu đỏ của đế quả nở rộ nhìn rất nịnh mắt. Nhân bên trong hòa quyện với nhau vừa ngọt lại ngậy. Những chiếc bánh lựu đỏ như ánh lên sinh khí của một năm mới sung túc và đủ đầy, nên đó là lễ vật không thể thiếu được của người Hoa trong những ngày lễ Tết.

Bánh lựu đỏ - tô thắm nhân duyên và ước mong thuận đường con cái

Ngoài cầu tài lộc thì quả lựu đỏ trong quan niệm phong thủy được nhiều người lựa chọn vì chúng còn đại diện cho tình duyên và con cái đề huề. Bên trong quả lựu có rất nhiều hạt mọng nước, đỏ đẹp nên người xưa coi đây là loại quả đại diện cho sự sinh sôi, con đàn cháu đống.

Bởi vậy, bánh lựu đỏ cũng được nhiều người mua về, dâng lên bàn thờ hoặc đi lễ chùa để cầu duyên, cầu con.

Ngoài những món bánh truyền thống bày lễ và thưởng thức trong dịp Tết như bánh tổ, bánh gạo nếp,... thì bánh lựu đỏ cũng là một thứ bánh tượng trưng cho tài lộc và sự sung túc, thịnh vượng. Món bánh ấy góp phần thêm đậm đà ẩm thực cổ truyền ngày Tết.


Kỳ Vân Dương (báo Tổ quốc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem