Bão càn quét nhiều tỉnh Bắc Bộ

Thứ hai, ngày 29/10/2012 05:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hồi 19 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão sát bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Bình luận 0

Gió bão giật cấp 13

Bản tin 21 giờ 30 tối 28.10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn như Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 9, giật cấp 11; Bạch Long Vĩ và Hòn Dấu gió giật cấp 11.

Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to với tổng lượng mưa từ 50 - 100mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Văn Lý (Nam Định) 162mm; đảo Bạch Long Vĩ 135mm…

img
Người dân huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) sơ tán đến nơi an toàn chiều 28.10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 7 giờ ngày 29.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 29.10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39- 49km/giờ), giật cấp 7.

Ninh Bình: Nhà tốc mái, cây cối đổ ngã

Lúc 17 giờ ngày 28.10, tại huyện ven biển Kim Sơn - nơi được coi là tâm bão của tỉnh Ninh Bình, có gió mạnh cấp 8, cấp 9. Thời điểm này, hệ thống điện chiếu sáng của cả huyện đều bị cắt, không hề có một bóng người ở ngoài đường, chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy vài chiếc xe ô tô của Ban Chỉ huy PCLB, bộ đội di chuyển đến các vùng trọng điểm. Đến 18 giờ, gió càng lúc càng mạnh, cộng thêm mưa lớn khiến cho ngôi nhà là trụ sở của Bộ đội Biên phòng chúng tôi trú ẩn rung rinh.

Hàng chục chuyến bay bị hủy

Trong hai ngày 27, 28.10, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hủy 68 chuyến bay đến/đi từ 4 sân bay miền Trung gồm Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Vinh do ảnh hưởng của cơn bão số 8. Cụ thể, trong ngày 27.10, Vietnam Airlines hủy 51 chuyến bay. Ngày 28.10, hãng thông báo hủy 17 chuyến bay. Theo đại diện Vietnam Airlines, toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng (trên 7.000 khách) được Vietnam Airlines bố trí đi trên các chuyến bay thường lệ và bay bù trong thời gian sớm nhất. Chiều tối qua 28.10, thông tin từ Ga Hà Nội cho biết, tất cả các chuyến tàu vẫn hoạt động bình thường.

Qua màn đêm được soi sáng bởi những tia chớp, chúng tôi dễ dàng nhận thấy nhiều ngôi nhà lợp tôn, proximăng... bị gió thổi tốc mái. Có những tấm tôn bị gió thổi xa hàng trăm mét. Nhiều cây bóng mát, cây ăn trái ngả nghiêng, oằn mình trong gió.

Anh Trần Manh Khang ở xã Kim Hải đang trú bão tại đây thở dài: Không những cây ăn trái, các diện tích lúa của Kim Hải chưa kịp thu hoạch sẽ mất trắng. Mưa, gió như thế thì cây nào chịu nổi... Đáng lo hơn cả là hàng trăm ha thuỷ sản ở 2 xã Bình Minh 1, Bình Minh 2 còn chưa kịp thu hoạch nhưng nước đang lên không chừng mất trắng.

Có mặt tại tâm bão Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư cũng liên tục điện đàm, chỉ đạo các đơn vị phòng chống.

Bộ trưởng Phát đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của Ninh Bình, đặc biệt là huyện Kim Sơn rà soát kỹ việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tập trung tới đối tượng người già, trẻ em. Bộ trưởng cũng đề nghị phải phòng tình huống xấu nhất gió bão giật mạnh trên cấp 12 gây tốc mái nhiều nhà.

Thanh Hóa: Bão vào gần, nhưng… dân không vội

Lúc 19 giờ 45, trực tiếp chống bão ở huyện ven biển Giao Thủy, ông Lê Xuân Thủy - Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho biết: “Bão số 8 mạnh nhất từ 2005 tới nay”. Dù tâm bão chưa cập bờ, song trong đê biển các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã có gió mạnh tới cấp 11, ngoài đê cấp 12. Nhiều huyện sâu trong nội địa có gió mạnh tới cấp 10, mưa lớn. Tại tuyến đê biển huyện Nghĩa Hưng, gió mạnh cấp 11, nhiều cây cối ven đê gãy đổ do gió bão, sóng cao.

Lúc 6 giờ sáng 28.10, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh khẩn cấp di dời 53.000 dân (khoảng hơn 12.000 hộ dân) đang sinh sống cách mép nước 200m vào sâu trong đất liền, ở các huyện vùng ven biển như: Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Sầm Sơn. Tại xã Ngư Lộc (là địa phương có số dân đông nhất tỉnh), công tác triển khai, ứng phó cơn bão được chính quyền địa phương huy động toàn bộ nhân lực tại chỗ để di dời dân tránh bão.

Bà Phạm Thị Hà- Phó bí thư Đảng ủy xã Ngư Lộc cho biết: Tính đến 10 giờ 30 phút sáng 28.10, Ngư Lộc đã di dời 870 hộ dân với 2.570 nhân khẩu ở những thôn sát mép biển vào các trường học và Trạm y tế xã để tránh bão. Ngoài xã Ngư Lộc, trong ngày 28.10, huyện Hậu Lộc đã tổ chức di dời khẩn cấp hơn 11.000 người dân, chủ yếu là người già, phụ nữ mang thai, những người ốm đau, trẻ em.

9 giờ sáng ngày 28.10, việc di dời hơn 12.000 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở huyện Nga Sơn đã cơ bản hoàn thành. Một cán bộ văn phòng UBND huyện nói: “Bây giờ người dân đã ý thức hơn, việc vận động di dời dân không khó…”.Ấy là chuyện buổi sáng. Trưa 28.10, trong chuyến khảo sát tuyến biển, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh phát hiện những chiếc xe máy để không trên đê. Ông đặt câu hỏi “Tôi thấy xe máy mà không thấy người… Vấn đề bây giờ là không để dân quay lại vùng nguy hiểm”.

14 giờ, khi gió bắt đầu nổi mạnh, nhóm phóng viên chúng tôi đi dọc tuyến đê của huyện Nga Sơn. Đên xã Nga Bạch, chúng tôi gặp một nhóm 6 phụ nữ đang vui vẻ về nhà. Hỏi cụ Hoàng Thị Mão (80 tuổi) có sợ bão không, cụ lắc đầu “không”; hỏi cụ sao không ở nơi sơ tán, cụ bảo “về nhà một lát sẽ quay lại”. Tạt vào nhà chị Nguyễn Thi Oanh ở xóm 3, xã Nga Bạch, chị đang cùng 3 con gái xem tivi về… diễn biến bão số và “lát nữa sẽ quay lại chỗ sơ tán”. Ngoài đê vẫn có nhiều xe máy không người, tạt xuống các khu trại thì cứ 3 nhà có 1 nhà vẫn “lát nữa sẽ về khu sơ tán”.

Bão thay đổi “không thể dự đoán”

Trước diễn biến hết sức phức tạp của bão số 8, ngày 28.10, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư có cuộc họp khẩn cấp. Tại cuộc họp, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, đường đi và tốc độ của bão thay đổi lớn so với dự báo trước đó. Vị trí đổ bộ của bão ban đầu được dự báo ở Hà Tĩnh nhưng thực tế dịch chuyển dài lên phía bắc; cấp độ bão đổ bộ có lúc được dự báo lúc đổ bộ khoảng cấp 9-10 nhưng cho đến chiều tối qua ở cấp 13.

Theo ông Tăng, đường đi và tốc độ của bão thay đổi “không thể dự báo được”. Ông Tăng đánh giá sự nguy hiểm ở cơn bão chính là đường đi “rà rà”dọc bờ biển, gây thiệt hại cho khu vực ven biển. Về công tác phòng chống, theo Văn phòng Ban Chỉ đạo, toàn quốc đã kêu gọi, sắp xếp neo đậu cho 56.367 tàu/248.454 người. Trong đất liền, công tác di dân được triển khai trên diện rộng. Hải Phòng lên kế hoạch di dời 6.178 hộ tại Cát Hải và Đồ Sơn; Thái Bình di dời 19.217 hộ tại Tiền Hải và Thái Thụy; Nam Định sơ tán được 19.000 người; Ninh Bình hoàn tất di dời 310 người đang ở chòi canh thủy sản...

Hải Phòng: Giải cứu 29 người gặp nạn

Hồi 10 giờ 20 ngày 28.10, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng nhận được tin báo một thuyền nan gắn máy có 4 lao động trên đường vào bờ tránh bão bị hỏng máy, trôi dạt tại khu vực tại Nam Hải, xã Đoạn Xá, huyện Kiến Thụy. Bộ chỉ huy đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Đoạn Xá điều động 1 xuồng máy, trưng dụng 1 tàu dân cùng 4 cán bộ chiến sĩ tiến hành tìm kiếm cứu nạn. Đến 12 giờ, lực lượng này đã tiếp cận được phương tiện bị trôi dạt, đưa 4 lao động sang xuồng của mình và lai dắt phương tiện về bến Quán Chánh, huyện Kiến Thụy an toàn.

Đến 13 giờ cùng ngày, tại khu vực cửa Đông, Bến Bèo, thị trấn Cát Bà có 5 bè nuôi trồng thủy sản có 25 người (trong đó có 10 cháu bé) do sóng và gió to nên bị trôi ra phía ngoài cửa vịnh Bến Bèo. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Cát Bà điều động 1 tàu, 1 xuồng và 8 cán bộ chiến sĩ ra khu vực trên để cứu hộ cứu nạn. Đến 14 giờ 50 phút, lực lượng đã đưa được 5 bè vào khu neo đậu an toàn, đưa 15 người về trụ sở UBND thị trấn Cát Bà tránh bão.

48.000 chiến sĩ chống bão

Chiều 28.10, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu cho biết, đến 15 giờ ngày 28.10, các đơn vị toàn quân đã huy động hơn 48.095 cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống bão. Cùng với lực lượng quân đội còn có 11.435 chiến sĩ dân quân tự vệ và 164 cán bộ, nhân viên Trung tâm Phát tín hiệu tìm kiếm cứu nạn hàng hải tham gia. Quân đội đã có 12 máy bay sẵn sàng cất cánh tham gia cứu hộ ở các vùng bão đổ bộ, các lực lượng cứu hộ trên biển cũng đã tổ chức cho hơn 800 tàu sẵn sàng lên đường cứu ngư dân khi có tín hiệu cấp cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem