Báo chí đang phụ thuộc và bị mạng xã hội "vượt mặt" thế nào?

Thành An Thứ sáu, ngày 28/12/2018 16:26 PM (GMT+7)
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át; bị phụ thuộc và mạng xã hội dẫn dắt, cũng như có thể sẽ bị phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội để tăng lượng truy cập, tạo nguồn thu.
Bình luận 0

Chiều 28.12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Còn nhiều khuyết điểm, hạn chế

Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, ông Lê Mạnh Hùng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, nhiệm vụ của hội nghị lần này là đánh giá đúng ưu điểm, thành tích của báo chí trong năm qua; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2019 và các năm tiếp theo.

Hiện cả nước có 844 cơ quan báo chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 67 đài phát thanh - truyền hình. Tính đến tháng 11.2018, cả nước có khoảng 19.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo; gần 24.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

img

Ông Lê Mạnh Hùng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Trong năm qua, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; thông tin, tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện rõ nét là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân; là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với xã hội. 

Báo chí đã tích cực thông tin tuyên truyền toàn diện các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; có nhiều tin, bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội; nêu bật, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng... nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hùng đánh giá hoạt động báo chí vẫn còn những khuyết điểm, hạn chế, như thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây những tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, của người dân; bị một số báo nước ngoài, một số trang mạng xã hội thiếu thiện chí lợi dụng để xuyên tạc, kích động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thông tin thiên về khai thác mặt trái xã hội; thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu nhân văn và phản giáo dục, giật tít mang tính "giật gân", "câu khách",... vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng vi phạm đạo đức nghề báo vẫn xảy ra. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích chưa được khắc phục. Tình hình khiếu nại về nội dung thông tin trên báo chí có chiều hướng gia tăng,...

Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt"

Nhìn nhận về xu hướng và thách thức trong hoạt động báo chí hiện nay, ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, xu thế hội tụ công nghệ như hiện nay, xu hướng một cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí là tất yếu. Việc sáp nhập các cơ quan báo, đài thành mô hình một cơ quan báo chí trực thuộc tỉnh; tinh giản, thu gọn các cơ quan báo chí, các cơ quan có tính chất báo chí về "một mối" đang được một số địa phương triển khai.   

img

Quang cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc Tổng kế công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Về thách thức, báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt", mất vị trí độc quyền cũng như qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả cũng như sử dụng tài khoản của các thành viên để đăng tải các thông tin, bài viết vi phạm các quy định về cung cấp thông tin trên mạng.

Thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý. Cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến bị dẫn dắt, lôi kéo theo các thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.

Rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập, quảng bá hình ảnh, thương hiệu chất lượng thông tin đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, khi những mạng xã hội lớn dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.

                                                                                                       

46 lượt cơ quan báo chí bị xử phạt

Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, về công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý trong hoạt động báo chí, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong năm 2018, những sai phạm trong hoạt động báo chí tiếp tục được xử lý quyết liệt bằng nhiều biện pháp; tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, "báo hoá" các tạp chí điện tử.

Nhiều cơ quan báo, tạp chí vi phạm đã bị đình bản có thời hạn, một số nhà báo vi phạm đã bị thu hồi thẻ nhà báo. "Việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm đã góp phần duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động báo chí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước". 

Năm 2018, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra đã tiến hành thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành quy định về báo chí đối với 11 cơ quan báo chí; tiến hành xử lý vi phạm hành chính 46 lượt cơ quan báo chí với số tiền trên 630 triệu đồng. Tính đến hết tháng 11.2018, qua đường dây nóng đã tiếp nhận 251 đơn thư khiếu nại, tố cáo cá nhân, tổ chức.


                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem