Về lý mà nói, Phù Sinh chưa phải là hoàng đế trị vì trên một đất nước Trung Hoa thống nhất trọn vẹn. Ông chỉ là một trong số rất nhiều vị vua cầm quyền trong suốt thời đại “Ngũ Hồ thập lục quốc”, một thời đại loạn lạc và chia cắt kéo dài giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 5 kể từ khi nhà Tấn suy yếu rồi buộc phải thiên đô về phía nam sông Trường Giang (tức Đông Tấn).
Sử liệu ghi chép về thời kỳ lịch sử này tới nay còn lại rất ít ỏi. Chúng ta chỉ có thể biết về thời “Ngũ Hồ thập lục quốc” nhờ một cuốn sử không còn nguyên vẹn mang tên “Thập lục quốc Xuân Thu”, được sử quan Thôi Hồng viết ra vào đầu thế kỷ thứ 6. Những bộ sử sau này như “Ngụy thư” hay “Tấn thư”, được soạn lần lượt vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 7, đều lấy “Thập lục quốc Xuân Thu” là nguồn tham cứu chính. Vì thế, “Ngụy thư” và “Tấn thư”, có thể bổ túc cho khoảng tư liệu đã bị thất lạc trong “Thập lục quốc Xuân Thu”. Tuy thế, khi đọc những bộ sử này, cần phải đánh giá khách quan, cẩn thận quan điểm của các sử quan đã soạn ra chúng.
Bản đồ hai nước Tiên Tần (màu xanh) và Đông Tấn (màu vàng) vào năm 376. Ảnh: Wikipedia.
Phù Sinh là hoàng đế thứ 2 của triều Tiền Tần được chính người cha Phù Kiện của ông sáng lập. Thoạt đầu, Phù Sinh không phải là đích tử được vua cha truyền ngôi bởi trước ông ta còn có hai người anh. Có thuyết nói rằng, sở dĩ Phù Sinh được ngôi báu là bởi trong một lần vi hành thám thính tình hình dân gian, Phù Kiện tình cờ nghe được một câu đồng dao có tính sấm truyền của lũ trẻ. Một thuyết khác lại nói, Phù Kiện đã đọc được một lời nguyền trong khi chọn lựa thái tử thừa kế ngai vàng sau cái chết của người con cả Phù Trường.
Trong cả câu đồng dao và lời sấm nguyền kia, đều xuất hiện một cụm từ: “Ba dê sẽ có năm mắt” (nghĩa là sẽ có một con bị chột). Phù Kiện tin rằng đó là ý trời ban xuống. Ông có 3 người con, chỉ có Phù Sinh là hỏng một mắt. Điềm báo chính là ứng với Phù Sinh. Bởi thế, Phù Kiện quyết định truyền ngôi cho Phù Sinh.
Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa (260 – 210 TCN). Ảnh: Wikipedia.
Cũng bởi mất một mắt, ngày nay, Phù Sinh thường được biết đến nhiều hơn với cái tên “Bạo chúa chột mắt”. Theo như một ghi chép, Phù Sinh mất con mắt này vì bị một con đại bàng tấn công trong khi đang cố ăn trộm trứng của nó. Sự khiếm khuyết này khiến Phù Sinh mang nhiều mặc cảm và luôn nghĩ rằng có kẻ nào đó đang chế nhạo sự tật nguyền của mình. Ông sẵn sàng xử tử bất kỳ ai nói đến những từ có nghĩa không toàn vẹn như: “mất”, “thiếu” hay “ít hơn”, “không có”… Phù Sinh còn hạ lệnh cấm chỉ dùng những chữ như: “bất túc”, “thiểu”, “vô”, “khuyết”, “thương”, “tàn”, “hủy… vốn mang nghĩa khiếm khuyết, không lành lặn.
Sự tàn bạo của Phù Sinh thể hiện trong suốt thời gian trị vì của mình. Rất nhiều đại thần, bá quan văn võ đã bị tra tấn, hành hình dã man chỉ vì ý thích của bạo chúa này. Đơn cử, trong những ngày đầu Phù Sinh trị vì, quan thái sử xem thiên văn đã cảnh báo ông về điềm báo của một đại tang và cái chết của những đại thần sẽ xảy đến trong vòng 3 năm. Muốn tránh đại họa này, Phù Sinh phải bỏ đi những hình pháp tàn nhẫn của mình.
Chân dung Hốt Tất Liệt, cháu nội Thành Cát Tư Hãn. Ông nổi tiếng là một bậc đế vương có tài trị quốc, trái ngược hẳn với Phù Sinh. Ảnh: Wikipedia.
Thay vì sửa mình, Phù Sinh đã cho lời tiên tri ứng nghiệm bằng cách xử tử vợ mình, Lương hoàng hậu, cùng với những cố mệnh đại thần từng được vua cha Phù Kiện gửi gắm việc nước trước đây như: quốc cữu Lương An (cha của Lương hoàng hậu, cũng là cha vợ của Phù Sinh), Mao Quý (một người chú họ của Lương hoàng hậu).
Mặc dù là một kẻ khát máu đáng sợ nhưng Phù Sinh cũng là người có biệt tài. Tương truyền, ông có một sức khỏe phi thường. Bản tính bạo tàn cũng khiến Phù Sinh trở thành một chiến binh dữ tợn trên chiến trường. Người ta còn nói, Phù Sinh thậm chí còn đủ sức dùng tay không đấu với mãnh thú. “Hữu dũng, vô mưu”, sức khỏe của Phù Sinh không thể bù đắp được việc ông vua này thiếu hụt đi những kỹ năng cai trị của một quân vương sáng suốt.
Phù Sinh trị vì vỏn vẹn trong 2 năm. Năm 357, ông bị những người em họ Phù Kiên, Phù Pháp và Phù Dung lật đổ. Khi ấy, biết rằng Phù Sinh lập mưu định hãm hại mình và anh em, Phù Kiên dẫn đầu bộ tướng bất ngờ tấn công vào cung kiện. Binh sĩ canh gác cung điện sẵn mối uất ức trong lòng từ lâu với Phù Sinh nên mau chóng quy thuận theo Phù Kiên. Phù Sinh bị bắt sống khi còn đang say rượu, bị phế làm Việt vương rồi sau đó bị xử tử bằng hình “tứ mã phanh thây”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.