Ngày 28.7, Viện Theo dõi Trái Đất (WWI) - tổ chức môi trường quốc tế có trụ sở ở Mỹ đã công bố một nghiên cứu, trong đó cảnh báo: Việc các nước giàu đến châu Phi mua hoặc thuê đất sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của họ đã làm nghiêm trọng thêm nạn đói nghèo ở lục địa Đen, do nông dân ở châu lục này bị đẩy vào tình cảnh không còn đất đai và không có việc làm.
Nghiên cứu của WWI khẳng định, xu hướng này đang được đẩy nhanh khi ngày càng nhiều nước giàu hơn ở Trung Đông và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đầu tư ồ ạt vào châu Phi tìm kiếm các vùng đất rộng lớn cho sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày một gia tăng.
|
Nhiều ha đất màu mỡ của châu Phi hiện đang nằm trong tay các nước giàu. |
Từ năm 2006 đến 2009, có từ 15-20 triệu ha đất nông nghiệp ở các nước thuộc vùng Tiểu sa mạc Sahara của châu Phi đã được bán và nay thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD)… đã báo động về hiện trạng này, đồng thời bác bỏ lập luận của các nước chiếm hữu đất của châu Phi, cho rằng họ mua đất để giúp đỡ những người nghèo đói ở các nước nghèo đói tại châu Phi.
Giám đốc Dự án "Nuôi dưỡng hành tinh", ông Danielle Nierenberg khẳng định, người châu Phi cần đất đai để nuôi sống chính họ. Châu Phi bị mất an ninh lương thực khi các khu đất nông nghiệp màu mỡ nhất và rộng hàng triệu ha được bán cho Trung Quốc và các nước Arập giàu có. Các thể chế quốc tế cần giám sát các giao dịch bán đất này và tìm các biện pháp pháp lý và thực tiễn để ngăn chặn các giao dịch chỉ đem lại lợi ích cho bên mua trong khi các chính phủ châu Phi cũng cần nhận rõ tác động bất lợi lâu dài của các giao dịch bán đất nông nghiệp.
Chu Vũ (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.