Em Nguyễn Quang Minh (Tiền Hải – Thái Bình) có điểm thi 24 điểm, đúng bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường mà em lựa chọn. Minh cho biết, điểm “sát sàn” trúng tuyển nên hiện em vẫn chưa biết mình đỗ hay trượt và đang từng giờ “ngóng” danh sách trúng tuyển của trường.
Nhiều thí sinh đang ngóng danh sách trúng tuyển chính thức từ các trường đại học (Ảnh minh họa: IT)
“Tiêu chí phụ mà trường đưa ra là điểm môn Toán và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Với em là nguyện vọng 1 rồi nhưng điểm môn Toán của em chỉ được 7, 5 điểm nên em khá lo lắng” – Minh cho biết.
Hiện, hầu hết các trường đã công bố điểm thi đều đưa ra tiêu chí phụ để lựa chọn thí sinh có điểm bằng nhau ở cận đáy. Các tiêu chí phụ rất đa dạng và không trường nào giống trường nào.
Cụ thể, trường ĐH Ngoại thương sử dụng tới 3 tiêu chí phụ gồm: Tổng điểm thực 3 môn chưa làm tròn; điểm môn Toán và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Với yêu cầu này, thí sinh có điểm chưa làm tròn của 3 môn cao hơn được ưu tiên đầu tiên, sau đó ưu tiên đến thí sinh có điểm môn Toán cao hơn và cuối cùng là thí sinh có nguyện vọng 1.
Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra 2 tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn thi chưa tính điểm ưu tiên và thứ tự ưu tiên nguyện vọng. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì đưa ra 2 tiêu chí phụ là tổng điểm Toán và Tiếng Anh của thí sinh nào cao hơn thì được ưu tiên trước, sau đó đến thứ tự nguyện vọng.
Khối các trường công an do quy định thí sinh chỉ đăng ký ở nguyện vọng 1 nên tiêu chí phụ đa số dùng tổng điểm 3 môn thi chưa làm tròn và điểm số các môn thi như Toán, Tiếng Anh, Văn…Trong khi đó, các trường quân đội sử dụng điểm các môn thi chính như Toán, Lý, Sinh làm tiêu chí phụ. Có trường như Học viện Quân y sử dụng tới 3 tiêu chí phụ khác nhau, gồm điểm Toán, điểm Lý, điểm Hóa.
Theo Quy chế của Bộ GDĐT, bắt đầu từ ngày mai 1.8, các trường sẽ bắt buộc phải công bố điểm chuẩn trúng tuyển và danh sách học sinh trúng tuyển lên website của trường. Sau khi có tên trong danh sách trúng tuyển, thí sinh sẽ phải xác nhận việc nhập học bằng cách nộp cho trường bản chính giấy chứng nhận kết quả thi (nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) để khẳng định có học tại trường này hay không.
Sau khi đã xác nhận, trường sẽ gửi lịch nhập học cho thí sinh và các yêu cầu về hồ sơ nhập học để thí sinh chuẩn bị đến nộp trực tiếp tại trường. Hồ sơ nhập học bao gồm các giấy tờ như: học bạ, chứng nhận tốt nghiệp tạm thời hoặc bằng tốt nghiệp, giấy chứng nhận ưu tiên….
Trường hợp thí sinh không xác nhận nhập học thì vẫn có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau ngày 13.8. Thời gian cụ thể của các đợt xét tuyển bổ sung sẽ do các trường quy định. Trong xét tuyển đợt bổ sung, thí sinh được phép đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và không hạn chế số nguyện vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.