Bảo hiểm miễn phí lãi suất vốn vay: Ngân hàng, nông dân đều lợi

Chủ nhật, ngày 20/10/2013 06:45 AM (GMT+7)
Đề án nông dân vay vốn sẽ được bảo hiểm miễn phí lãi suất nếu gặp rủi ro vừa được Ngân hàng LienVietPostBank công bố ngay lập tức là một tin vui đối với người nông dân.
Bình luận 0
PV NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch LienVietPostBank xung quanh đề án này.

Thưa ông, đề án cho vay nông nghiệp, nông thôn có bảo hiểm lãi suất có thể nói là một mô hình khá mới mẻ vừa được LienVietPostBank “khởi xướng”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những ưu đãi mà các bên tham gia sẽ được hưởng theo đề án này?

Được bảo hiểm lãi suất vay, nông dân sẽ an tâm hơn trong sản xuất.
Được bảo hiểm lãi suất vay, nông dân sẽ an tâm hơn trong sản xuất.

- Đề án này có quy mô 5.000 tỷ đồng, cho các hộ nông dân vay vốn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến được bắt đầu giải ngân từ tháng 12.2013 và đến tháng 4.2014 sẽ xong toàn bộ. Bên cạnh lãi suất ưu đãi 9%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn, nếu khách hàng gặp rủi ro khách quan, đơn vị bảo hiểm sẽ đứng ra trả lãi cho người vay mà không mất phí. Số tiền lãi được bảo hiểm dự kiến đến hết năm 2015 là hơn 800 tỷ đồng. Để thực hiện được mô hình mới mẻ này, LienVietPostBank đã phối hợp với Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Cụ thể, PTI sẽ đứng ra bảo hiểm miễn phí toàn bộ lãi suất tiền vay cho các đối tượng vay vốn nằm trong đề án trên; thực hiện chi trả phần bảo hiểm trong trường hợp khách hàng là hộ nông dân gặp khó khăn khách quan.

Là ngân hàng đầu tiên đứng ra triển khai chính sách này, ông có thể giải thích tại sao ngân hàng lại mạnh dạn thử nghiệm cái mới với hy vọng sẽ “an toàn”?

- Đúng. Chúng tôi là ngân hàng thương mại đầu tiên đứng ra triển khai chính sách này, một chính sách còn khá mới mẻ và bước đầu mang tính thăm dò. Tuy nhiên, chính sách này được chúng tôi đề ra dựa trên thực tế phát sinh nhiều rủi ro bất khả kháng khi nông dân vay vốn. Người nông dân đối diện với khó khăn mất mùa, thiên tai, biến động thị trường…, nên bên cạnh lãi suất cho vay ưu đãi, vẫn cần có thêm những hỗ trợ thiết thực khác cho họ.

Ông có thể giải thích tại sao LienVietPostBank lại chọn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai đề án?

- LienVietPostBank tiếp cận khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để người dân làm quen với hình thức bảo hiểm này vì thực tế nhiều người dân ở đây vẫn có tâm lý thích vay ngoài, “tín dụng đen” dù lãi suất cao. Chúng tôi xác định sẽ làm lâu dài, nhưng từng bước một. Sau này sẽ thực hiện thu phí bảo hiểm ở mức thấp để dần dần tiến tới bảo hiểm cho cả phần vốn gốc. Có bảo hiểm như vậy thì nông dân vay vốn sẽ an toàn hơn, mà khi khách hàng an toàn thì ngân hàng cũng an toàn.

Đề án 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi NNNT có bảo hiểm từ thiện lãi suất khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2013 – 2015 của LienVietPostBank là sự tiếp nối thành công của Đề án “Đầu tư tín dụng phát triển Nông nghiệp Nông thôn vùng ĐBSCL trong năm 2010 và định hướng đến năm 2013” mà LienVietPostBank đã triển khai. Thông qua các chương trình cho vay này , người dân được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý, được hỗ trợ trực tiếp, kịp thời góp phần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương với gần 15.000 hộ nông dân được vay vốn, chưa tính đến những hộ nông dân được hưởng lợi gián tiếp thông qua các doanh nghiệp.



Thưa ông, như vậy thời điểm ngân hàng bắt đầu triển khai giải ngân gói 5.000 tỷ đồng này thì người nông dân có dễ dàng để được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này không?

- Cơ chế để tiếp cận gói tín dụng được bảo hiểm lãi suất khá thuận lợi. Là khoản vay với các điều kiện thông thường, khi có rủi ro, người vay chỉ cần giấy xác nhận của hội cựu chiến binh và chính quyền phường, xã. LienVietPostBank cũng tiến hành lập hội những hộ dân vay vốn của mình, qua hai đầu mối trên phối hợp xét chọn và có thể vay mà không cần thế chấp tài sản. Cho nông dân vay, cũng có nhiều người xem ngân hàng là ân nhân của họ. Nhưng bản thân chúng tôi lại xem nông dân là ân nhân của mình. Đây chính là kênh cho vay có lợi và an toàn hơn các nhóm đối tượng khác.

Hiện nhiều ngân hàng đang chen chân để cho vay doanh nghiệp ở đô thị, nhiều món lãi suất chỉ 6 - 7%/năm. Trong khi, cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn phần lớn vẫn được lãi suất từ 8 - 9%/năm. Cái chính là cho vay doanh nghiệp ở đô thị thường là món lớn, nếu rủi ro thì có thể mất cả. Còn cho vay các hộ dân ở nông thôn, món lớn đó được chia nhỏ thành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khoản vay, bỏ trứng vào nhiều giỏ và giảm thiểu rủi ro, nếu mất sẽ mất ít và nhỏ lẻ. Cho vay nông dân an toàn hơn, mà khi họ an toàn thì cũng đã là có lãi cho ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Phương Hà (thực hiện) (Phương Hà (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem