Bạo lực giới trên môi trường mạng: Cần nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em
Nhiều giải pháp trợ phụ nữ và trẻ em gái ứng phó với bạo lực giới trên môi trường mạng
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 19/10/2023 16:00 PM (GMT+7)
Cùng với việc triển khai các hoạt động tại cơ sở, thời gian qua, Bộ, ban ngành cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng với nhiều quy định và giải pháp cụ thể.
Thế giới kỹ thuật số có thể gây bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái
Chiều qua (18/10), Bộ LĐTBXH và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Việt Nam phối hợp với Trường Đại học FPT Hà Nội tổ chức tọa đàm về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh xu thế số hóa trên thế giới mở ra một cơ hội lớn cho sự phát triển bền vững. Công nghệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, thông tin và kiến thức; thúc đẩy sự tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà con người tiếp cận được thì cũng có nhiều nguy hại mà thế giới kỹ thuật số gây ra, đặc biệt phụ nữ, trẻ em gái là những người đang chịu nhiều tác động nhất, đặc biệt là bị phân biệt đối xử và bạo lực.
Vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên không gian mạng là một trong những nội dung được Chính phủ và các Bộ, ngành Việt Nam quan tâm và cam kết thực hiện.
Theo Thứ trưởng, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện với nhiều quy định và giải pháp cụ thể.
Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa bạo lực trên không gian mạng luôn được quan tâm, đẩy mạnh triển khai.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an cùng phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề về bạo lực giới trên môi trường mạng, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Năm 2021, Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu kép của Chương trình là nhằm bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Đồng thời, duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Sau 3 năm triển khai chương trình cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, tọa đàm nhằm mục tiêu cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên có cái nhìn toàn diện, đa chiều về các hình thức bạo lực trên không gian mạng để các nhân sự trẻ có kỹ năng bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn khi sử dụng mạng.
Qua đó, cũng khuyến khích cơ sở đào tạo lồng ghép, đưa các nội dung về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và các thực hành có hại trên môi trường mạng vào chương trình giảng dạy.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, các thông tin chia sẻ tại tọa đàm, cũng như những ý tưởng, sáng kiến mới mẻ trong thiết kế và phát triển các công nghệ đáp ứng giới, an toàn cho người dùng sẽ là những cơ sở quan trọng giúp cho Bộ LĐTBXH và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, trên không gian mạng và sử dụng công nghệ nói riêng.
UNFPA kêu gọi chấm dứt bạo lực trên không gian mạng
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam khẳng định, mặc dù quá trình số hóa trên thế giới mang lại những cơ hội phát triển đáng kể nhưng đây cũng là không gian mà nhiều mối nguy hại có thể xảy ra.
Công nghệ và những không gian mạng ngày càng bị sử dụng sai mục đích và gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở giới của họ.
Ông Matt Jackson chia sẻ thêm: "Giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ, vốn là một lĩnh vực ngày càng được nhiều người quan tâm, không còn có thể thương lượng được nữa. Đảm bảo rằng mọi người có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại là điều quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ có thể thực hiện hiệu quả quyền tự do ngôn luận của mình".
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam kêu gọi cùng hợp tác để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng. Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, đều không được có bạo lực trên cơ sở giới.
Ông Tạ Ngọc Cầu - Phó Giám đốc Trường Đại học FPT cơ sở Hà Nội cho biết, sáng kiến tổ chức của buổi tọa đàm là việc làm kịp thời, quan trọng với tất cả mọi người, không chỉ các sinh viên.
Theo ông Cầu, từ khi Việt Nam có internet đến nay đã 26 năm, những cơ hội mà mạng toàn cầu mang lại rất lớn, nhưng cũng đi liền nhiều thách thức khi sử dụng. Kẻ xấu hay sử dụng hình thức trực tuyến tấn công về sức khỏe tâm lý, tinh thần.
Vì vậy, ông Cầu khuyến cáo: "Mỗi người không chỉ nhận biết mà hành động bảo vệ mình, đặc biệt, nhận dạng bạo lực trên không gian mạng liên quan đến giới".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.