Minh Nguyệt
Thứ tư, ngày 09/12/2020 06:00 AM (GMT+7)
Bạo lực giới vốn là vấn nạn nhức nhối, ngăn cản cơ hội tiếp cận và phát triển của phần nhiều phụ nữ. Vấn đề càng nhức nhối hơn với những cộng đồng dân tộc thiểu số.
Chị Nguyễn Thị Sua (45 tuổi ở, người dân tộc Mông, quê ở Điện Biên) thường xuyên chịu cảnh bị chồng đánh. Mỗi khi say rượu là anh ta lại không tiếc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ". Chị Sua thường xuyên có thương tích trên mình, mặt thâm tím, có khi chị còn bị chồng đánh gãy tay.
"Cứ 10 phụ nữ DTTS thì có 2 người tảo hôn ( năm 2019 21% giảm 4,7% so với năm 2014). Các dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao: Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%). Tỷ lệ tảo hôn cao tập trung ở Tây Nguyên (27,5%), Trung du và miền núi phía Bắc (24,6%), Tỷ lệ tảo hôn ở nữ DTTS cao hơn nam DTTS".
Nghiên cứu Dịch vụ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số là nạn nhân của bạo lực giới: Thực trạng và khoảng trống của ISDS
"Ông ấy cứ uống rượu say là nằm vật ra, tôi và con gái lại phải lấy xe đẩy lợn, đẩy ông ấy về. Phục vụ như vậy, nhưng về tới nhà là ông ấy đánh tôi. Đánh nhiều đến mức cơ thể chằng chịt vết thương, đau ê ẩm. Đau khổ, tủi hổ nhiều lắm nhưng tôi vẫn phải chịu đựng"- chị Sua nói.
Sau rất nhiều lần bị đánh, người đầy thương tích nhưng câu nói mà chị Sua dạy con vẫn chỉ là "là phụ nữ thì phải cam chịu". Đến cả mẹ chị Sua cũng dạy con gái chị là phải cam chịu, nhẫn nhịn. Dù có bị chồng đánh, dù có bị chồng bạo lực, dù chồng có chơi bời không chịu làm ăn... vẫn không thể bỏ chồng. Cũng như bao người phụ nữ người dân tộc khác, chị Sua cũng không tìm tới sự giúp đỡ nào.
90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự hỗ trợ
"Kết quả nghiên cứu về bạo lực giới cũng khá tương đồng với kết quả kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện.
Kết quả cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người từng phải chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời. Phần lớn phụ nữ chấp nhận bạo lực.
Hầu hết phụ nữ (90% người bị bạo lực giới) không dám và không thể tìm đến với các dịch vụ hỗ trợ. Điều này khiến chị em phải chịu đựng bạo lực trầm trọng hơn".
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light
Việc hỗ trợ nạn nhân gặp nhiều khó khăn
"Có tới 70 - 80% chị em trong bản thường xuyên gặp phải các hình thức bạo lực, cả bạo lực giới, bạo lực gia đình. Trước đây chị em hay cam chịu, nhưng giờ nhờ được truyền thông một số chị em cũng đã dám nói lên tiếng nói của mình. Tuy nhiên, quá trình hỗ trợ giúp nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn, cản trở do địa hình, do tâm lý, nhận thức của nạn nhân và người gây bạo lực".
Bà Lường Thị Hiền (dân tộc Thái - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Co Dau, (Thanh Luông, huyện Điện Biên, Điện Biên)
Cần có chương trình đặc thù
"Các chương trình hành động đề ra các giải pháp đặc thù dựa trên đặc điểm của các nhóm dân tộc thiểu số, có tính đến các yếu tố ngôn ngữ, khoảng cách địa lý. Đặc biệt, cải thiện chất lượng dịch vụ ngay tại cộng đồng, hướng tới tận thôn bản, để chính họ hỗ trợ cho nhau. Thêm nữa nên có các mô hình tư vấn, phòng ngừa bạo lực tại bệnh viện. Mở rộng mô hình về gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người bị bạo lực giới. Chuẩn hóa, chính thức hóa các dịch vụ thiết yếu tại cộng đồng có tính đến đặc thù của mỗi dân tộc".
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA)
Cũng bởi vì không chịu tìm kiếm sự giúp đỡ nên dù có muốn can thiệp thì chính quyền địa phương cũng không thể làm gì khác ngoài việc nhắc nhở, khuyên căn. Câu chuyện bạo lực trong gia đình chị Sua chỉ kết thúc khi chị và con gái bỏ đi và người bố đọc được bài văn đầy nước mắt của con gái chị Sua kể về cảm xúc khi thấy bố đánh mẹ.
Câu chuyện của chị Sua đã được chia sẻ tại Hội thảo "Dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng: Chính sách, thực tiễn và giải pháp" do Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đã tổ chức ngày 8/12.
Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ của dự án nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Cuộc đời của chị Sua không phải là câu chuyện cá biệt, nó xảy ra thường xuyên ở các bản làng trong cộng đồng người DTTS.
Chính quyền vào cuộc thụ động
Nghe câu chuyện của chị Sua, bà Khuất Thị Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS và hàng trăm đại biểu đã không thể kìm được xúc động. TS Hồng cho biết mới đây đơn vị của bà cũng đã có những nghiên cứu cụ thể về bạo lực giới trong nhóm cộng đồng người DTTS. Có 2 loại bạo lực phổ biến đang gây tổn thương cho nhiều phụ nữ người dân tộc. Đó là bạo lực gia đình và bạo lực đến từ các tập tục bất lợi cho trẻ em gái.
TS Hồng cũng dẫn lại con số được công bố tại Điều tra Quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 vừa được công bố. Theo đó, 63% phụ nữ đã, đang bị bạo lực tới thời điểm khảo sát. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực khá cao. Phụ nữ dân tộc Nùng bị bạo lực thể xác và tình dục cao hơn các dân tộc khác chiếm tới 42,36% so với dân tộc kinh là hơn 32%. Có tới gần 55% phụ nữ Mông bị kiểm soát, không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đi tới nơi mình muốn. Trong khi đó, có tới hơn 70% phụ nữ Dao bị bạo hành về mặt kinh tế, không được nắm giữ tài chính.
Học vấn thấp, trình độ hiểu biết pháp luật kém, sống cách biệt với cộng đồng là những lý do khiến phụ nữ người DTTS hứng chịu nhiều bạo lực gia đình hơn, mức độ trầm trọng hơn. Không chỉ hứng chịu các loại hình bạo lực giới, nhiều phụ nữ, trẻ em gái còn gặp phải nhiều bạo lực giới gây tổn thương như nhiều em nhỏ bị ép kết hôn kể cả nam lẫn nữ, tục cướp vợ ép buộc trẻ em gái kết hôn, thiên vị con trai, mua bán người...
Bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light cho biết, nhìn chung hệ thống mạng lưới phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới của Việt Nam tương đối toàn diện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ, cán bộ, chính quyền xuất hiện thụ động, chỉ tìm đến khi có bạo lực. Chỉ khi nạn nhân kêu cứu thì họ mới đến. Đó là chưa kể năng lực hòa giải cũng yếu, chỉ can ngăn, hòa giải, mà chưa giúp nạn nhân lên tiếng, nói ra hay tìm kiếm sự giải quyết triệt để.
Một ví dụ cụ thể, ví dụ như công an, họ chỉ giải quyết những mâu thuẫn xã hội, ít khi giải quyết vấn đề mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình. Với họ đó chỉ là vấn đề gia đình, vấn đề gia đình thì gia đình "tự đóng cửa bảo nhau". Hoặc như cơ sở y tế, chỉ dừng lại ở việc chữa trị vết thương chứ chưa có sự nhạy cảm giới, phát hiện tố giác các vụ liên quan tới bạo lực.
Chia sẻ về các giải pháp để hỗ trợ những nạn nhân bị bạo lực - bà Rochelemagne Audrey-Anne - Đại diện phái đoàn liên minh châu Âu kiến nghị: "Cần có sự tăng cường nhà tạm lánh; đồng thời tăng khoản bồi thường cho nạn nhân bị bạo lực; ngoài ra còn tăng khả năng vào cuộc của các cơ quan chức năng như: Chính quyền; tư pháp; hội phụ nữ...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.