Bạo lực học đường ở Hà Nội: Chuyên gia cho rằng đình chỉ học là chưa đủ?
Nam sinh lớp 7 bị bạo hành, nam sinh lớp 8 bị bạn tác động vào vùng kín: Đình chỉ học là chưa đủ?
Tào Nga - Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 29/11/2023 09:42 AM (GMT+7)
Vụ nam sinh lớp 7 bị bạn bạo hành ở THCS Đại Đồng, Thạch Thất rồi đến vụ nam sinh lớp 8 bị bạn tác động vào vùng kín ở Ứng Hoà, Hà Nội đang khiến dư luận lo lắng về vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.
Trường THCS Đại Đồng sau đó đã họp hội đồng kỷ luật, xử lý kỷ luật khiển trách với các học sinh đánh bạn. Còn tại Trường THCS Hòa Nam, 6 em học sinh tham gia sự việc đùa nghịch bạn đã bị hội đồng kỷ luật đình chỉ học 1-2 tuần để răn đe.
Không chỉ có 2 vụ trên mà trước đó nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra khiến dư luận bất xúc, phẫn nộ. Nhiều người cho biết: "Trường học mới chỉ áp dụng biện pháp kỷ luật là khiển trách và tạm đình chỉ học chưa đủ sức răn đe. Cần phải cho các em vào các trường giáo dưỡng thì mới không dám lại hại bạn và học sinh khác cũng không dám "manh động"...
Nam sinh lớp 8 bị bạn tác động vào vùng kín ở Ứng Hoà, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip
Đứng về góc độ tâm lý, chia sẻ với PV báo Dân Việt, Nguyễn Đình Sơn Chuyên gia tâm lý trẻ vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nêu quan điểm: "Sức khoẻ cảm xúc của trẻ em có liên quan chặt chẽ đến bạo lực học đường. Chúng ta thường chỉ chú ý đến những hành vi bắt nạt hay đánh nhau, nhưng đó chỉ là phần nổi của vấn đề. Phần chìm của vấn đề là sự thiếu an toàn cho sức khoẻ cảm xúc của trẻ, dựa trên đặc điểm tâm lý, khả năng cảm nhận và tương tác của trẻ. Khi sức khoẻ cảm xúc suy giảm, trẻ có thể có những hành vi bất thường, bạo lực hoặc tự hủy hoại bản thân, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Những loại bạo lực khác nhau như trêu ghẹo ác ý, cô lập, lời đồn, băng nhóm cũng có thể gây ra những rối loạn về sức khoẻ cảm xúc cho trẻ.
Để giải quyết nguyên nhân của bạo lực học đường, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan: Gia đình, nhà trường, nhà quản lý, chính quyền và chính các em học trò. Ngoài ra, nền giáo dục cũng cần duy trì những giải pháp toàn diện và đa dạng để nâng cao sức khỏe cảm xúc cho học sinh".
Nói về hình thức kỷ luật học sinh hiện nay, chuyên gia Nguyễn Đình Sơn cho biết: "Kỷ luật học sinh bằng hình thức cho nghỉ học 1-2 tuần là bình thường và có cơ sở. Các trường quốc tế cũng áp dụng như vậy. Hiện nay, một số trường có hình thức kỷ luật mềm hơn là đến thư viện đọc sách".
Hình thức kỷ luật học sinh căn cứ theo Thông tư 32 của Bộ GDĐT về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tại Điều 38 Khen thưởng và kỷ luật nêu rõ: "Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT.
TS Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi, nhấn mạnh: "Việc kỷ luật học sinh, theo quy định của pháp luật và mục đích là hướng đến mục tiêu giáo dục. Song song với việc áp dụng các hình thức kỷ luật thì cần phải tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Kỷ luật chỉ là giải pháp cuối cùng khi việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống không đạt hiệu quả.
Theo quy định tại Điều 12 của bộ luật hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên. Nếu các học sinh gây ra sự việc này chưa đủ 14 tuổi thì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi là đặc biệt nghiêm trọng, mới có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng".
Bạo lực học đường ở Hà Nội gia tăng: Trách nhiệm của nhà trường, thầy cô và gia đình đến đâu?
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, từ một số vụ việc bạo lực học đường ở Hà Nội có tính chất nghiêm trọng xảy ra gần đây như vụ nam sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) hay vụ nam sinh lớp 8, Trường THCS Hoà Nam (Ứng Hoà, Hà Nội) cho thấy sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 thì đến khủng hoảng sức khoẻ tâm thần, vấn đề tâm lý, tổn thương, lo âu trầm cảm có dấu hiệu gia tăng.
Theo ông Nam, khủng hoảng sức khoẻ tâm thần là nền tảng dẫn đến hành vi bạo lực và hành vi gây hấn xuất hiện nhiều hơn trong xã hội chứ không chỉ riêng trong học đường. Cả xã hội bị tổn tương sức khoẻ tâm thần, thầy cô cũng trở nên căng thẳng hơn, bố mẹ, xã hội… cũng trở nên căng thẳng hơn.
"Tất cả những điều đó lại dồn xuống làm cho khả năng chống chịu về căng thẳng của trẻ vừa kém lại người yếu thế nhất trong gia đình, nhà trường. Khi một người tức giận cách thức tốt nhất giải toả stress là dồn người khác qua lời nói hoặc qua hành vi mang tính chất bạo lực.
Đó là một trong những vấn đề chính. Bên cạnh đó, có quá nhiều việc đổi mới chương trình giáo dục, cô giáo cũng quá tải, tổn thương sức khoẻ tinh thần dẫn đến ứng xử, phát hiện, giáo dục các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường cũng yếu kém đi. Ai cũng bận, công tác phòng chống bạo lực học đường sau đại dịch dường như không phải là một trọng tâm nữa", ông Nam cho hay.
Nam sinh lớp 7 bị bạo hành ở THCS Đại Đồng, Hà Nội dẫn đến sang chấn tâm lý. Ảnh cắt từ clip
Bên cạnh đó, ông Nam cho hay còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến bạo lực học đường xảy ra, trong đó có thể kể đến là sự thiếu quan tâm của cha mẹ do cha mẹ thiếu trách nhiệm hoặc kinh tế khó khăn không có đủ thời gian điều kiện để chăm sóc con, gia đình hôn nhân không hạnh phúc… Thông thường những đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì thường bị các bạn coi thường, bắt nạt và dễ trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành.
Những đứa trẻ thường xuyên bắt nạt bạn của mình ở lớp học thường là những đứa trẻ được nuông chiều hoặc gia đình giáo dục không đúng cách, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực nên có những suy nghĩ hành động thiếu chuẩn mực, thậm chí còn được cha mẹ người thân cổ vũ cho những hành vi bạo lực của các cháu…
Theo ông Nam, bạo lực không chỉ có bạo lực thân thể mà cả bạo lực tinh thần, bạo lực trên mạng. Bạo lực thân thể hiện nay ít và khó phát hiện, ngăn chặn. Tại Việt Nam, 13 tuổi mới được trang bị kiến thức về sống an toàn trên không gian mạng thì trước đó đã cho con tiếp cận với tất cả các chất liệu bạo lực, tình dục không phù hợp trên mạng…
"Tất cả những điều này làm tăng nguy cơ trẻ lên mạng nhiều sẽ gặp đối tượng xấu, tiếp cận những nội dung xấu, bị bắt nạt hoặc trở thành kẻ bắt nạt ở trên mạng", ông Nam phân tích.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng, chưa có sự bắt tay chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội cho việc phát hiện, ngăn ngừa hình thức bạo lực học đường. Sự việc đã xảy ra chúng ta không biết cách thức ứng xử ổn thỏa. Ngay cả kẻ bắt nạt cũng phải tư vấn tâm lý để đảm bảo hành vi bắt nạt không xảy ra nữa.
"Qua những vụ việc trên cho thấy các cháu bạo hành với học sinh khác cũng là nạn nhân của sự việc thiếu giáo dục, thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu trách nhiệm của thầy cô, cơ sở giáo dục. Sự thiếu trách nhiệm dẫn đến các cháu hành động thiếu ý thức, xâm phạm đến sức khoẻ của họ sinh khác. Vấn đề không phải là đổ lỗi, truy trách nhiệm cho các cháu mà phải truy trách nhiệm với người lớn, cha mẹ và cơ sở giáo dục", ông Nam nhấn mạnh.
Qua sự việc này, ông Nam cho rằng, nhà trường, giáo viên cũng phải tăng cường những năng lượng tích cực, xây dựng trường học hạnh phúc như thế nào, chương trình phòng ngừa bắt nạt, xây dựng hệ thống phát hiện sớm những học sinh có nguy cơ bị đe doạ, sàng lọc các em có nguy cơ bị lo âu, trầm cảm, biểu hiện hung hăng… Cần phải triển khai phòng tham vấn học đường tại các nhà trường và do người có năng lực chuyên trách. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần dành nhiều thời gian trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.