Bạo lực trẻ em: Bố gây gổ, con chịu đòn

Minh Nguyệt Thứ sáu, ngày 26/05/2017 06:20 AM (GMT+7)
Các vụ bạo lực trẻ em trong gia đình thường do người cha gây ra. Đây là những phát hiện chính được công bố tại Hội thảo Can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực từ thực tiễn hoạt động của đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 do Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) tổ chức vào giữa tháng 5.
Bình luận 0

“Đòn thù” từ... bố đẻ

Theo số liệu từ Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em, từ năm 2004 đến nay, Đường dây đã tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi của người lớn và trẻ em trên toàn quốc. Trong đó, có trên 300.000 ca tư vấn, trên 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em bị mua bán, trẻ khuyết tật, mồ côi, bị tai nạn thương tích, trẻ chưa được làm giấy khai sinh… Trong đó, số vụ trẻ bị bạo lực gia đình cao nhất chiếm hơn 63% số vụ.

img

   Các tư vấn viên đường dây 18001567 nhận được nhiều lời kêu cứu từ trẻ em vì bị bố mẹ đánh mắng.   ảnh: Minh Nguyệt 

Bà Hoàng Lê Thuỷ - Phó Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn, Trưởng Tổng đài 18001567 cho biết, kết quả thống kê của đường dây cho thấy, trẻ em phải gánh chịu cả bạo lực về thể chất và tinh thần cũng như việc chứng kiến bạo lực. Bạo lực thể chất cao nhất, chiếm 91.7%, tiếp đó là bạo lực tinh thần với 6,9%.

Có những vụ việc gây tổn thương nghiêm trọng cho trẻ về thể chất. Điển hình như vụ em N.T.T ở huyện Tân Yên, Bắc Giang thường xuyên bị bố đẻ đánh. Bố mẹ ly dị khi em mới 3 tuổi. T ở với mẹ được 2 năm, mẹ đi lao động xuất khẩu, T về ở với bố. Vào tháng 1.2016 T bị bố đánh thâm tím người và phải nhập viện điều trị.

Một trường hợp khác là em Đ.T.N.C (sinh năm 2013) bị bố dượng là đối tượng có tiền án tiền sự thường xuyên đánh, dùng que sắt đánh, chọc vào người. Có lần y còn bắt các con ngồi ở sân giữa trưa nắng 38 độ C để gây áp lực bắt vợ cho tiền mua heroin khiến các con rất hoảng sợ.

Nhiều trường hợp khác tuy không bị bạo hành thể xác nhưng lại bị cha mẹ bạo hành tinh thần. Ví dụ như trường hợp của của V.Đ.K (13 tuổi) ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, bị cha bắt liếm sàn nhà mỗi khi mắc lỗi.

“Ngoài ra còn rất nhiều hành vi bạo lực về tinh thần khác khiến trẻ em đau khổ, suy sụp mà bố mẹ không nhận ra. Cụ thể như: Mắng chửi con vì con không ăn, ép con học, dọa đốt sách vở, doạ ma quỷ, trừng phạt con bằng cách không cho con vui chơi….” – bà Thuỷ nói.

Cũng theo bà Thủy, thậm chí, có nhiều vụ trẻ em vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình vừa là người chứng kiến bạo lực gia đình của cha mẹ. Rất khó để xác định trẻ em và phụ nữ là người chịu tổn thương, đau khổ hơn trong các vụ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, qua đánh giá tâm lý của một số trường hợp thì người tổn thương nghiêm trọng nhất thuộc về trẻ em. Nhiều em bị ám ảnh cả tương lai, thậm chí mất niềm tin vào gia đình điều này ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển của trẻ.

Nhiều rào cản, khó hỗ trợ

“Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất, chiếm 63,2%. Trong đó ông bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em, chiếm 37,5%; tiếp đó là bà mẹ, chiếm 11,8%; các đối tượng khác trong gia đình thường là bố dượng, mẹ kế, họ hàng sống chung trong một mái nhà chiếm 13,9%”. 

Ông Nguyễn Trọng An – Chuyên gia trẻ em cho rằng: “Đây là một điều đáng buồn bởi những người đáng lẽ gần gũi, thương yêu, chăm sóc trẻ nhiều nhất lại là người gây bạo lực cho trẻ nhiều nhất. Đây cũng chính là những nhân tố làm cho tình trạng sang chấn tâm lý của trẻ lâu hồi phục hơn so với thủ phạm là người ngoài gia đình”.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã chỉ ra các nguyên nhân khiến cho việc bạo lực trẻ em trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vụ bạo lực trẻ em. Một trong những nguyên nhân chính được đề cập tới chính là do cha mẹ và người thân của trẻ thiếu nhận thức và kỹ năng để dạy dỗ con. Có người quan niệm giáo dục trẻ bằng cách trừng phạt, roi vọt.

“Nhiều cha mẹ còn chưa biết cách bảo vệ trẻ. Kỹ năng kiềm chế nóng giận còn rất mơ hồ với nhiều bậc làm cha mẹ tại Việt Nam. Cha mẹ, người chăm sóc cũng thiếu các kỹ năng mềm trong cuộc sống như xử lý các khủng hoảng, căng thẳng trong gia đình” – bà Thuỷ nói thêm.

Nhiều địa phương phản hồi gặp khó khăn trong quá trình tách trẻ ra khỏi môi trường gia đình gây bạo lực do trẻ không chịu rời khỏi gia đình và bản thân các thành viên trong gia đình không có sự đồng thuận trong việc tách trẻ. Ngoài ra nhiều trường hợp trẻ bị bạo lực, chính quyền vẫn bỏ qua, cho rằng đó là việc nhỏ hoặc chỉ đến hòa giải khiến nên càng thiếu đi tính răn đe, trẻ lại tiếp tục bị đánh. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem