Báo Mỹ viết gì về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump?

TTXVN, Duy Anh Thứ bảy, ngày 04/11/2017 16:04 PM (GMT+7)
Một trong những trọng tâm ngoại giao trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Trump chính là sự trở lại Việt Nam của Mỹ.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân sẽ đến Đà Nẵng ngày 10.11.

Với tiêu đề "Chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược và phục hồi trọng tâm ngoại giao", tờ The Washington Times số ra ngày 3.11 đã bình luận về chặng dừng chân tại Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng của người đứng đầu nước Mỹ. 

Dẫn bài báo, phóng viên TTXVN tại Mỹ nhận định một trong những trọng tâm ngoại giao trong chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Trump chính là sự trở lại Việt Nam của Mỹ.

Việc Mỹ, từng là cựu thù, nay  trở thành đối tác thương mại gần gũi với Việt Nam, đã chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Hơn hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên gần gũi hơn.

Hai nước luôn mong muốn duy trì và phát triển những thành quả đạt được trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 vừa qua, theo đó, cam kết tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng và hàng hải. Việt Nam và Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho chặng dừng chân của Tổng thống Trump tại Đà Nẵng, trong đó hai bên sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến các công ty Mỹ đang kinh doanh sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm bớt khoảng cách thặng dư thương mại giữa hai nước. Quan hệ song phương Việt - Mỹ đã có bước phát triển lịch sử vào năm 2013, khi hai nước trở thành quan hệ đối tác toàn diện. Giờ đây Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Năm 1994, Mỹ đã rỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế chống Việt Nam. Kể từ đó, hai nước đã gác lại những đau thương trong quá khứ, hướng tới tương lai với tầm nhìn rộng lớn hơn. Năm 2001, hai nước đã ký hiệp định thương mại song phương, góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách thị trường, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Trong 7 năm qua, thương mại hai nước đã tăng gần gấp 3 lần, hiện đạt đỉnh ở mức 52 tỷ USD. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng 43,2% vào năm 2016, mức tăng lớn nhất trong số 30 đối tác thương mại của Mỹ đồng thời là nước duy nhất đạt mức tăng trưởng 2 con số. 

Ngành sản xuất của Mỹ cũng hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của Việt Nam. Cách đây vài năm, các công ty Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD mua các động cơ máy bay và turbine gió của Mỹ, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho Mỹ. Hãng Boing của Mỹ cũng thắng thầu trong hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD, bán 100 máy bay dân dụng cho hãng hàng không VietJet của Việt Nam. 

Mặc dù Tổng thống Trump đưa ra khẩu hiệu "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" nhằm bảo vệ người lao động Mỹ trước sự cạnh tranh của lao động chi phí thấp từ các nước, Việt Nam luôn muốn chính quyền Mỹ nhận thức rằng trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam thì ngược lại Việt Nam cũng là điểm đến ngày càng quan trọng của các mặt hàng Mỹ. Trong hai thập kỷ qua, kể từ sau khi thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1986 và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã có bước chuyển mình, từ một nước nghèo tại châu Á, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất với sự cải cách kinh tế sâu rộng.

Tổng thống Mỹ và đệ nhất phu nhân đã rời Nhà Trắng vào sáng 3.11 và dừng lại để trò chuyện với các phóng viên trong lúc tiến tới chiếc Không Lực Một.  Vài phút trước khi cất cánh, Tổng thống Mỹ cũng đã thông báo trên Twitter chi tiết chuyến đi của mình. "Vừa cất cánh để tới dự một buổi lễ ở Trân Châu Cảng. Sau đó sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Sẽ không bao giờ khiến các bạn thất vọng", ông Trump viết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 12.11, sau khi dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương  APEC ở Đà Nẵng hôm 10 và 11.11. Chi tiết các hoạt động của tổng thống Mỹ không được tiết lộ vì lý do an ninh, song theo thông tin VOA có được, ông Trump sẽ gặp các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. 

Các chặng dừng chân ở Việt Nam của Tổng thống Trump nằm trong khuôn khổ chuyến công du châu Á của ông kéo dài từ ngày 3 đến 14.11, với các điểm đến bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines.

Chuyến công du nhằm mục đích nhấn mạnh tới “cam kết của ông đối với các mối quan hệ đối tác và liên minh lâu bền của Mỹ”.

Trước khi đến Việt Nam, ông Trump đặt chân tới Hawaii vào ngày 3.11, thăm Nhật ngày 5.11 và sau đó là Hàn Quốc vào ngày 7.11. Tại hai quốc gia Đông Á này, vấn đề Triều Tiên sẽ nằm cao trong nghị trình.

Vào ngày 8.11, Tổng thống Trump sẽ tới Bắc Kinh, Trung Quốc, và tham gia vào một loạt các sự kiện văn hóa, thương mại và song phương, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Trump sẽ kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ tại Manila, Philippines, sau khi rời Việt Nam ngày 12.11.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem