Báo Nông thôn Ngày nay nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương
Báo Nông thôn Ngày nay nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương
Bach Dương
Thứ bảy, ngày 24/12/2022 12:27 PM (GMT+7)
Sáng 24/12 tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Dự thảo Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; Báo cáo về hoạt động công tác Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất nhận định, năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả.
Công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí nêu cao tinh thần chủ động, tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó đặc biệt ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền nghiên cứu, quán triệt đưa Nghị quyết Đại hội XIII cùng các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, góp phần rất quan trọng vào việc củng cố, tăng cường niềm tin đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Công tác chấn chỉnh, xử lý sai phạm và dấu hiệu sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là những vấn đề liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, được thực hiện bài bản, quyết liệt, nhằm hỗ trợ báo chí phát triển đúng định hướng, lành mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông nhận định, năm 2022, lần đầu tiên các tiêu chí nhận diện "báo hoá" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hoá" báo chí được Bộ Thông tin và truyền thông chỉ rõ, công khai. Công tác xử lý "báo hoá" tạp chí, "tư nhân hoá" báo chí được thực hiện một cách quyết liệt, quy mô, bài bản, chi tiết, minh bạch, đi vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề nổi cộm mà dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
Trong năm 2022, cơ quan chức năng Bộ Thông tin và truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí; 1 tổng biên tập bị kỷ luật cảnh cáo, thu hồi thẻ nhà báo và điều chuyển làm công việc khác.
Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý và kiến nghị xử lý 9 vụ việc liên quan đến 11 trường hợp là phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm pháp luật; đình chỉ sinh hoạt 4 trường hợp chờ kết luận của cơ quan chức năng, các trường hợp khác là cộng tác viên, phóng viên chưa phải là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong xử lý "báo hoá" tạp chí, 17 cơ quan báo chí đã bị thanh kiểm tra; 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, trong đó 1 tạp chí bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng, xử phạt 2 cá nhân người đứng đầu cơ quan tạp chí. Năm 2022 có 5 trường hợp bị Bộ Thông tin và truyền thông thu hồi thẻ nhà báo do bị cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố bị can, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong hoạt động báo chí như Luật Báo chí năm 2016 bộc lộ nhiều bất cập, không còn theo kịp tốc độ phát triển của báo chí hiện đại; việc thực hiện quy hoạch báo chí; cơ chế về bộ máy, nhân lực cơ quan báo chí bộc lộ nhiều hạn chế; thị trường quảng cáo đang chuyển sang quảng cáo số tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo chí; chuyển đổi số báo chí là vấn đề cấp thiết nhưng khả năng đáp ứng của đội ngũ những người làm báo chưa cao…
Năm 2023 được xác định là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm 2022; triệt để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại".
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, báo chí không chỉ xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2023 mà còn phải hướng tới 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025. Báo chí cần có các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đến 6 điểm cần quán triệt của báo chí trong thời gian tới, trong đó cần thể hiện rõ sứ mệnh cao cả của báo chí là đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích đi đầu, phản biện những quan điểm sai trái, xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Báo Nông thôn Ngày nay là một trong 32 tập thể được lựa chọn để tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
Báo Nông thôn Ngày nay trong những năm qua đã thực sự là kênh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; kênh thông tin quan trọng, hiệu quả của Hội Nông dân Việt Nam.
Báo Nông thôn Ngày nay có thế mạnh về lĩnh vực thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo được bản sắc riêng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.
Trong những năm qua, Báo Nông thôn Ngày nay không ngừng thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng bùng nổ thông tin trên các nền tảng số. Đội ngũ người làm báo tiếp tục được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp.
Bên cạnh hai tờ báo chính là Báo Nông thôn Ngày nay và Báo điện tử Dân Việt, các ấn phẩm và nội dung các ấn phẩm tiếp tục được cải tiến, nâng cao về chất lượng nội dung, hình thức trình bày, ngày càng ghi dấu ấn tốt trong lòng đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.