Được dự báo sẽ đi vào khu vực đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc) sau đó bão Rammasun sẽ gây mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, các đài khí tượng khu vực như Nhật Bản, Hongkong… đều nhận định bão Rammasun là một cơn bão rất mạnh.
Vào chiều tối 15.7, bão giật cấp 15-16. Khoảng trưa và chiều 16.7, bão Rammasun sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 2 trong năm nay. Sau khi đi vào biển Đông, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đổ bộ vào đảo Hải Nam và Lôi Châu (Trung Quốc).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, sau khi đi vào Biển Đông, bão số 2 suy yếu nhẹ, khoảng cấp 10-11, tuy nhiên sẽ tăng lên cấp 12-13 ngay sau đó. Khi đổ bộ vào Trung Quốc, bão vẫn duy trì ở cấp 12, vào vịnh Bắc bộ, bão số 2 nhiều khả năng vẫn giữ ở cấp 9-10. Từ ngày 19.7, các tỉnh ven biển Bắc Bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão.
Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 17.7, các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ bắt đầu có mưa với lượng nhỏ. Từ ngày 20.7, khi bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp thì diện mưa sẽ mở rộng ra vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mưa lớn tập trung trong 3 ngày, từ 20 đến 23,7, chủ yếu ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Dự kiến lượng mưa vùng này trong 3 ngày vào khoảng 200-300mm, một số vùng giáp ranh ở miền núi có thể lên tới 250-350mm.
Ông Cường nhận định, theo quan trắc, bão Rammasun có nhiều diễn biến giống cơn bão số 2 - Vera, xuất hiện và đi vào Biển Đông vào ngày 15.7.1983, gây lũ lớn cho khu vực Bắc Bộ, riêng TP.Hải Phòng có 62 người chết, úng ngập trên 35.000ha…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cũng cho rằng, qua nghiên cứu về sự xuất hiện của El Nino ảnh hưởng đến bão lũ ở Việt Nam cho thấy, siêu bão Neoguri đổ bộ vào Nhật Bản tuần qua được hình thành trên vùng biển ấm, nền nhiệt độ cao hơn trong khu vực nên bão rất mạnh.
Trong khi đó, bão Rammasun cũng được hình thành từ vùng biển có nền nhiệt độ trung bình cao hơn khu vực, bão cũng đang đạt cấp rất mạnh. Tương tự, cơn bão Linda đổ bộ vào năm 1997 khiến khu vực miền Tây Nam Bộ tan hoang, hơn 770 người chết, hơn 2.100 người mất tích, ước tính thiệt hại vật chất lên tới 7.200 tỷ đồng.
Năm 1997 cũng có El Nino hoạt động. “Năm nay mùa mưa bão nước ta cũng hình thành trên nền El Nino, vì vậy Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đang xem xét đến phương án đối phó với siêu bão như thế nào” - ông Phát nói.
Về diễn biến cơn bão Rammasun, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, nhiều khả năng đây sẽ là cơn bão đầu tiên trong năm 2014 ảnh hưởng đến Việt Nam, trong khi đó, khi vào Vịnh Bắc bộ, bão vẫn đạt cấp 9-10, gây huy hiểm cho tàu thuyền và các tỉnh ven biển.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải rà soát chương trình chống bão địa phương mình trong năm nay, kiện toàn nhân sự, kiểm điểm cơ chế 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa ngay từ đầu mùa mưa bão; rà soát dân cư các khu vực có nguy cơ đe dọa như khu vực sạt lở, lũ quét, hồ chứa.
Ngày 15.7, các lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam ngoài nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển còn phải chủ động đối phó với bão Rammasun đang tiến vào biển Đông.
Từ tối 14.7 tới sáng 15.7, thời tiết tại thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trời nhiều mây, gió cấp 5, cấp 6, biển động mạnh.
Đến 4h sáng 16.7, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí ban đầu khoảng 20 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, vận tốc di chuyển trung bình khoảng 4,1 hải lý/giờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.