Nông nghiệp thiệt hại nặng
Thiệt hại nặng nề nhất mà cơn bão số 1 gây ra là nông nghiệp, trong 9 tỉnh thành bị ảnh hưởng do bão thì có đến 8 tỉnh thành có diện tích lúa bị ngập úng, hoa màu, rau màu bị hư hại gồm: Hà Nam, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Trong đó có 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là Nam Định với 86.300ha lúa và hoa màu bị ngập, 130ha cá bị trôi; Ninh Bình 40.000ha; Hà Nam trên 31.000ha; Hải Phòng trên 11.000ha.
Thái Bình thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 1. Ảnh: IT.
Thái Bình là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất do bão số 1, ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù toàn tỉnh đã hết sức cố gắng chủ động triển khai các phương án phòng chống, tuy nhiên khi bão số 1 đổ bộ vào Thái Bình đã gây thiệt hại tương đối nặng nề. Thái Bình có 58.000ha lúa và hoa màu bị ngập; 27 phòng học bị thiệt hại, 2.500m dây điện bị đứt khiến cho điện lưới toàn tỉnh bị mất trong nhiều giờ”.
Bão số 1 đã khiến cho 14.681 cây xanh bị đổ gãy, trong đó riêng Hà Nội có tới 5.484 cây. Nam Định là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, bên cạnh diện tích hoa màu thủy sản, tỉnh này còn có 6 điểm đê cấp 4 bị sạt, nứt, vỡ; 14.900 cột điện bị đổ gãy.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở nhiều địa phương
Sau cơn bão số 1, TS Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: “Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên nhiều khu vực miền núi phía Bắc đặc biệt một số nơi như: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Bắc Thanh Hóa”.
Dự báo khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to. Sang ngày 29.7, trên sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long và sông Bưởi sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước sông Thao tại Yên Bái, sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Đáy tại Phủ Lý có khả năng lên trên mức báo động (BĐ) 1, các sông suối nhỏ có khả năng lên mức BĐ 2- BĐ 3.
Ông Tăng Quốc Chính – Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Các địa phương cần tập trung khắc phục kịp thời các sự cố về điện phục vụ việc tiêu úng cứu lúa và chống ngập lụt các khu đô thị, ổn định dân sinh. Đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ các hồ chứa, nhất là các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa xung yếu, tiếp tục xả bớt nước qua cống, cửa xả để đảm bảo an toàn công trình; kiểm tra, rà soát kịp thời sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất”.
Tại cuộc họp Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 28.7, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Cao Đức Phát yêu cầu: “Các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa do hoàn lưu bão gây ra, khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão để có biện pháp hỗ trợ, đặc biệt phối hợp với ngành điện tổ chức tiêu úng diện tích lúa, hoa màu ngập úng. Mưa sau hoàn lưu bão sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các địa phương ở trung du và miền núi phía bắc, vì vậy phải đề phòng sạt lở đất, lũ quét, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, tiếp tục xả bớt nước đảm bảo an toàn hồ chứa và tính mạng người dân vùng hạ du.
“Các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, qua đó đánh giá đúng tình hình để có biện pháp khắc phục. Tập đoàn Điện lực Việt Nam gấp rút phối hợp và hỗ trợ các địa phương khôi phục mạng lưới điện tiêu úng cứu lúa, phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời lưu ý các địa phương mưa sẽ tiếp diễn ở khu vực Tây Bắc, vùng miền núi và vùng đồng bằng sẽ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nhắc nhở các địa phương giám sát chặt chẽ các hồ chứa, tiếp tục xả nước”.
(Ông Cao Đức Phát)
|
Kiểm tra an toàn đập
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai lưu ý: Đối với các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc Bộ: Chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng. Riêng tỉnh Lạng Sơn khẩn trương chỉ đạo thu hoạch lúa Xuân muộn theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.
Chỉ đạo việc kiểm tra an toàn đập; vận hành cửa van; xả nước đón lũ để đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy và gần đầy nước thuộc các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ. Triển khai ngay các phương án tiêu thoát nước đô thị để ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.