Ít ai biết được, trước đó, có một ngày đặc biệt (28.7) - ngày chuyển giao nhiệm vụ của ban, bộ có… 2 Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.
Buổi sáng 28.7, ông Cao Đức Phát với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vẫn chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 1.
Cơn bão số 1 đổ bộ vào các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội vào rạng sáng 28.7. Cũng buổi sáng ngày hôm đó, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành bầu, phê chuẩn 26 thành viên Chính phủ, trong đó duy nhất có một vị trí có sự thay đổi là chức danh Bộ trưởng Bộ NNPTNT.
Cũng buổi sáng hôm ấy, cơn bão số 1 vẫn đang quần thảo và gây mưa lớn. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, mặc dù chỉ còn vài giờ nữa, vị trí Bộ trưởng sẽ có sự thay đổi, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm, ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - vẫn đội mưa đến ngồi họp giao ban Ban chỉ đạo - nhiệm vụ mà ông đã gắn bó từ suốt 10 năm qua - vào lúc 7h sáng.
Ông Phát vẫn chỉ đạo rất sát sao khi yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, qua đó đánh giá đúng tình hình để có biện pháp khắc phục.
Ngay sau cuộc họp, ông Phát đã liên lạc điện thoại với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm khắc phục sự cố về điện xảy ra tại một số địa phương. Đồng thời yêu cầu Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt cử đoàn đi kiểm tra và thống kê thiệt hại sau bão tại các địa phương.
10h sáng, khi cơn bão đã đi qua, cũng là lúc Quốc hội đã bầu, phê chuẩn xong chức danh Bộ trưởng Bộ NNPTNT đối với ông Nguyễn Xuân Cường và các thành viên Chính phủ. Ngay sau đó, ông Cao Đức Phát đã chủ động “bàn giao” luôn chức danh Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho ông Nguyễn Xuân Cường.
Và buổi chiều 28.7, ông Nguyễn Xuân Cường - tân Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai - đã thay ông Phát chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 1.
Có lẽ đây là buổi “bàn giao” siêu tốc, bởi công việc trong phòng chống bão không thể dừng lại và không thể vì bận chuyển giao nhiệm vụ mà để “trống” vị trí.
Ngay lập tức, dù mới nhậm chức, thay vì dành thời gian để nhận những lời chúc mừng, những buổi gặp gỡ, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Cường đã nhận luôn chức Trưởng ban.
Và đúng 17h ngày hôm đó, ông Cường đã chủ trì ngay cuộc họp với Ban chỉ đạo. Dù mới nhậm chức cách đó vài tiếng, nhưng ông Cường đã vạch ra một loạt kế hoạch nhằm khắc phục thiệt hại do cơn bão này gây ra.
Nói chuyện với chúng tôi, một cán bộ trong Ban chỉ đạo nói: “Có lẽ đây là ngày đặc biệt nhất trong suốt thời gian tôi tham gia Ban chỉ đạo, bởi mới ban sáng là Trưởng ban Cao Đức Phát, chiều lại là Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường. Song không phải vì thế mà công việc gặp khó khăn gì, trái lại giữa 2 Trưởng ban đã có sự bàn giao rất trách nhiệm, thành công, người sau tiếp nối người trước một cách hiệu quả”.
Còn cánh PV theo dõi bão lâu năm hôm đó cũng là một ngày thú vị, bởi buổi sáng vẫn còn ngồi dự họp, đưa tin dưới sự chủ trì của ông Cao Đức Phát và buổi chiều phải “làm quen” với phong cách chỉ đạo mới của tân Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường.
Một cán bộ Văn phòng Bộ NNPTNT cũng nói, lúc đầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị bàn giao sau, nhưng anh Phát đã chủ động đề nghị cần bàn giao ngay để công việc điều hành được thông suốt và công tác chỉ đạo phòng chống bão được liên tục.
Ông Cao Đức Phát chính thức nhận nhiệm vụ Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương (nay là Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai) năm 2006 từ ông Lê Huy Ngọ. Sau 10 năm giữ cương vị Trưởng ban, ông Phát đã tham gia chỉ đạo trên dưới 100 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cao điểm là năm 2013, có tới 14 cơn bão ít nhiều ảnh hưởng đến nước ta.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.