Bão số 9: Đà Nẵng khẩn trương sơ tán người dân trước 15h ngày mai - 27/10
Bão số 9: Đà Nẵng khẩn trương sơ tán người dân trước 15h ngày mai - 27/10
Diệu Bình
Thứ hai, ngày 26/10/2020 11:50 AM (GMT+7)
Trước ảnh hưởng của bão số 9, Đà Nẵng thực hiện di dời người dân ở những nơi nguy hiểm trước 15h ngày mai - 27/10 và cho học sinh nghỉ học từ ngày 28 đến hết ngày 29/10.
Trước dự báo bão số 9 giật cấp 15 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, để bàn biện pháp ứng phó với bão số 9.
Không để người dân phải chịu cảnh "màn trời chiếu đất"
Tại Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã chủ trì buổi họp. Sau khi nghe các lãnh đạo Bộ ngành báo cáo dự báo về cơn bão số 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta đang ở trong tình trạng bão chồng bão, lũ chồng lũ. Đặc biệt là khu vực miền Trung Việt Nam.
"Chúng ta không được mất cảnh giác, với tinh thần chủ động phòng chống tốt nhất. Nếu có bão vào thì giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân. Bão với cấp gió giật cấp 12 thì thiệt hại vô cùng lớn, và sau bão là lũ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, công tác cứu nạn cứu hộ, hỗ trợ cho người dân 5 tỉnh miền Trung, các địa phương vẫn tiếp tục triển khai, nhất là công tác tìm kiếm người bị mất tích.
"Không để nhân dân bị ảnh hưởng của bão số 7, số 8 vừa qua phải màn trời chiếu đất, đói rét và khó khăn khác. Các địa phương như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh phải thực hiện tốt những việc này", Thủ tướng yêu cầu.
Về việc ứng phó với cơn bão số 9, dự báo có thể đổ bộ vào ngày 28/10, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm an toàn cho người dân, cả trên tàu, trên lồng bè.
"Cứu người là quan trọng nhất, cho nên tất cả các giải pháp có thể được, kêu gọi tàu bè, di dời dân cũng như khi tàu vào rồi thì cương quyết đưa ngư dân lên bờ, ngư dân trên lồng bè phải lên bờ. Đây là kinh nghiệm khi trước đây, đã vào trú tránh gần bờ những vẫn xảy ra sự cố mất an toàn. Vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, trách nhiệm đó phải xử lý nghiêm", Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu, tàu thuyền phải vào bờ sớm, neo đậu tránh va đập. Đi liền với đó, chủ động sơ tán dân ở vùng thấp, ven biển, bởi có nhận định, vùng ven biển có sóng lớn. Các địa phương đều phải có phương án di dời dân một cách phù hợp, không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân sống ven biển...
"Cùng với đó, bão có thể gây lũ lớn trên sông, gây ảnh hưởng rất lớn cho người dân. Hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày hay gọi là "mưa thối đất" Như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp, vùng sạt lở nằm cách nơi đóng quân tới 1,6 km. Do đó, các địa phương phải chủ động di dời dân", Thủ tướng nhắc lại.
Ở vùng đồng bằng, phải chèn chống nhà cửa, bảo đảm an toàn các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt các hồ đập. Phải có bộ phận chuyên môn theo dõi sát các hồ đập, lưu lượng, mực nước thế nào để xả tràn lúc nào một cách chặt chẽ, tránh tình trạng như hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) vừa qua.
Về công tác cứu hộ, cứu nạn sau bão, lũ, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan, trước hết là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có cơ quan thường trực hỗ trợ các địa phương làm công tác này tốt nhất, các trung đoàn, sư đoàn, lực lượng biên phòng trên địa bàn phải tập trung sức hỗ trợ dân trước bão và cứu dân sau bão, kể cả dùng các phương tiện như máy bay trực thăng, xe tăng và các phương tiện để cứu dân khi bị mắc kẹt, không để người dân bị bão lũ đe dọa tính mạng.
"Các ngành chức năng cũng phải tích cực vào cuộc như ngành điện phải bảo đảm cho người dân sau bão, thường gây đổ cột điện nhiều, ngành giao thông bảo đảm giao thông thông suốt, không để cách trở nhiều ngày. Các ngành, địa phương liên quan chuẩn bị lực lượng, hàng hóa để hỗ trợ người dân khi cần thiết, không để người dân thiếu thốn, đói cơm, lạc muối", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và các ngành của Trung ương không tổ chức họp trừ những cuộc họp cần thiết, để tập trung lực lượng đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương và vận động nhân dân phòng chống bão, lũ.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần "4 tại chỗ" từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão. Phải đề cao cảnh giác, chủ quan thì hậu quả rất lớn.
Đà Nẵng khẩn trương sơ tán người dân trước 15h ngày 27/10
Sau khi nghe kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Trung Chinh – Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các ngành chức năng ở thành phố phải nắm rõ các chỉ đạo của Thủ tướng.
"Phải di dời người dân ở những nơi nguy hiểm trước 15h ngày 27/10. Yêu cầu tất cả các tàu thuyền vào bờ trước 15h chiều 27/10. Kiểm tra công trình hồ đập, công trình xây dựng... để đảm bảo an toàn tuyệt đối", ông Chinh yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở GTVT, Thông tin truyền thông, Xây dựng, Công thương và các sở ngành liên quan, khẩn trương kiểm tra. Yêu cầu tất cả các công trình phải dừng hoạt động trước 15h ngày 27/10. Hạ hết tất cả các cần cẩu, giàn giáo, những phương tiện phục vụ việc xây dựng, để đảm bảo an toàn cho người dân.
"Sở Du lịch có văn bản đối với tất cả khách sạn, resort ven biển phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ... tập trung di dời các hộ dân sát ven biển. Đưa người dân đến trốn tránh bão ở các ngôi nhà an toàn. Yêu cầu tất cả người dân tích cực phòng chống bão số 9, nhưng phải đảm bảo an toàn", ông Chinh nói.
Ngoài ra, lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở GD&ĐT cho học sinh nghỉ học từ ngày 28 đến hết ngày 29/10. Sở NN&PTNT, Công an, Sở Công thương, chuẩn bị tất cả phương án để đảm bảo an toàn và cung cấp đầy đủ lương thực cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.