Mở cửa miễn phí vẫn vắng khách
Những bảo tàng tư nhân như Việt phủ Thành Chương (Hà Nội), Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình), Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc) là số ít bảo tàng ngoài công lập hoạt động ổn định, có nguồn thu từ việc bán vé và kinh doanh dịch vụ. Còn lại, các bảo tàng khác đều hoạt động cầm chừng, dù mở cửa miễn phí nhưng vắng khách, không có nguồn thu. Cho dù chủ những bảo tàng ngoài công lập sẵn sàng bỏ tiền túi, tự thân vận động xin giấy phép hoạt động và tự bày biện trang trí bảo tàng nhưng công sức của họ ít được công chúng biết đến.
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường chỉ là số ít các bảo tàng có được nguồn thu từ việc bán vé
Một phần, do công tác truyền thông yếu kém, bảo tàng thành lập ra chỉ để đấy, ai biết thì đến, phạm vi bó hẹp trong các mối quan hệ gia đình. Thậm chí, những ứng dụng truyền thông phổ biến hiện nay như mạng xã hội facebook, website cũng rất ít bảo tàng tư nhân thực hiện. Như bảo tàng tư nhân “Ký ức chiến tranh” của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiệp đã thành lập được gần 1 năm nhưng đến nay, phần lớn người dân mới chỉ được nghe nói đến, còn muốn tra cứu trên mạng về công trình, hoàn toàn không có bất cứ dòng thông tin nào. Phần khác, các bảo tàng ngoài công lập còn thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp.
Đặc biệt, các bảo tàng lưu niệm về danh nhân thường được bày biện tùy tiện, không theo chuẩn. Nói ví von hơn thì các bảo tàng này được trình bày và hướng dẫn du khách theo lối “có gì bày nấy”. Trong khi đó, một bảo tàng được tổ chức và thành lập cần đảm bảo được 2 yếu tố: nghệ thuật và khoa học (bao gồm yếu tố lịch sử). Hơn thế, nguồn nhân lực tham gia vào việc duy trì hoạt động của bảo tàng tư nhân thường có nghiệp vụ yếu, không được đào tạo bài bản về bảo tàng hay trưng bày.
Chính vì thế, cách trưng bày của các bảo tàng ngoài công lập cũng cho thấy tính thiếu chuyên nghiệp và vì vậy, ít tạo được ấn tượng thị giác và hấp dẫn người xem. Với mong muốn là giới thiệu tới công chúng cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn hay họa sỹ, hoặc là giới thiệu và chia sẻ về ký ức một thời đã đi qua như thời chiến tranh, bao cấp nhưng cách trưng bày có vẻ “tùy hứng” của chủ các bảo tàng đã không thể chuyển tải được hết ý nghĩa tốt đẹp này.
Thiếu “bà đỡ” cho các bảo tàng
Các bảo tàng tư nhân từ khi manh nha thành lập đến khi đi vào hoạt động đều tự lo tự chi và thiếu đi các “bà đỡ”. Điều đó dẫn đến hoạt động của các bảo tàng luôn gặp nhiều khó khăn, thậm chí buộc phải đóng cửa vì không đủ kinh phí duy trì hoạt động. Việc mở cửa miễn phí chỉ là thời gian đầu vận hành thử nghiệm để đánh giá, thăm dò dư luận xã hội, với một bảo tàng gia đình, bảo tàng chuyên đề, hơn nữa, cũng là để tìm kiếm sự vận hành phù hợp với những điều kiện riêng của bảo tàng. Nhưng việc mở cửa tự do dành cho du khách mãi mãi là điều không thể. Nhiều khoản chi để duy trì hoạt động của bảo tàng luôn phát sinh và cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Chưa nói tới, trong việc tổ chức bài trí của bảo tàng tư nhân còn thiếu khâu thiết kế không gian cho các quầy dịch vụ đã dẫn tới nguồn thu của bảo tàng tư nhân chỉ biết trông chờ vào việc bán vé. Nhưng đây lại là khâu khó nhất đối với mỗi bảo tàng tư nhân.
Bảo tàng Ký ức chiến tranh của Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hiệp dù mở cửa miễn phí nhưng vẫn không hút khách
Tìm trên bản đồ du lịch của Hà Nội và TP.HCM hoàn toàn không có tên bảo tàng tư nhân. Tuy đã hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập với sự ra đời của 25 bảo tàng trên toàn quốc nhưng các tour du lịch lữ hành hầu hết đều “quên lãng” loại hình văn hóa rất quan trọng này. Tất nhiên, sẽ có nhiều người nói rằng, ngay đến bảo tàng công lập còn gặp khó trong việc hút khách du lịch, nói gì đến các bảo tàng tư nhân.
Nhưng trường hợp của Việt phủ Thành Chương lại chứng minh điều ngược lại. Ban đầu, bảo tàng tư nhân này cũng gặp khó khăn vì đường sá đi lại xa xôi, bảo tàng ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, vé bán vào Việt phủ Thành Chương đã lên tới 150 nghìn đồng/người mà khách tới tham quan ngày một đông. Người này rỉ tai người kia để tiếng tăm của Việt phủ Thành Chương đã nức tiếng trong giới du lịch. Điểm sáng của hệ thống bảo tàng tư nhân này đang cho thấy vấn đề nằm ở cách làm, không phải bảo tàng tư nhân hay công lập.
Sự kết hợp giữa công ty du lịch và các bảo tàng tư nhân sẽ tạo ra những sản phẩm văn hóa có sức lan tỏa và quảng bá sâu rộng đất nước, con người Việt Nam. Nhưng tiếc rằng, dù rất muốn, các giám đốc bảo tàng tư nhân vẫn đang đứng nhìn công trình văn hóa, do chính tay mình xây đắp ngắc ngoải trong cơ chế thị trường.
Phạm Thu Hương (An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.