Báo Thụy Điển: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn BT Quốc phòng Thụy Điển bị cách chức

Nguyễn Thái - Sputnik Thứ ba, ngày 07/06/2022 21:10 PM (GMT+7)
Vấn đề liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển được đưa ra trong cuộc gặp giữa quan chức 2 nước nhằm thảo luận về những nỗ lực muốn gia nhập NATO của Thụy Điển.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist. Ảnh: Flickr

Tờ Expressen của Thụy Điển hôm 6/6 dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan muốn Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson sa thải Bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông Peter Hultqvist. Ankara cáo buộc ông Hultqvist có liên kết với người Kurd - nhóm bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố. 

"Thổ Nhĩ Kỳ muốn ông Hultqvist bị cách chức", nguồn tin giấu tên cho hay và khẳng định vụ việc này được Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trao đổi trong cuộc gặp giữa quan chức 2 nước nhằm thảo luận về những nỗ lực muốn gia nhập NATO của Thụy Điển.

Theo tờ Expressen, cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ với Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển dựa trên một bài phát biểu của ông Hultqvist tại bữa tiệc do đảng công nhân người Kurd (PKK) tổ chức năm 2011 ở thành phố Borlänge, Thụy Điển. 

Khi được hỏi về bài phát biểu gây tranh cãi, ông Hultqvist trả lời rằng: "Theo tôi, bạn nên tôn trọng người Kurd như là một dân tộc. Việc đàn áp người Kurd cũng như không cho phép họ sử dụng ngôn ngữ riêng là sai". 

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển nhấn mạnh, ông không ủng hộ hay dung túng cho bạo lực và khủng bố và cho rằng việc tham gia bữa tiệc là "bình thường.  Ông Hultqvist nói thêm rằng, việc tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề người Kurd mới là "điều quan trọng". 

Việc ông Hultqvist tham gia bữa tiệc của PKK đã gây ra sự phẫn nộ lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề người Kurd dường như là "một con bài mặc cả" quan trọng trong các cuộc thảo luận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, Phần Lan khi 2 nước vùng Scandinavia muốn gia nhập NATO nhưng vấp phải sự phản đối của Ankara. 

Thổ Nhĩ Kỳ - gia nhập NATO từ năm 1952 và là quốc gia thành viên có quy mô quân sự lớn thứ 2 của khối này - phản đối việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO với lý do 2 nước này ủng hộ PKK và lực lượng dân quân người Kurd (YPG). Ankara xem PKK và YPG là các tổ chức khủng bố. 

Trước khi từ chối nỗ lực của Thụy Điển và Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các yêu cầu cụ thể để 2 nước này đáp ứng nhưng không thành. Các yêu cầu gồm ngừng hỗ trợ và cấm các sự kiện của PKK và các tổ chức cùng chí hướng với nhóm này, dẫn độ những người bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã về tội khủng bố, đồng thời dỡ bỏ các hạn chế về xuất khẩu vũ khí. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem