Bảo tồn động vật quý hiếm: Sẽ khuyến khích tư nhân tham gia?

Thứ sáu, ngày 15/03/2013 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên xem xét cho tư nhân được tham gia bảo tồn động vật quý hiếm, để giảm gánh nặng chi phí cho ngân sách, và vẫn bảo tồn, nuôi dưỡng được các loài vật này.
Bình luận 0

Từ tiền lệ của 2 cá thể hổ…

Sau khi báo chí phản ánh thực trạng “Nuôi hổ như nuôi lợn” ở Diễn Châu (Nghệ An), ngày 6.11.2012, Công an (CA) huyện Diễn Châu kiểm tra và tiến hành thu giữ 2 cá thể hổ được nuôi nhốt tại hộ ông Nguyễn Văn Sáng, trú tại xóm 5, xã Diễn Quảng, mỗi con nặng khoảng 30kg. Do không đủ điều kiện nuôi nhốt, ngày 14.11.2012, CA huyện Diễn Châu đã giao cho Khu du lịch sinh thái Trại Bò ở xóm Đồng Nông, xã Diễn Lâm (Diễn Châu)… nuôi hộ.

img
Hai cá thể hổ Đông Dương ở Khu sinh thái Trại Bò trước khi UBND tỉnh Nghệ An quyết định giao cho Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn.

Tiếp đó, ngày 2.1.2013, CA Diễn Châu tiếp tục phát hiện 1 cá thể beo lửa trưởng thành, khoảng 6kg nuôi nhốt trái phép tại hộ ông Nguyễn Văn Đông, xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu). Do đang trong quá trình điều tra, nên CA Diễn Châu tiếp tục ký gửi cá thể beo lửa này cho Khu du lịch sinh thái này vào ngày 5.1.2013.

Ông Nguyễn Văn Quân – Trưởng phòng Bảo vệ DVHD - Trung tâm giáo dục thiên nhiên cho rằng: “Theo Thông tư 90 năm 2008 của Bộ NNPTNT về “Xử lý tang vật là động vật rừng còn sống thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong nướ”, thì Khu sinh thái Trại Bò được quyền giữ lại 3 cá thể hổ, beo trên. Song hiện việc buôn bán ĐVHD rất phức tạp, giao cho tư nhân rất khó quản lý”.

Ông Nguyễn Sỹ Quyết – Phó Giám đốc Khu du lịch sinh thái Trại Bò cho biết, sau khi nuôi một thời gian, cả 2 cá thể hổ và cá thể beo đều phát triển tốt; đặc biệt 2 cá thể hổ trong vòng hơn 1 tháng đã tăng khoảng 4 – 5kg, hổ được nuôi trong môi trường bán hoang dã. “Chúng tôi đã làm đơn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép giữ lại nuôi các động vật trên với mục đích “bảo tồn, nhân giống, trưng bày, phục vụ tham quan, giáo dục và nhận được sự đồng tình của Kiểm lâm huyện Diễn Châu”- ông Quyết nói.

Tuy nhiên, ngày 8.2 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định chuyển giao 3 cá thể hổ, beo nói trên cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) và Kỹ thuật Bảo vệ rừng Sóc Sơn (Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn).

Về vấn đề này, ông Thái Văn Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, người ký quyết định chuyển 2 cá thể hổ trên cho biết: “Về mặt luật pháp hiện hành, 2 cá thể hổ này là tài sản Nhà nước thu hồi, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, nên không thể giao cho một đơn vị tư nhân”.

Ông Hằng cũng chia sẻ thêm, về mặt lâm sinh, có nhiều đơn vị, cá nhân có điều kiện nuôi tốt, nhận nuôi suốt đời, nhưng theo nguyên tắc, chúng ta vẫn phải giao lại cho một đơn vị Nhà nước để quản lý, tránh gây hiểu nhầm tịch thu của người này, lại giao cho người khác.

Sẽ khuyến khích tư nhân tham gia bảo tồn?

Trao đổi với NTNN, ông Trần Thế Liên- Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: “Theo các quy định hiện hành, Khu sinh thái Trại Bò có thể được mua để nuôi, bảo tồn các cá thể beo, hổ bị tịch thu. Tuy nhiên, xét về diện ưu tiên, chỉ khi các trung tâm Nhà nước không đảm bảo yêu cầu hoặc vượt quá năng lực mới xem xét đến các trung tâm của tư nhân”.

Về lâu dài, ông Liên cho biết, hiện nay, Bộ NNPTNT đang xây dựng chiến lược bảo tồn các loại động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng một cách bền vững. Trong chiến lược này, Bộ sẽ đưa ra định hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn; trong đó có cả việc bảo tồn các động vật là tang vật tịch thu được.

Một vấn đề nữa trong việc bảo tồn ĐVHD quý hiếm theo các chuyên gia, đó là kinh phí bảo tồn. Bởi nếu Nhà nước cứ “ôm” cả, thì kinh phí để nuôi dưỡng, bảo vệ các loài vật này sẽ rất lớn, thậm chí nhiều Trung tâm cứu hộ cũng đang đứng trước nguy cơ quá tải.

Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam phân tích: “Trung bình, mỗi con hổ ăn hết khoảng 6kg thịt bò, hoặc thịt lợn mỗi ngày. Trong khi đó, hiện ở Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn đang có rất nhiều loài, với hàng trăm cá thể động vật khác nhau, chỉ riêng tiền cho chúng ăn thôi đã tiêu tốn rất nhiều ngân sách (trung bình chi phí hết 12-15 triệu đồng/con/tháng)”.

Do đó, theo GS Huỳnh, thực tế trong nước đang có rất nhiều cá nhân, đơn vị nuôi ĐVHD với mục đích bảo tồn, hoặc làm du lịch. Cá nhân tôi ủng hộ tư nhân nuôi ĐVHD nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”.

Chia sẻ quan điểm trên, chính ông Ngô Bá Oanh- Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Sóc Sơn cũng thừa nhận, nhiệm vụ của Trung tâm Cứu hộ là “cứu hộ”, còn bảo tồn lại là vấn đề khác. “Chúng ta có rất nhiều cách để bảo tồn, ngoài các trung tâm bảo tồn của Nhà nước, các cá nhân, tập thể cũng có thể tham gia bảo tồn, miễn là làm sao “bảo tồn hổ”, không đem chúng ra… nấu cao là được” – ông Oanh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem