Bảo tồn nguồn gen thủy sản cơ sở để bảo tồn, khai thác hiệu quả các loài nguy cấp quý hiếm

Minh Hà Thứ tư, ngày 29/11/2023 08:02 AM (GMT+7)
Trong những năm gần đây với quá trình toàn cầu hoá, sự gia tăng dân số, yêu cầu của sự phát triển kinh tế và hệ quả của biến đổi khí hậu, các nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả nguồn gen thủy sản.
Bình luận 0

Gen – điều kiện để có đàn bố mẹ tốt

Trong lĩnh vực thủy sản, hiện có 5 loài đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 17 loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn, 72 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn và 176 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn.

Về lĩnh vực thủy sản, nhiệm vụ "Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt" được thực hiện từ năm 1998 và nhiệm vụ "Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước lợ, mặn" được thực hiện từ năm 2005 do các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1,2,3 và Viện Hải sản chủ trì thực hiện.

Bảo tồn nguồn gen thủy sản cơ sở để bảo tồn, khai thác hiệu quả các loài nguy cấp quý hiếm - Ảnh 1.

Để bảo tồn được nguồn gen quý cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ảnh: Hòa Lê

Kết quả Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen thủy sản ở cả 4 Viện đã thu thập và lưu giữ thành công 68 nguồn gen thủy sản, trong đó có 50 nguồn gen cá nước ngọt, 12 nguồn gen cá biển, 2 nguồn gen giáp xác và 4 nguồn gen nhuyễn thể. Các nguồn gen này đã thực sự đóng góp một phần quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, y dược, nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Hiện nay, hầu hết sự chú ý liên quan đến bảo tồn nguồn gen thủy sản được tập trung vào bảo vệ các loài nước ngọt, có thể là do các sinh cảnh nước ngọt đang chịu áp lực suy thoái cao và có mối quan hệ gần gũi với nhau. Một số nguồn gen bản địa đã được phục hồi và thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghề nuôi các đối tượng thủy sản kinh tế như cá biển có nguồn con giống chủ yếu từ khai thác tự nhiên hoặc nhập từ nước ngoài. Vấn đề là chưa tạo được đàn tôm, cá bố mẹ có chất lượng tốt để phục vụ nghiên cứu sản xuất giống trong khi nguồn cá bố mẹ trong tự nhiên đang ngày càng khan hiếm, thời gian thành thục của cá tương đối dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Các nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nguồn gen của các loài nuôi trồng thủy sản được cho là mất và suy thoái môi trường sống. Đánh bắt quá mức và ô nhiễm cũng thường gây hại cho cả các loài sinh vật biển và nước ngọt. Ở các sông ôn đới, sự thay đổi đa dạng sinh học chủ yếu là do sự phân cắt của sông và các loài xâm lấn.

Chiến lược bảo vệ nguồn di truyền

Để bảo tồn được các nguồn gen quý, cần thiết phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng lúc. Đó là tăng cường các hoạt động bảo tồn bao gồm thiết lập các khu bảo tồn nước ngọt trong khu vực hoặc các khu bảo tồn biển, hoặc trên toàn cầu, theo công ước về đa dạng sinh học. Các khu bảo tồn tại chỗ như các khu bảo tồn cơ sở nhỏ trong hệ thống sông Mekong thường được khoanh vùng và biệt lập, nhưng rất quan trọng trong việc bảo vệ lưới thức ăn và tăng sản lượng thủy sản.

Thực thi các lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa nhằm tạo điều kiện cho quá trình sinh sản thành công ở một số loài mục tiêu. Lệnh cấm đánh bắt cá mục tiêu dài hạn 5-10 năm. Lệnh cấm đánh bắt tổng thể trên phạm vi rộng là một nhiệm vụ to lớn, nhưng rất quan trọng để khôi phục nguồn gen của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là các loài di cư.

Bảo tồn nguồn gen thủy sản cơ sở để bảo tồn, khai thác hiệu quả các loài nguy cấp quý hiếm - Ảnh 2.

Phân tích các nguồn gen trước khi lai tạo và bảo tồn. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn

Một cách khác để bảo vệ nguồn gen là bảo tồn chuyển vị. Đôi khi các quần thể tự nhiên hoặc môi trường sống quá suy thoái để bảo vệ. Sinh sản nhân tạo trong điều kiện nuôi nhốt và bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng tốt hơn là biến mất hoàn toàn. Một ví dụ điển hình là hai loài cá tầm ở sông Dương Tử, cá tầm Trung Quốc và cá tầm Dương Tử. Cả hai đều có nguy cơ tuyệt chủng và các hoạt động sinh sản tự nhiên của chúng bị gián đoạn do việc xây dựng các đập thủy điện. Tuy nhiên, việc sinh sản nhân tạo đã cho phép các quần thể khỏe mạnh của hai loài này được duy trì trong điều kiện nuôi nhốt. Vẫn còn hy vọng rằng những loài này có thể được nuôi đủ lâu để phục hồi môi trường sống tự nhiên của chúng và thiết lập quần thể trong tự nhiên

Bảo quản giao tử dưới dạng ngân hàng hạt giống thường được coi là lưu trữ nguồn gen của các loài nuôi trồng thủy sản. Việc thả giống nhân tạo, thường được sử dụng để quản lý thủy sản, là một phương pháp lai giữa thực hành và bảo tồn tại chỗ, nhưng cần áp dụng giám sát kỹ lưỡng để theo dõi thành phần di truyền của các cá thể thả và tự nhiên để bảo vệ nguồn gen của các quần thể tự nhiên.

Nuôi trồng thủy sản đôi khi có thể đóng một vai trò tích cực trong việc bảo tồn các nguồn gen; ví dụ, ấu trùng megalopa của cua găng (Cà ra) Trung Quốc được thu thập nhiều để nuôi trồng thủy sản, đe dọa các quần thể tự nhiên của nó trong những năm 1990. Thành công sau đó trong việc sinh sản nhân tạo thương mại hóa không chỉ hỗ trợ sự tăng trưởng ổn định của nghề nuôi cua biển Trung Quốc mà còn giúp bảo vệ quần thể tự nhiên và nguồn gen của nó do giảm bớt áp lực đánh bắt đối với quần thể tự nhiên.

Hy vọng rằng với những gì đã đạt được trong thời gian qua và trong tương lai theo mục tiêu và kế hoạch của quyết định của thủ tướng chính phủ "Phê duyệt chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" góp phần vào chiến lược nuôi trồng thủy sản bền vững của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem